Hà Tĩnh quan tâm điều dưỡng người có công với cách mạng
(LĐXH)- Nhiều năm qua, cùng với việc thực hiện nghiêm túc các chế độ ưu đãi người có công, tỉnh Hà Tĩnh còn quan tâm chú trọng tới công tác điều dưỡng người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tết cao cả, tỉnh Hà Tĩnh hiện có 39.680 người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng, bao gồm: 36 người là mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến; 20.866 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 5.011 bệnh binh; 5.319 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học; 6.911 người hưởng trợ cấp tuất liệt sĩ; 196 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và các đối tượng hưởng trợ cấp khác.
Toàn tỉnh hiện có 1.987 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 27 mẹ còn sống và 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo.
Trong rất nhiều năm qua, nhiệm vụ tri ân, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng đã trở thành việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và tạo được sự lan tỏa sâu rộng.
Đặc biệt, nhằm thể hiện trách nhiệm lớn lao, tình cảm sâu sắc, đạo lý cao cả, tri ân đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc, năm 1999, Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh (đơn vị trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh) được thành lập với nhiệm vụ chính là tổ chức chăm sóc, điều dưỡng các đối tượng chính sách người có công.
Đến nay, bằng sự quan tâm, chăm sóc tận tâm chu đáo với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo của lãnh đạo và cán bộ, nhân viên, Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh đã trở thành địa chỉ quen thuộc để sẻ chia, điều dưỡng đối với các đối tượng người có công, thân nhân người có công trên địa bàn.
Hiện nay, Trung tâm có 2 cơ sở cách nhau hơn 15 km. Trụ sở chính nằm trên địa bàn xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh, tập trung nuôi dưỡng các đối tượng người có công và bảo trợ xã hội. Cơ sở 2 là Khu điều dưỡng người có công với cách mạng nằm ngay sát bờ biển Lộc Hà (đóng tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà), được xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013.
Ông Trần Viết Tới, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh cho biết: Năm 2023, Trung tâm tiếp tục đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt đã tập trung thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
“Công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều đổi mới, khoa học; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, viên chức, người lao động được nâng lên; phân công, phân nhiệm rõ ràng. Nhờ đó, chất lượng chăm sóc, điều dưỡng người có công và thân nhân nhân người có công ngày càng được nâng lên rõ rệt, được các đối tượng ghi nhận, đánh giá cao” - Giám đốc Trần Viết Tới, trao đổi.
Đặc biệt, công tác tổ chức điều dưỡng tập trung đã được Trung tâm chú trọng từ công tác tiếp đón, quản lý, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các đoàn về điều dưỡng đến việc đổi mới các nội dung chương trình điều dưỡng; tổ chức khám bảo hiểm y tế; kiểm tra, lập hồ sơ sức khỏe ban đầu…
Cụ thể, mỗi đoàn người có công đến điều dưỡng được Trung tâm tổ chức các buổi nói chuyện thời sự; tư vấn về sức khỏe; chiếu phim màn ảnh rộng; tổ chức, phục vụ giao lưu văn nghệ giữa đoàn với Trung tâm.
Tổ chức tập phục hồi chức năng, vật lý trị liệu như: ngâm chân thuốc bắc, xông hơi, massage, điện xung... và các hoạt động thể dục, thể thao như đánh bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, bóng chuyền hơi; tắm biển và nhiều hoạt động vui chơi giải trí bổ ích khác.
Giám đốc Trần Viết Tới, chia sẻ: Cùng với chăm sóc sức khỏe người có công đến điều dưỡng, công tác dinh dưỡng được Trung tâm chú trọng và thường xuyên thay đổi thực đơn, cơ cấu món ăn phù hợp với thời tiết và vùng miền; phục vụ chế độ dinh dưỡng đảm bảo chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, ngay từ ban đầu khi các đoàn đến điều dưỡng, Trung tâm còn báo cáo công khai nội dung chương trình, dự toán các khoản chi, tiêu chuẩn chế độ trong mỗi đợt điều dưỡng. Qua đó, tạo được sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện.
Kết quả trong năm 2023, Trung tâm đã tổ chức 28 đoàn điều dưỡng với 3.310 người có công và thân nhân người có công trong tỉnh Hà Tĩnh, đạt 94,6% so với kế hoạch (tăng 16,6% so với năm 2022). Bao gồm: huyện Thạch Hà 03 đoàn, huyện Nghi Xuân 2,5 đoàn, huyện Lộc Hà 02 đoàn, huyện Can Lộc 2,5 đoàn, thị xã Hồng Lĩnh 1,5 đoàn, huyện Vũ Quang 01 đoàn, huyện Cẩm Xuyên 03 đoàn, huyện Đức Thọ 03 đoàn, huyện Hương Sơn 2,5 đoàn, huyện Kỳ Anh 02 đoàn, huyện Hương khê 2 đoàn, thị xã Kỳ Anh 01 đoàn và thành phố Hà Tĩnh 02 đoàn.
Phát huy những kết quả đạt được trong công tác điều dưỡng người có công nói riêng, theo Giám đốc Trần Viết Tới: Trong năm 2024, Trung tâm sẽ tăng cường phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố đón tiếp, phục vụ điều dưỡng tập trung khoảng 4.000 - 4.200 đối tượng người có công với cách mạng. Xây dựng chương trình điều dưỡng theo hướng đổi mới đáp ứng hơn nhu cầu thực tế của đối tượng...
Chí Tâm
TAG: