Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Hải Phòng đẩy mạnh công tác thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công không dùng tiền mặt
05:10 PM 15/08/2024
(LĐXH)- Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hải Phòng, tính đến trung tuần tháng 8 năm 2024, tỷ lệ đối tượng được chi trả trợ cấp người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản trên tổng số đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội trên toàn thành phố đã đạt 81,3%.
Thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội cho đối tượng người có công và đối tượng bảo trợ xã hội không dùng tiền mặt là một trong những nội dung thiết thực để triển khai hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Tham gia chi trả trợ cấp qua tài khoản ngân hàng, người dân thuộc diện được hưởng chính sách trợ cấp an sinh xã hội sẽ đảm bảo được nhận trợ cấp đầy đủ, công tác chi trả được thực hiện nhanh chóng, an toàn, bảo mật, tiết kiệm chi phí đi lại cho người được hưởng trợ cấp. Đồng thời, chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt còn giúp cho các đơn vị, tổ chức thanh quyết toán thuận lợi , giảm chi phí, giảm rủi ro trong vận chuyển tiền mặt, tăng tính minh bạch trong quản lý chi trả. Do đó, công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng chính sách an sinh xã hội ở Hải Phòng được thành phố quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Tổng số đối tượng an sinh xã hội toàn thành phố Hải Phòng là hơn 121 nghìn người, trong đó đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng khoảng 45,5 nghìn người. Tính đến 15/8/2024, các cấp, các ngành, các địa phương liên quan đã tiến hành rà soát 100% đối tượng, trong đó 115,5 nghìn đối tượng đã có tài khoản; 98.377 đối tượng được chi trả qua tài khoản, đạt  81,3% số đối tượng được chi trả qua tài khoản trên tổng số đối tượng quản lý trên địa bàn. Toàn thành phố có 2.519 đối tượng bất khả kháng không mở và nhận được chi trả qua tài khoản, chiếm tỷ lệ 2,08%.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng họp triển khai tăng cường các giải pháp chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Nhằm nâng cao nhận thức của đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, thời gian qua, ngành Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, lợi ích và các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; các tiện ích của tài khoản ngân hàng khi thực hiện chi trả ưu đãi người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội và các trợ cấp an sinh xã hội khác không dùng tiền mặt nhằm tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt đối với các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thành phố.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Công an thành phố làm việc với một số UBND, Công an các quận, huyện có tỷ lệ chi trả trợ cấp qua tài khoản còn thấp. Sau đó, UBND các quận, huyện đã chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn phối hợp với Công an các cấp, Bưu điện quận/huyện, ngân hàng thương mại trên địa bàn tiến hành rà soát, thu thập thông tin, vận động đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội mở tài khoản nhận chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt qua tài khoản của đối tượng và người được ủy quyền. 
Nhờ đó, nhiều địa phương có số đối tượng được chi trả qua tài khoản trên tổng số đối tượng quản lý trên địa bàn tăng lên rõ rệt. Trong đó, các quận: Hải An, Lê Chân, Dương Kinh, Hồng Bàng, Kiến An, Ngô Quyền đã hoàn thành 100%; huyện Tiên Lãng tỷ lệ nhận trợ cấp quan tài khoản tăng lên hơn 85,07%; huyện Vĩnh Bảo đạt mức 94,97%, huyện An Dương 75,48%,  huyện Thủy Nguyên tăng lên đạt mức gần 87%... Đây là chuyển biến rất tích cực sau khi các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện để Nhân dân tiếp cận các tiện ích của tài khoản ngân hàng khi thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, việc tổ chức chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hải Phòng vẫn còn gặp những khó khăn, trở ngại do thói quen, tâm lý của người dân và cơ sở hạ tầng, sự kết nối, tích hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, các chi phí như phí quản lý tài khoản, phí dịch vụ Internet banking, SMS banking tuy không quá lớn nhưng ngân hàng chưa có ưu đãi nên các đối tượng có trợ cấp ít cũng khó chấp nhận sử dụng dịch vụ. Về phía đối tượng, đại đa số người hưởng chính sách là đối tượng cao tuổi, già, yếu, tàn tật khả năng đi lại khó khăn nên việc sử dụng công nghệ thông tin (điện thoại thông minh, giao dịch qua tài khoản) khó thực hiện được.
Để việc triển khai chi trả trợ cấp người có công và trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt hiệu quả cao nhất, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng đã có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các chính sách hỗ trợ, miễn giảm phí dịch vụ đối với các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội để khuyến khích các đối tượng mở tài khoản và thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hải Phòng chỉ đạo các ngân hàng thương mại nâng cao chất lượng dịch vụ, bổ sung các cây ATM tại các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nói chung và đối tượng người có công trong việc rút tiền.
Toàn thành phố Hải Phòng phấn đấu trong năm 2024, 100% đối tượng người có công, đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đủ điều kiện được mở tài khoản và nhận trợ cấp qua tài khoản (bao gồm người được ủy quyền nhận thay qua tài khoản)./.
Thảo Lan
 

TAG: chi trả trợ cấp ưu đãi người có công không dùng tiền mặt trợ cấp an sinh xã hội
Tin khác
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
24 liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh được đính chỉnh, điều chỉnh thông tin
Phòng, chống thiên tai: Phải lấy người dân làm trung tâm
Tuyên Quang: Chủ động thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Cô gái H’Mông: Trái tim tử tế mang khát vọng kết nối giá trị nhân văn trong hệ sinh thái “Nuôi em”
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động