An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Nội: Triển khai có hiệu quả nhiệm vụ công tác xã hội
09:54 AM 25/03/2023
(LĐXH) - Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội thuộc Sở Lao động – TB&XH Hà Nội được thành lập ngày 22/12/2021 trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội, Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội.
Đến nay, Trung tâm đã ổn định tổ chức và đi vào hoạt động với chức năng: cung cấp các dịch vụ công tác xã hội; tập trung, tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng người lang thang; đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; trẻ bị bỏ rơi; người cao tuổi, trẻ em bị đi lạc gia đình và các đối tượng khác theo quy định; tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội để thực hiện mục đích bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em theo quy định của pháp luật.
Lãnh đạo Sở LĐTBXH TP Hà Nội tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Trung tâm
         Với định hướng phát triển nghề công tác xã hội thành một nghề chuyên nghiệp, những năm qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm luôn quan tâm, chú trọng đến công tác tư vấn và trợ giúp cho các nhóm đối tượng, đảm bảo 100% đối tượng có nhu cầu được trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là đối với trẻ em. Từ năm 2016 đến hết quý I năm 2023, Trung tâm đã thực hiện tư vấn, tham vấn cho 3.601 đối tượng với tổng số 26.916 lượt tư vấn. Trung tâm đã  quan tâm, hỗ trợ cho các đối tượng như nạn nhân bị bạo lực gia đình, nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị mua bán, người khuyết tật, người cao tuổi, người vị thành niên gặp vấn đề khó khăn có nhu cầu được trợ giúp về chính sách, tâm lý hoặc các vấn đề khác… Trung tâm đã kịp thời nắm bắt tình hình, thu thập thông tin, đánh giá nguy cơ cụ thể và nhu cầu của đối tượng, phối hợp chặt chẽ với phòng Lao động – TB&XH quận, huyện, thị xã, UBND, Công an các xã, phường, thị trấn v.v.. nơi phát sinh sự việc và nơi cư trú để xác minh, can thiệp, trợ giúp, đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất cho các đối tượng theo quy định của pháp luật, kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trẻ em bị vi phạm quyền. Đồng thời, cung cấp dịch vụ tư vấn, tham vấn cho đối tượng, cha, mẹ/người chăm sóc trẻ, cá nhân có liên quan tiếp cận, thụ hưởng các chính sách và chương trình trợ giúp xã hội, giới thiệu, chuyển tuyến, kết nối nguồn lực với các cơ quan, đơn vị chức năng, cơ sở cung cấp dịch vụ pháp lý, y tế, sinh kế, việc làm, giáo dục, xã hội hoặc cơ sở khác đáp ứng nhu cầu của đối tượng.
  Đặc biệt, hoạt động nổi bật phải kể đến là tư vấn cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm giúp cho trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ công tác xã hội, thông qua đó trẻ được lắng nghe, chia sẻ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và được tư vấn, tham vấn. Bên cạnh đó, trẻ được cung cấp các kiến thức pháp luật liên quan đến trẻ em, kỹ năng phòng chống bạo lực, phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống tai nạn thương tích, cung cấp địa chỉ hỗ trợ khi gặp khó khăn… giúp trẻ nhận biết được những điểm mạnh của mình để phát huy, điểm yếu của mình để khắc phục … Từ đó, trẻ có kỹ năng tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, nhận biết thế mạnh giúp trẻ nâng cao khả năng tự giải quyết các vấn đề, ngăn ngừa, giảm thiểu trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài ra, hoạt động tư vấn trực tiếp giúp nắm bắt được hoàn cảnh của trẻ, trong trường hợp khó khăn sẽ vận động tài chính để hỗ trợ cho trẻ và gia đình ổn định cuộc sống. Sau khi tư vấn tại cộng đồng, nhân viên công tác xã hội của Trung tâm giữ mối liên hệ với trẻ, thường xuyên liên hệ thông qua số điện thoại của trẻ hoặc của người thân nắm bắt tình hình của trẻ và nhu cầu trợ giúp để tư vấn, trợ giúp kịp thời.
Đường dây nóng tư vấn những trường hợp khẩn cấp liên quan đến trẻ em
   Song song với hoạt động tư vấn cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, để tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả mô hình cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hằng năm, Trung tâm tổ chức các hoạt độngtruyền thông như trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, cấp phát tờ rơi, sổ tay tuyên truyền, lồng ghép các hoạt động truyền thông về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Trung tâm đã cung cấp kiến thức, kĩ năng cơ bản về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở Giới, bạo lực gia đình, thực trạng các vụ bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình; trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em…Từ đó có các giải pháp nhằm thực hiện bình đẳng Giới, hạn chế, giảm thiểu các vụ bạo hành. Qua đó, người dân có thêm kiến thức, kĩ năng trong việc phòng, chống bạo lực trên cơ sở Giới, bạo lực gia đình, các địa chỉ tin cậy để tìm đến khi bạo lực xảy ra và góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
         Bên cạnh công tác tư vấn, tham vấn, một số dịch vụ công tác xã hội được đẩy mạnh xã hội hóa; rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội và cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, Trung tâm công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã trao quà, học bổng, xe đạp, đồ dùng học tập, thiết bị vui chơi,… cho trên 77 nghìn lượt trẻ em, tư vấn, tham vấn, trợ giúp cho trên 3.600 người là trẻ em, phụ nữ và các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trang bị kỹ năng sống cho gần 1.500 lượt trẻ em. Tổ chức lớp học “Tỏa sáng” hàng tháng tại Trung tâm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tốt, tại lớp học các em đã được trang bị các kiến thức, kỹ năng mềm để định hướng cho tương lai của mình, đặc biệt đã có 47 em đỗ vào các trường Đại học, cao đẳng trên cả nước ; Phối hợp với tổ chức Holt đánh giá và hỗ trợ vốn sinh kế cho 42 gia đình có trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Quốc Oai, huyện Ứng Hoà, huyện Thanh Oai… Các chương trình hỗ trợ trẻ em của Trung tâm với kinh phí vận động hàng chục tỷ đồng hàng năm đã giúp cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và gia đình các em vơi bớt phần nào những khó khăn trong cuộc sống.
         Giai đoạn tiếp theo, thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg  ngày 22/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển Công tác xã hội giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch 141/KH-UBND ngày 07/6/2021 của UBND Thành phố Hà Nội về Chương trình phát triển Công tác xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030; Với chức năng, nhiệm vụ được giao, việc phát triển nghề công tác xã hội sẽ là định hướng nhiệm vụ quan trọng mà Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội sẽ tập trung triển khai trong giai đoạn tiếp theo nhằm trợ giúp các cá nhân, nhóm, cộng đồng nâng cao năng lực, sức mạnh, niềm tin để tự giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Đồng thời làm tốt công tác xã hội cũng góp phần xây dựng và thực hiện các chính sách về an sinh xã hội của Thành phố ngày càng toàn diện hơn.
Nam Khánh
 
TIN LIÊN QUAN
TAG: trung tâm CTXH và Quỹ BTTE
Tin khác
 Đắk Nông: Cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Hơn 8 tỷ đồng học bổng Đinh Thiện Lý được trao tặng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Bắc Giang: Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội ở huyện nghèo
Sở LĐ-TB&XH TPHCM chuyển hơn 1,1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Phát động đóng góp ủng hộ nhân dân các tỉnh thành phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai
150 xe đạp được trao tặng cho trẻ em ở An Giang
Huyện Đông Giang (Quảng Nam): Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo
Huyện Bắc Bình (Bình Thuận): Tập trung nguồn lực hỗ trợ người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững