Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Hà Tĩnh chú trọng hỗ trợ người có công về nhà ở
03:49 PM 08/09/2022
(LĐXH)-Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công không chỉ thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, mà còn là trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng; là nhiệm vụ được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đặc biệt quan tâm.
Nhiều năm qua, Hà Tĩnh đã triển khai tích cực, kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công, tập trung giải quyết những tồn đọng về xác nhận, công nhận người tham gia hoạt động kháng chiến; huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ về nhà ở, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, học tập cho thân nhân người có công, gia đình chính sách… Qua đó, tạo điều kiện động viên những thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong tỉnh nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.
Đến nay, toàn tỉnh hiện đã xem xét, công nhận và thực hiện chính sách ưu đãi đối với trên 301.135 lượt đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng; đang thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hằng tháng cho 40.741 người có công, thân nhân người có công; trợ cấp 1 lần 23.099 đối tượng và các chế độ, chính sách khác với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. 35 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng suốt đời. Trung bình mỗi năm có trên 220.000 lượt đối tượng người có công và thân nhân được tặng quà.
Quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công, gia đình chính sách, thời gian qua Hà Tĩnh cũng tập trung xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đối tượng này. Mặc dù, tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19, do hậu quả của bão lụt… song để đảm bảo tiến độ và chất lượng các công trình theo Quyết định 22, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Xây dựng, Sở Lao động, Thương binh và xã hội đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tích cực triển khai việc hỗ trợ nhà ở cho người có công song song cùng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, tiến hành hướng dẫn cho các hộ gia đình người có công được hỗ trợ nhà ở thực hiện xây dựng, sữa chữa theo tiến độ, mục tiêu đề ra.
Theo Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội, đối với chính sách xây dựng, sữa chữa nhà ở cho người có công, các cấp, các ngành liên quan phối kết hợp cùng địa phương phân công cán bộ phụ trách theo cụm để thẩm định danh sách các hộ trước khi xây nhà. Trong quá trình xây dựng, cán bộ phân công phụ trách kết hợp cùng chính quyền địa phương sẽ hướng dẫn, đôn đốc, giám sát việc thực hiện của gia đình, đảm bảo tiến độ xây dựng, sữa chữa; kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các hộ khi xây nhà; tiến hành tổ chức nghiệm thu và chi trả tiền cho các hộ ngay sau khi hoàn thành…
Ngoài nguồn kinh phí do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cấp theo quy định tại Quyết định 22, các huyện thị trong tỉnh cũng đã tích cực, linh hoạt ứng trước kinh phí để hỗ trợ cho các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa được cấp kinh phí. Một số địa phương còn huy động sự tham gia của cộng đồng và từ các nguồn khác để hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình nhằm xây thêm được nhiều nhà ở cho người có công, gia đình chính sách. Đối với các hộ gia đình được hỗ trợ, ngoài kinh phí Nhà nước cấp cũng đã tự bỏ thêm kinh phí hoặc huy động thêm nguồn hỗ trợ bằng tiền mặt, vật liệu, nhân công… từ người thân, họ hàng, cộng đồng để nâng cao chất lượng nhà ở.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh (bên trái) chia sẻ niềm vui khi được hỗ trợ xây dựng nhà
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh (SN 1939) - thôn Hoa Ích Lâm, xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) là một trong hơn 40 hộ dân của xã được hỗ trợ làm nhà theo Quyết định số 22/QĐ-TU. Hiện bà đã yên tâm khi tuổi già đến được sống trong căn nhà khang trang.
Những năm 1960 - 1975, gia đình bà Thanh nuôi giấu bộ đội; căn nhà trở thành địa điểm gặp gỡ, trao đổi thông tin của cán bộ. Sau ngày thống nhất đất nước, gia đình bà đã được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhì. Bà Thanh phấn khởi chia sẻ: “Năm nay, được sống trong căn nhà mới khang trang, vững chãi, tôi không còn phải lo khi mùa mưa bão đến nữa”. 
Theo thống kê, đến nay, các cấp, ngành toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ cho 4.467 hộ với kinh phí 134,7 tỷ đồng. Đặc biệt, từ chủ trương của Tỉnh ủy về hỗ trợ xây dựng nhà ở người nghèo, nhà chống lũ, nhà ở người có công và nhà văn hóa cộng đồng theo Quyết định số 22/QĐ-TU ngày 20/11/2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ nhà ở người có công 777 nhà với tổng kinh phí 54,35 tỷ đồng.
Thời gian tới, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong các phong trào Đền ơn đáp nghĩa, tiếp tục giám sát, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện xây dựng nhà ở cho người có công để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng./.
Minh Hằng
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô
Hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng do bão lũ tại miền Bắc
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”