Hà Nội: Tăng cường các dịch vụ công tác xã hội với người cao tuổi
(LĐXH) - Theo thống kê, tính đến cuối năm 2018, thành phố Hà Nội có 617.510 hộ gia đình có người cao tuổi (NCT), trong đó có 871.268 NCT, chiếm 11,62% tổng dân số. Để thực hiện công tác chăm sóc NCT, tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã đã thành lập Ban Công tác NCT, tổ chức hội NCT hoạt động tại 584/584 xã, phường, thị trấn.
Chăm sóc người cao tuổi tại quận Thanh Xuân
Là Thủ đô có quá trình đô thị hóa nhanh, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng cường các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế, giảm dần tỷ lệ lao động trong nông nghiệp. Bên cạnh cơ hội cũng đặt ra thách thức rất lớn đối với lực lượng lao động thiếu kiến thức và kỹ năng lao động, đặc biệt là người cao tuổi sống ở nông thôn không có lương hưu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Mặt khác, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho quá trình đô thị hóa. Nhiều khu đô thị được xây dựng mới tại các quận nội thành đã làm thay đổi diện mạo thành phố theo hướng hiện đại, đồng thời nhiều hộ gia đình cũng phải di dời nhà ở đi nơi khác để phục vụ mục tiêu chung của thành phố, do đó ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tình trạng người dân ở các tỉnh, thành phố về Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc ngày càng nhiều, trong đó có một bộ phận người cao tuổi đến sống cùng con, cháu tại các chung cư, đi khám chữa bệnh… dẫn đến quá tải về giao thông, trường học, bệnh viện và nhu cầu cung cấp các dịch vụ kinh tế xã hội khác. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đổi với Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố, đặc biệt là NCT trước những thay đổi trên.
Mặt khác, với NCT thì việc thích ứng với khoa học, công nghệ ngày càng giảm, vai trò vị thế trong gia đình, xã hội giảm dần theo độ tuổi, do đó họ thường có tâm lý hướng về quá khứ, thích giao lưu, gặp mặt với đồng nghiệp, bạn bè cùng lớp phổ thông, đại học, cơ quan, đồng ngũ... Nhưng do sức khỏe ngày càng giảm, thu nhập cũng giảm, chi phí cho việc chữa bệnh ở NCT liên tục tăng. Do đó họ rất cần sự trợ giúp của nhân viên CTXH tại cơ sở. Hiện nay số NCT có trình độ chuyên môn cao, giữ nhiều chức vụ trong các cơ quan Nhà nước, quân đội, công an... về tham gia sống tại các quận nội thành liên tục tăng. Họ có mức lương hưu cao hơn rất nhiều so với những NCT khác, nên ngay trong cùng một khu dân cư, tổ dân phố cũng có những so sánh về chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ hưu trí. Một số cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo khi được nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì trạng thái tâm lý thay đổi rất nhiều vì khi còn công tác họ luôn bận rộn với công việc và có thu nhập ổn định, có quyền lực chi phối với cơ quan, gia đình, bạn bè chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi. Do không làm chủ được bản thân có người đã “tự chuyển hóa” thành những cá nhân có thái độ “công thần” và đôi khi còn gây “phiền hà” cho các cơ quan chức năng.
Bên cạnh chính sách của Nhà nước, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách trợ giúp người cao tuổi
Cùng với đó, thành phố Hà Nội đã bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tỷ lệ NCT chiếm 11,62%. Đây là lực lượng đông đảo có vai trò ảnh hưởng nhất định đến việc tham gia, góp ý kiến xây dựng, thực hiện chính sách an sinh xã hội theo hướng văn minh, phù hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu, rộng với nền kinh tế, xã hội thế giới. Phát huy hết vai trò NCT và thực hiện tốt chính sách xã hội với NCT là góp phần thực hiện quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân.
Trước thực trạng đó, để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc, trợ giúp NCT, ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ - TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020, UBND thành phố đã ban hành quyết định thành lập Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội Hà Nội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, điều này đánh dấu sự quyết tâm của Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND thành phố trong việc thực hiện mục tiêu phát triển công tác xã hội trên địa bàn theo hướng chuyên nghiệp.
Từ khi được thành lập đến nay, Trung tâm đã cung cấp các dịch vụ như: dịch vụ khẩn cấp, tư vấn, tham vấn, kết nối dịch vụ, thực hiện các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông, cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội và nâng cao năng lực, phát triển cộng đồng. Các hoạt động của Trung tâm đã góp phần tích cực vào việc tư vấn, tham vấn, kết nối nguồn lực, dịch vụ giúp cho các đối tượng. Hiện nay tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có phòng CTXH với vai trò hướng dẫn, kết nối tạo cơ hội cho người bệnh nói chung và NCT nói riêng tiếp cận được cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Thành phố và các nguồn lực khác, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho NCT.
Tuy nhiên, để từng bước nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ CTXH theo hướng gắn với cộng đồng dân cư, tăng số lượng đối tượng cần sự trợ giúp, nhất là với người cao tuổi, trung tâm đề nghị, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng theo hướng lồng ghép các hoạt động phòng ngừa bệnh tật cho NCT về các bệnh không lây nhiễm thông qua mô hình các câu lạc bộ tại các thôn, làng, tổ dân phố. Nòng cốt trong các hoạt động trên là các cộng tác viên CTXH, nhân viên y tế cơ sở. Nêu cao vai trò của NCT trong các hoạt động tổ chức các hoạt động và kết nối các nguồn lực xã hội trong các hoạt động phòng ngừa, chữa trị, phục hồi, phát triển theo chức năng của nghề CTXH.
Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về Luật Người cao tuổi, các văn bản hướng dẫn, Kế hoạch của UBND Thành phố. Thực hiện tốt các chính sách đối với người cao tuổi, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội và các cơ sở nuôi dưỡng ngoài công lập, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách cho người cao tuổi. Thực hiện tốt việc tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, khám sức khỏe định kỳ, lập sổ quản lý sức khỏe, tư vấn, khám và chữa mắt cho người cao tuổi. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tổ chức rà soát người cao tuổi để tổ chức chúc thọ, mừng thọ, trao thiếp mừng thọ của Chủ tịch nước đến người cao tuổi tròn 100 tuổi và thiếp mừng thọ của Chủ tịch UBND Thành phố đến người cao tuổi tròn 90 tuổi trên địa bàn Thành phố vào dịp Tết Nguyên đán năm 2020.
Ngoài ra, cần tích cực vận động các tổ chức, cá nhân nhận phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi diện chính sách có công và người cao tuổi già cô đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh phát triển Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, tăng cường giám sát việc xây dựng, quản lý Quỹ theo hướng xã hội hoá công tác chăm sóc NCT để thu hút nguồn lực xã hội của các tổ chức tập thể, cá nhân trong nước, quốc tế tham gia quá trình cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội với NCT./.
Thu Hương
TAG: