Nhằm tăng cường công tác giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, Sở GTVT Hải Phòng đã ban hành Kế hoạch hành động trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2030 gắn với dự án ATS. Dự án nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý GTVT, tăng cường năng lực của hệ thống giao thông tiếp cận phổ quát (Dự án ATS) thuộc Hợp phần B, Chương trình Aus4Transport do Chính phủ Australia tài trợ, được triển khai tại 4 tỉnh/thành phố, gồm: Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Tiền Giang và Cần Thơ. Đồng thời cũng sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; xây dựng môi trường không rào cản đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình.
Mục tiêu của Dự án trong giai đoạn 2021-2025 là đảm bảo tối thiểu 30% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật hoặc được hỗ trợ sử dụng phương tiện vận tải khách công cộng hay dịch vụ trợ giúp tương đương;
100% người khuyết tật khi tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định; riêng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ trên tuyến cố định tối thiểu 30% người 3 khuyết tật được giảm giá vé khi sử dụng; Đảm bảo 60% cán bộ làm công tác trợ giúp người khuyết tật được tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật.
Trong giai đoạn 2026-2030, đảm bảo tối thiểu 50% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật hoặc được hỗ trợ sử dụng phương tiện vận tải khách công cộng hay dịch vụ trợ giúp tương đương; 100% người khuyết tật khi tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định; riêng dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ trên tuyến cố định tối thiểu 60% người khuyết tật được giảm giá vé khi sử dụng.
Sở GTVT Hải Phòng khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách thực hiện trợ giúp người khuyết tật tiếp cận và tham gia giao thông; có công cụ hỗ trợ, chính sách ưu tiên đối với người khuyết tật khi tham gia giao thông. Triển khai, sử dụng và hướng dẫn sử dụng bộ tiêu chí giao thông tiếp cận phổ quát; Sổ tay thiết kế công trình giao thông tiếp cận đối với hệ thống giao thông, phương tiện vận tải khi được các cơ quan Trung ương ban hành.
Xây dựng các tuyến buýt mẫu để nhân rộng mô hình các phương tiện vận tải hành khách công cộng đảm bảo chất lượng để người khuyết tật tham gia giao thông. Tổng điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng đảm bảo tiếp cận của hệ thống giao thông công cộng và nhu cầu tham gia giao thông của người khuyết tật.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm trong việc áp dụng các quy chuẩn, quy định kỹ thuật và kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo sự phù hợp với việc tiếp cận của người khuyết tật.
Sở GTVT Hải Phòng cũng yêu cầu đối với các đơn vị khai thác bến xe, bến tàu trên địa bàn thành phố chủ động rà soát, cải tạo và nâng cấp, bố trí khu vực và các công trình phụ trợ phù hợp với đặc điểm, nhu cầu sử dụng của người khuyết tật, chú trọng đến một số hạng mục công trình nhỏ như: nhà vệ sinh, phòng chờ hành khách, đường dẫn, đường dốc để lên, xuống cho người khuyết tật.
Thu Hương