Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Hà Tĩnh: Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
04:14 PM 18/04/2024
(LĐXH) - Tỉnh Hà Tĩnh luôn xác định công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên đã tập trung chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tỉnh Hà Tĩnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương những tập thể, cá nhân
làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ
Sở LĐTBXH đã bám sát các văn bản quy định, hướng dẫn của Bộ, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tham mưu, phối hợp các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã xác nhận, giải quyết chế độ cho 303.272 đối tượng người có công. Riêng trong năm 2023, đã tiếp nhận 6.822 hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ, chính sách qua Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, qua đó giải quyết 6.289 hồ sơ; tiếp nhận qua Văn thư cơ quan Sở 1.609 hồ sơ, văn bản các loại.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ trợ cấp cho 103.534 lượt đối tượng người có công (39.537 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên; 62.131 đối tượng hưởng trợ cấp một lần; 943 đối tượng hưởng chính sách ưu đãi giáo dục và đào tạo; 923 đối tượng hưởng trợ cấp mua phương tiện trợ giúp và dụng cụ chỉnh hình) với tổng kinh phí trên 1.065 tỷ đồng. Thực hiện điều chỉnh, chi trả mức trợ cấp theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định mức trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi cho 100% đối tượng người có công. Trong năm 2023, đã tổ chức điều dưỡng tập trung cho 3.310 người, đạt 94,5% kế hoạch; tổ chức chi trả chế độ điều dưỡng tại gia đình cho các đối tượng theo quy định.
Đặc biệt trong công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức tiếp nhận, an táng hài cốt liệt sỹ, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào về nước mùa khô 2022 - 2023. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND huyện Hương Sơn tổ chức trang nghiêm Lễ cầu siêu, Lễ truy điệu, an táng 10 hài cốt liệt sỹ quy tập tại Lào về nước theo kế hoạch của UBND tỉnh. Từ năm 1999 đến nay, toàn tỉnh đã quy tập được 810 hài cốt liệt sĩ tại Lào về nước, trong đó tại Thủ đô Viêng Chăn 130 hài cốt, tỉnh Viêng Chăn 129 hài cốt và tỉnh Bolykhăm xay 551 hài cốt. Đồng thời nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ, phân bổ kinh phí công tác mộ, nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ năm 2023 từ nguồn ngân sách Trung ương là 15,6 tỷ đồng, gồm nâng cấp 03 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện (thị xã Hồng Lĩnh, huyện Đức Thọ, huyện Hương Sơn), số tiền 15,3 tỷ và hỗ trợ xây dựng vỏ mộ liệt sĩ tại nghĩa trang gia đình với kinh phí 0,3 tỷ đồng.
Thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống các gia đình chính sách, Sở LĐTBXH đã chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố rà soát các hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở đề xuất hỗ trợ từ nguồn kinh phí xã hội theo Quyết định 22/QĐ-TU của Tỉnh ủy. Năm 2023, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ xây dựng 853 nhà ở cho người có công, trị giá mỗi căn 70 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Ban hành chính sách tặng quà thắp hương cho bà mẹ Việt Nam anh hùng đã từ trần. Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 1.987 bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó hiện còn 27 mẹ còn sống, được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống tại nơi cư trú.
Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, tỉnh Hà Tĩnh đều bố trí kinh phí tặng quà từ nguồn ngân sách địa phương; các huyện, thành phố, thị xã, cơ quan, đơn vị đã quan tâm bố trí kinh phí và làm tốt công tác xã hội hóa, vận động nguồn lực để chăm lo đời sống cho người có công. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tỉnh Hà Tĩnh đã tặng 239.412 suất quà, trị giá 63 tỷ đồng cho người có công, trong đó: quà Chủ tịch nước 101.012 suất, kinh phí 30,8 tỷ đồng; quà cấp tỉnh 60.162 suất, kinh phí 15,3 tỷ đồng; quà cấp huyện 3.416 suất, kinh phí 2,3 tỷ đồng; quà cấp xã 53.595 suất, kinh phí 5,7 tỷ đồng; quà xã hội hóa 21.227 suất, số tiền 8,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hà Tĩnh cũng đặc biệt quan tâm công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong trong lĩnh vực người có công. Sở LĐTBXH đã triển khai thực hiện Bộ thủ tục hành chính theo quy định của Bộ LĐTBXH; rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố Bộ thủ tục hành chính mới về sửa đổi, bổ sung về lĩnh vực người có công; rà soát, kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hồ sơ, thủ tục giải quyết trợ cấp mai táng phí đối tượng cựu chiến binh. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan nhận văn bản điện tử thay văn bản giấy khi kết quả giải quyết chế độ, chính sách và thực hiện ký số 100% văn bản lĩnh vực người có công từ ngày 05/6/2023. Chỉ đạo triển khai cập nhật dữ liệu người có công vào phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về dân cư, đến nay các huyện, thành phố, thị xã đã hoàn thành việc cập nhật dữ liệu, đạt 100%. Xây dựng kế hoạch sắp xếp, số hóa hồ sơ, dữ liệu về người có công phục vụ tra cứu, khai thác, giải quyết chế độ, chính sách.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách được quy định tại các Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư về ưu đãi người có công với cách mạng. Tổ chức hội nghị cấp tỉnh sơ kết, đánh giá 02 năm thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công và Nghị định số 131/2021/NĐ- CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Nghiên cứu, trình UBND, HĐND tỉnh thể chế hóa các cơ chế, chính sách của tỉnh; có chính sách quan tâm đối với đối tượng thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn. Nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách; biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công. Phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tổ chức tập huấn, đối thoại, hướng dẫn, giải đáp các khó khăn, vướng mắc về chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tăng cường phối hợp thực hiện, thu hồi kinh phí hưởng sai theo các Kết luận thanh tra, kiểm tra về người có công; giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm chế độ, chính sách tại địa phương, cơ sở./.
Hồng Phượng
 
 
 
 
TAG:
Tin khác
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật