An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Nội: Kịp thời thực hiện chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng bảo vệ khẩn cấp
03:31 PM 21/06/2022
(LĐXH) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng trợ giúp khẩn cấp nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Thống kê toàn thành phố Hà Nội hiện có 1.044.965 người cao tuổi, chiếm 13% dân số. Người cao tuổi được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định (lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo trợ xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, đi xe buýt miễn phí...). Thành phố đã tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 257.965 người cao tuổi; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 620.775 người cao tuổi. Trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 67.206 người cao tuổi có công với cách mạng; 371.751 người cao tuổi đang hưởng lương hưu và 63.374 người cao tuổi đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; Trợ cấp xã hội hàng tháng cho 93.747 người cao tuổi, trong đó có 93.653 người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; 94 người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng. Trợ giúp khó khăn đột xuất cho 16.388 người cao tuổi; 170 hộ gia đình có người cao tuổi được hỗ trợ về nhà ở; có 404 người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của Thành phố.
Tặng quà cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội
Đầu năm 2022, theo tổng hợp báo cáo của các quận, huyện, thị xã, toàn Thành phố có 943 người cao tuổi tròn 100 tuổi và 9.160 người cao tuổi tròn 90 tuổi. Sở đã báo cáo UBND Thành phố trình Văn phòng Chủ tịch nước tặng thiếp mừng thọ cho người cao tuổi tròn 100 tuổi; trình Chủ tịch UBND Thành phố ký tặng Thiếp mừng thọ cho người cao tuổi tròn 90 tuổi vào dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
Trong công tác trợ giúp người khuyết tật, Thành phố có 109.275 người khuyết tật, chiếm 1,38% dân số. Về mức độ khuyết tật: Đặc biệt nặng có 17.125 người; Nặng: 75.791 người; Nhẹ: 16.359 người. Có 2.280 người khuyết tật được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng và 1.930 người khuyết tật đang được chăm sóc tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của thành phố (trong đó có 1.250 người tâm thần). Người khuyết tật được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định (trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh khuyết tật, đi xe buýt miễn phí, vay vốn tại Ngân hàng CSXH...).
Thành phố Hà Nội đã thực hiện chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng cho 88.707 người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng; 14.581 hộ gia đình nhận nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng; cấp xe lăn cho 670 người; có trên 10.000 lượt người được miễn giảm giá vé giao thông đường bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật được nâng cao, bản thân họ đã tự tin, nỗ lực phấn đấu học tập, làm việc để cải thiện cho cuộc sống của chính họ và giúp đỡ gia đình, tham gia vào các hoạt động xã hội hòa nhập cuộc sống cộng đồng.
Thực hiện công tác bảo xã hội, cứu trợ đột xuất, tập trung người lang thang, trong năm 2021, Sở Lao động - TBXH đã tham mưu UBND Thành phố triển khai Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội. Từ ngày 01/7/2021, thực hiện chế độ trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho đối tượng BTXH tại Trung tâm BTXH trực thuộc Sở, mức chuẩn trợ cấp 360.000 đồng (hệ số 1). Theo đó, Sở đã hướng dẫn các đơn vị rà soát, lập danh sách đối tượng, ra quyết định điều chỉnh hệ số trợ cấp nuôi dưỡng cho 1.645 đối tượng từ 16 đến dưới 60 tuổi được hưởng trợ cấp từ 3.0 lên 4.0.
Xây dựng Phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021; hướng dẫn các địa phương hoàn thiện Phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân năm 2021; tham mưu văn bản yêu cầu các phòng nghiệp vụ Sở, đơn vị trực thuộc Sở chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do mưa bão.
Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất chính sách miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Thành phố. Đề nghị Sở Tài chính hướng dẫn các quận, huyện, thị xã về việc hỗ trợ thêm kinh phí sử dụng hình thức hỏa táng từ nguồn ngân sách huyện và các nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của HĐND Thành phố.
Tham mưu Thành phố tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ đột xuất cho các gia đình của 08 nạn nhân bị nạn trong 02 vụ cháy với số tiền 40 triệu đồng (04 nạn nhân trong vụ cháy ngày 04/02/2021 tại phố Tam Khương, phường Khương Thượng, quận Đống Đa và 04 nạn nhân trong vụ cháy ngày 04/4/2021 tại phường Hàng Bột, quận Đống Đa); thăm hỏi, hỗ trợ 10 triệu đồng cho gia đình có cháu bé tử vong sau tiêm vắc xin Covid-19 ngày 28/11/2021 ở huyện Thường Tín.
Tiếp nhận 405 người lang thang xin tiền, người vô gia cư vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Xét duyệt, phân loại 175 hồ sơ tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội chuyển trung tâm bảo trợ xã hội ra quyết định tiếp nhận. Tỷ lệ hỏa táng của Thành phố đến nay đạt gần 67%; đặc biệt đã thực hiện hỏa táng các trường hợp tử vong dương tính với Covid-19 đảm bảo an toàn, theo đúng quy trình, quy định của ngành Y tế.
Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố trong việc hỗ trợ gạo cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo công văn số 5644/VPCP-KTTH ngày 16/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, Sở Lao động - TBXH đã ban hành văn bản hỏa tốc số 4740/SLĐTBXH-BTXH ngày 17/8/2021 đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đề xuất nhu cầu hỗ trợ gạo cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tại địa phương để tổng hợp nhu cầu của toàn Thành phố, báo cáo Bộ Lao động - TBXH. Chia sẻ khó khăn và mất mát do dịch bệnh Covid-19 mang lại, ngày 19/8/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp, thống nhất chỉ đạo gửi tặng Thành phố Hồ Chí Minh 5.000 tấn gạo và tỉnh Bình Dương 1.000 tấn gạo. Đây là món quà thấm đẫm tình cảm đồng bào, là lời nhắn gửi động viên thắm thiết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nhằm chia sẻ một phần khó khăn với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương - hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19./.

Hồng Phượng

 
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương