Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Hành trình xanh và khát vọng về những tương lai tươi sáng
03:27 PM 08/05/2024
(LĐXH) - Hội thi "Hành Trình Xanh" tại Trường THPT Tam Giang (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là một trong những sáng kiến hữu hiệu, nhằm giáo dục kỹ năng và nâng cao nhận thức về môi trường cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. ..
Cô và trò Trường THPT Tam Giang tích cực, hưởng ứng Hội thi “Hành Trình Xanh”
Một bước tiến về đổi mới phương pháp giáo dục
Chương trình "Hành Trình Xanh" phối hợp tổ chức bởi Trung tâm Đào tạo Kỹ năng mềm Quốc tế Ikigai và Trường THPT Tam Giang. Được thiết kế bởi Thạc sĩ Hoàng Đức Bảo, chuyên gia kỹ năng mềm, chương trình không chỉ là một cuộc thi mà còn là cơ hội để học sinh nhận thức sâu sắc hơn về môi trường và phát triển các kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Hội thi này đánh dấu một bước tiến nổi bật trong việc đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường trong các cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông. Tham gia "Hành Trình Xanh" học sinh không chỉ cam kết bảo vệ môi trường mà còn có dịp khám phá bản thân, nuôi dưỡng ước mơ và đam mê nghề nghiệp, từ đó hình thành những khát vọng về một tương lai xanh.
Diễn giả Hoàng Đức Bảo, Chuyên gia Kỹ năng mềm hướng dẫn sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và ChatGPT, Ảnh: Hoàng Dũng
TS. Đường Văn Hiếu, Giám đốc - Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Môi trường miền Trung, thành viên Ban giám khảo nhận xét: “Sáng kiến của Trung tâm Đào tạo Kỹ năng mềm Quốc tế Ikigai phối hợp với Trường THPT Tam Giang tổ chức Hội thi “Hành Trình Xanh” cho các em học sinh THPT rất bổ ích và nhiều ý nghĩa. Đây là lần thứ ba tôi tham gia chấm vòng chung kết, đã thấy được sự trăn trở và quan tâm của các em học sinh đến ô nhiễm môi trường hiện nay. Từ đó, các em đã có những cách thức tuyên truyền thông minh, sáng tạo và hữu ích nhằm lan tỏa thông điệp mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường”.
Các sản phẩm tham gia hội thi không chỉ thể hiện sự đa dạng về ý tưởng mà còn phản ánh sự tự tin, kiến thức và kỹ năng mà học sinh đã học được. Quan trọng hơn, họ đã tự tìm hiểu, nghiên cứu và trình bày những thông điệp cần thiết để lan tỏa ý thức về bảo vệ môi trường. Qua đây, được xem như môn học ngoại khóa nghiên cứu khoa học cơ bản cấp phổ thông trung học, nhằm chuẩn bị hành trang vững chắc cho cánh cửa đại học tiếp theo.
PGS.TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐHKH – Đại Học Huế hướng dẫn chuyên môn môi trường, Ảnh: Hoàng Dũng
Tham gia hướng dẫn và đồng hành cùng hội thi, PGS.TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho hay: “Những điều mà các em đã thể hiện trong hội thi thì các kỹ năng và ứng dụng công nghệ thông tin rất tốt. Các em đã tự tìm tòi học hỏi kiến thức chuyên môn về môi trường, khảo sát thực tế, phỏng vấn người dân và dựng clip; tất cả đều dược thể hiện khá chuyên nghiệp. Tham gia chương trình này, cũng là thực hiện Kế hoạch triển khai Chiến lượt Quốc gia về tăng trưởng xanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2024 - 2025”.
Tiêu diệt rác thải nhựa
Trong bài thuyết trình về rác thải nhựa, nhóm lớp 10A3 (tên nhóm Destroy Plastic Waste tạm dịch Tiêu Diệt Rác Thải Nhựa) đã  chỉ ra các hệ lụy về ô nhiễm môi trường do ý thức kém của người dân. “Với thông điệp và cũng là tên nhóm ‘Tiêu Diệt Rác Thải Nhựa’, chúng tôi muốn cảnh báo rằng rác thải nhựa, hay còn được gọi là ô nhiễm trắng, là thảm họa đang rình rập có thể giết chết hành tinh. Bảo vệ môi trường phải bắt đầu từ những hành động nhỏ như không xả rác bừa bãi, nhặt rác và sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường. Những vật liệu có thể tái chế sẽ được tái sử dụng để tiết kiệm hơn, thay thế các sản phẩm nhựa bằng những sản phẩm khác thân thiện với môi trường”.
