An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Nội: Chủ động huy động nguồn ngân sách địa phương phục vụ nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách
10:32 AM 19/08/2022
(LĐXH)- Sự tăng trưởng nguồn vốn nhận ủy thác ở Hà Nội trong thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, tập trung nguồn vốn về một đầu mối là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
NHCSXH Hà Nội được thành lập trên cơ sở sáp nhập Chi nhánh NHCSXH Hà Nội và Hà Tây (cũ) sau khi thủ đô Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội. Qua 20 năm hoạt động, Chi nhánh đã không ngừng tăng trưởng nguồn vốn và dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng được củng cố, nâng cao qua từng năm.
Bám sát Chiến lược phát triển NHCSXH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012, Chi nhánh NHCSXH Hà Nội đã tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm chỉ đạo tập trung huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách thành phố, quận, huyện, thị xã và nguồn vốn từ Quỹ Vì người nghèo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp để chuyển sang NHCSXH ủy thác cho vay, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH Hà Nội đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thực sự trở thành công cụ, giải pháp đắc lực góp phần cùng thành phố thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế nạn tín dụng đen và bảo đảm an sinh xã hội.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Lâm làm thủ tục vay vốn cho các đối tượng chính sách

Đến 31/7/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội đạt 12.831 tỷ đồng, tăng 25 tỷ đồng so với đầu tháng, tăng 1.007 tỷ đồng so với năm 2021. Trong đó: Nguồn vốn Trung ương điều chuyển là 4.469 tỷ đồng, giảm 110 tỷ đồng so với đầu tháng, giảm 186 tỷ đồng so với năm 2021. Nguồn vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế và tiền gửi tiết kiệm qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) là 2.123 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng so với đầu tháng, tăng 188 tỷ đồng so với năm 2021, hoàn thành 157% kế hoạch tăng trưởng được giao. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương: 6.367 tỷ đồng, tăng 1 tỷ đồng so với đầu tháng, tăng 1.004 tỷ đồng so với năm 2021.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, doanh số cho vay của NHCSXH Hà Nội đạt 4.040 tỷ đồng với  86.102 lượt khách hàng được vay vốn, doanh số thu nợ đạt 3.048 tỷ đồng, bằng 75% doanh số cho vay. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 31/7/2022 đạt 12.778 tỷ đồng với trên 254 ngàn khách hàng đang vay vốn.
Tăng trưởng dư nợ tín dụng trong 07 tháng đầu năm 2022 tập trung tại chương trình: Giải quyết việc làm tăng 1.221 tỷ dồng (trong đó nguồn vốn trung ương tăng 286 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương tăng 934 tỷ đồng), nước sạch và vệ sinh môi trường (NS&VSMT) tăng 187 tỷ đồng, cho vay người sử dụng lao động  theo Nghị quyết số 68 số tiền 121 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dư nợ giảm tập trung vào nhóm chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo 496 tỷ đồng.
Cũng trong 7 tháng đầu năm 2022, Chi nhánh đã giải ngân cho hơn 86.100 lượt khách hàng vay vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở một số chương trình tín dụng như: cho vay giải quyết việc làm gần 62.700 lượt khách hàng, góp phần thu hút trên 68.600 lao động; cho vay NS&VSMT gần 22.400 lượt hộ, hỗ trợ cải tạo và xây mới gần 44.600 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; cho vay 105 lượt người sử dụng lao động để trả lương phục hồi sản xuất cho 38.905 lượt lao động; cho vay 133 khách hàng vay vốn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho 193 học sinh, sinh viên; cho vay đối với 106 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Sự tăng trưởng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương trong thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả của các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và sự nỗ lực của tập thể cán bộ Chi nhánh NHCSXH trong việc tranh thủ sự chỉ đạo, tạo điều kiện của địa phương, chủ động phối hợp với các ngành để tập trung được nguồn vốn về một đầu mối là NHCSXH để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, cũng như tạo sự chủ động của thành phố trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế xã hội hằng năm.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội Ba Vì giải ngân cho người lao động vay vốn

hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19

Theo lãnh đạo NHCSXH Hà Nội, để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác huy động vốn nhận ủy thác tại địa phương, NHCSXH thành phố đã tích cực tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp và thường xuyên chủ động phối hợp tốt với các Sở, ban, ngành, cơ quan liên quan để tham mưu chuyển vốn ngân sách sang NHCSXH Hà Nội bổ sung nguồn cho vay trên địa bàn, đưa hoạt động này trở thành việc làm có tính thường xuyên và được thể hiện trong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, kế hoạch của chính quyền địa phương hằng năm; Biết vận dụng, tạo hành lang pháp lý để có cơ sở triển khai thực hiện thông qua hệ thống các văn bản chỉ đạo từ trung ương đến địa phương.
Một số kinh nghiệm khác của NHCSXH Hà Nội trong việc huy động nguồn ngân sách địa phương là xác định rõ công tác nguồn vốn đóng vai trò quan trọng, là tiền đề để thực hiện tốt việc triển khai cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, phát triển nguồn vốn theo cơ cấu tăng dần tỷ trọng vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương, triệt để khai thác nguồn vốn có lãi suất thấp, nguồn tiền gửi tiết kiện huy động thông qua các Tổ TK&VV để khiển khai cho vay trên địa bàn là hướng đi đúng đắn đối sự phát triển bền vững và lâu dài của NHCSXH.
Việc tham mưu UBND các cấp chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH cần được triển khai một cách linh hoạt, phù hợp với từng thời kỳ, gắn với mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong từng giai đoạn. Trên cơ sở kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương cần chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan đưa nội dung bố trí ngân sách chuyển vốn sang NHCSXH để cho vay các đối tượng thụ hưởng tương ứng vào Đề án, Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện trong cả giai đoạn.
Cần quan tâm đa dạng hóa nguồn vốn ủy thác, triển khai công tác huy động vốn một cách đồng bộ từ nhiều cấp (thành phố đến các quận, huyện, thị xã) và từ nhiều tổ chức, không chỉ tập trung riêng tại cấp thành phố cũng như không chỉ tập trung riêng đối với nguồn ngân sách địa phương.
Các chương trình tín dụng được giải ngân từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho hàng trăm nghìn khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo chuẩn thành phố, người mù, người khuyết tật, hộ có thu nhập trung bình, hộ có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn, góp phần thu hút, tạo việc làm ổn định cho khoảng 420 nghìn lao động, xây mới và cải tạo khoảng 9000 căn nhà cho hộ nghèo trên địa bàn. Nguồn vốn cho vay được triển khai kịp thời, chất lượng, đã phát huy hiệu quả trong việc triển khai các chương trình, mục tiêu của thành phố Hà Nội về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen và bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả đó đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp ghi nhận, đánh giá cao, qua đó tin tưởng mạnh dạn tiếp tục bố trí ngân sách chuyển bổ sung vốn sang NHCSXH hằng năm ./.

Thảo Lan
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24