An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Nội: Trên 207 tỷ đồng hỗ trợ hơn 161.000 lao động tự do
01:18 PM 18/09/2021
(LĐXH) - Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, tính đến cuối ngày 17-9, toàn thành phố đã ra quyết định hỗ trợ cho 161.003 lao động tự do với số tiền 241,5 tỷ đồng. Trong đó, số lao động đã nhận tiền hỗ trợ là 138.145 người với số tiền 207,21 tỷ đồng. Những trường hợp còn lại sẽ nhận tiền trong những ngày tới.
Kịp thời hỗ trợ người dân
Ngoài nhóm lao động tự do, các chính sách khác theo gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ cũng được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội triển khai linh hoạt, khẩn trương. Chẳng hạn, chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã đến với 89.501 đơn vị sử dụng lao động, gồm 1,423 triệu lao động, tổng số tiền thực hiện hỗ trợ giảm đóng là 147,3 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đến với 19.545 lao động, kinh phí hỗ trợ là 78,62 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh đã có 6.413 hộ được phê duyệt, với số tiền 19,23 tỷ đồng...
Tính chung, các sở, ngành chức năng và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã ra quyết định hỗ trợ cho trên 1,632 triệu người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ.
Hỗ trợ hộ nghèo huyện Gia Lâm
Về gói hỗ trợ đặc thù của thành phố, đến cuối ngày 17-9, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ bằng tiền mặt cho 285.729 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là gần 290 tỷ đồng. Một số chính sách đang tập trung triển khai là hỗ trợ chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở tạm dừng hoạt động hoặc phải chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021...
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ đặc thù về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đã đến với 900.000 lượt người, hộ gia đình với tổng kinh phí đến thời điểm này là gần 272 tỷ đồng. Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hỗ trợ gần 370.000 suất quà cho các đối tượng, hộ gia đình khó khăn với số tiền 104,05 tỷ đồng và phân bổ hàng trăm tấn nhu yếu phẩm, rau, củ, quả tiếp nhận được về các quận, huyện. Các cấp Công đoàn thành phố đã chăm lo, hỗ trợ cho 99.859 lượt đoàn viên, người lao động khó khăn với tổng số tiền trên 62,6 tỷ đồng. Thành đoàn Hà Nội tổ chức các hoạt động tiếp sức, hỗ trợ 204.470 suất quà cho thanh niên, sinh viên và các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với kinh phí gần 22 tỷ đồng.
Riêng tại huyện Gia Lâm, đến nay, toàn huyện đã quyết định hỗ trợ cho 236 lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động. Số tiền đã hỗ trợ cho nhóm đối tượng này là 509 triệu đồng.
Cùng với đó, Huyện đã ban hành Quyết định hỗ trợ 22 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục dừng hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền 66 triệu đồng. Hiện các xã, thị trấn đang tiếp tục rà soát, đề nghị huyện phê duyệt hỗ trợ cho các chủ cơ sở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên.
Ngoài 2 nhóm đối tượng nêu trên, huyện Gia Lâm đã hỗ trợ đặc thù cho 5 nhóm đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, huyện đã hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ cho 9.022 người thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội và hộ cận nghèo. Hai nhóm còn lại là người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động làm việc tại hộ kinh doanh chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì chưa thực hiện vì mới có ít hồ sơ hoặc chưa có hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Như vậy, đến thời điểm này, huyện Gia Lâm đã chi trả chính sách hỗ trợ đặc thù cho trên 12.000 người, hộ gia đình với tổng số tiền hơn 16,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Cùng với nguồn kinh phí từ ngân sách, các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ đột xuất về lương thực, nhu yếu phẩm... cho hơn 8.600 lượt người có hoàn cảnh khó khăn. Tổng trị giá các nguồn lực đã chi hỗ trợ là hơn 1,2 tỷ đồng.
Về gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, huyện Gia Lâm tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai. Từ đầu tháng 7/2021 đến nay, Gia Lâm đã ra quyết định hỗ trợ cho hơn 3.300 người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với kinh phí hơn 6,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Đối tượng được tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ nhiều nhất là lao động tự do với kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng...
Như vậy, từ đầu tháng 7-2021 đến nay, thành phố Hà Nội có quyết định hỗ trợ cho gần 2,83 triệu lượt người, hộ gia đình với kinh phí hơn 1.136 tỷ đồng (kinh phí từ ngân sách là hơn 864 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hóa để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là gần 272 tỷ đồng).
Đường dây nóng xử lý chính sách hỗ trợ an sinh
Tính đến 16/9/2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, xử lý thông tin 1.762 cuộc gọi của người dân tới tổng đài về những nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ an sinh xã hội.
Cụ thể, có 429 cuộc về giải đáp các nội dung hỗ trợ lao động tự do và người lao động chấm dứt hợp đồng lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục phải chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề (Phím 1); có 200 cuộc về hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, lao động ngừng việc (Phím 2);
56 cuộc giải đáp các nội dung hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội (Phím 3); 30 cuộc giải đáp các nội dung hỗ trợ người có công (Phím 4); 185 cuộc giải đáp các nội dung về công tác chi trả tiền hỗ trợ (Phím 5); 826 cuộc giải đáp các vướng mắc về thủ tục hành chính của Sở, tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh của công dân đối với gói hỗ trợ (Phím 6).
Với việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ an sinh xã hội thông qua Tổng đài 1022, nhiều thắc mắc của người dân liên quan đến chính sách an sinh xã hội cũng như vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách này đã được giải đáp, tháo gỡ, giúp cho công tác chi trả thuận lợi, nhanh chóng, số người được thụ hưởng ngày càng tăng.
 
Hà Giang (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công