Học sinh Trường THPT Tam Giang tham tham gia hội thi Hành Trình Xanh, Ảnh: Hoàng Dũng
Hoàng Thụy An, học sinh lớp 11A1, chia sẻ về cảm xúc khi tham gia Hội thi Hành Trình Xanh: “Chúng em rất phấn khởi và nhiệt tình tham gia chương trình. Cách đây hai năm, khi còn học tại Trường THCS Điền Hải, em đã từng dự thi và có một chút kinh nghiệm. Tuy nhiên, lần này cảm thấy áp lực hơn do mức độ cạnh tranh gia tăng từ các nhóm bạn.
Ban đầu, chúng em gặp khó khăn trong việc đưa ra ý tưởng và có một số bất đồng, nhưng nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ giáo viên chủ nhiệm và sự quan tâm của nhà trường, chúng em đã vượt qua và tăng tốc được. Các hoạt động ngoại khoá như thế này, không chỉ mang lại cho chúng em nhiều trải nghiệm thực tế mà còn giúp chúng em học hỏi thêm kiến thức chuyên môn, hướng nghiệp làm nền tảng cho việc định hướng học tập trong tương lai”.
 “Chúng tôi rất vui và phấn khích khi nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ các cấp chính quyền, lãnh đạo, phụ huynh học sinh và cộng đồng địa phương. Đặc biệt, sự đóng góp của các chuyên gia, giảng viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các khóa đào tạo về giáo dục kỹ năng và hướng nghiệp - kỹ năng mềm, mà diễn giả Hoàng Đức Bảo, một chuyên gia hàng đầu về kỹ năng mềm, đã tích cực xây dựng nôi dung cho Hội thi “Hành Trình Xanh”. Chương trình này đã khơi dậy niềm đam mê và năng lượng tích cực trong các em học sinh, giúp các em phát triển kỹ năng và tăng cường lòng tự tin bảo vệ môi trường” - thầy giáo Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Giang nói.
 Thành viên Ban giám khảo chấm thi Hành Trình Xanh TS. Lê Thị Cẩm Tú, Giảng viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Huế cho biết: “Qua hội thi này, chúng tôi nhận thấy các em học sinh được tự do thể hiện các ý tưởng của mình dựa trên nền tảng công nghệ và sự vận dụng linh hoạt các kiến thức đã học trong chương trình giáo dục phổ thông. Các em rất hăng say tìm tài liệu, nghiên cứu những vấn đề bức xúc xã hội về tình trạng ô nhiễm môi trường để có thể lựa chọn đề tài, nhằm tăng tính lan tỏa và hữu ích”.
Điều thú vị nhất là các sản phẩm tham gia dự thi đã không trùng lặp về mặt ý tưởng, cũng như phương thức để giải quyết vấn đề nổi cộm đó là “Ô nhiễm môi trường”. Hội thi khép lại nhưng niềm tin được mở ra: niềm tin vào sự hiểu biết của các em về tác hại của ô nhiễm môi trường đến cuộc sống của con người, niềm tin vào ý thức và trách nhiệm của các em về bảo vệ môi trường nhằm hướng đến một môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp trên quê hương Thừa Thiên Huế.
Thầy giáo Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Tam Giang tặng hoa Ban tổ chức và Ban giám khảo chấm chung kết Hội thi Hành Trình Xanh - Ảnh: Hoàng Dũng
Mỗi bước chân của học sinh trong "Hành Trình Xanh" không chỉ khẳng định cam kết cá nhân mà còn thể hiện qua những hành động thiết thực vì một tương lai bền vững. Sự kiên trì và niềm đam mê của các em không chỉ mở ra cánh cửa cho những thay đổi lớn, mà còn chứng minh rằng mỗi hành động, dù nhỏ bé, đều có thể đóng góp vào việc bảo vệ và cải thiện môi trường sống. Với mỗi bước đi, chúng ta cùng nhau xây dựng, thực hiện thay đổi tích cực, nơi mỗi hành động cá nhân là một mảnh ghép để “Hành Trình Xanh” còn mãi vươn xa.
Bảo Nghi
 
                                                                                              
TAG:
Tin khác
Yên Bái không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Yên Bái vượt kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề năm 2024
Yên Bái đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề
Hơn 59% lao động tại tỉnh Sóc Trăng đã qua đào tạo nghề
Sóc Trăng: Tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số
Yên Bái nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Yên Bái
Sóc Trăng: Tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm
Sóc Trăng đẩy mạnh hợp tác phát triển giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm cho người lao động