An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Nội: Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 0,04%
03:30 PM 21/06/2022
(LĐXH)- Công tác giảm nghèo bền vững được các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện hiệu quả với nhiều giải pháp; người nghèo tích cực vươn lên và mong muốn thoát nghèo bền vững.
Thành phố Hà Nội triển khai nhiều biện pháp giảm nghèo bền vững
Đầu năm 2021, toàn thành phố Hà Nội còn 4.463 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 0,21%. Thực hiện công tác giảm nghèo năm 2021, Sở Lao động - TBXH đã xây dựng kế hoạch giảm 30% số hộ nghèo so với đầu năm, tương đương giảm 1.339 hộ nghèo trong năm 2021. Với việc thực hiện đồng bộ kịp thời, đầy đủ các chương trình, cơ chế, chính sách giảm nghèo cho người dân theo quy định; đồng thời, phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, đoàn thể huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, hết năm 2021, Thành phố Hà Nội giảm được 3.507 hộ nghèo, đạt 261,9% kế hoạch, tương đương còn 956 hộ nghèo theo chuẩn nghèo 2016-2020, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn khoảng 0,04%, thấp hơn 2,19 điểm phần trăm so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước (Theo kết quả rà soát cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cả nước là 2,23%. Hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống (nông thôn) hoặc từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống (thành thị) và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân từ 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống (nông thôn) hoặc từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở xuống (thành thị) và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản).
Trong năm 2021, Thành phố Hà Nội có thêm 05 địa phương không còn hộ nghèo, nâng số địa phương không còn hộ nghèo là 19/30 quận, huyện (gồm: Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Đan Phượng, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Phúc Thọ).
Còn theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo 2022-2025, đến nay, trên địa bàn thành phố có: Hộ nghèo là 3.612 hộ, chiếm khoảng 0,17% tổng số hộ dân; Hộ cận nghèo là 30.176 hộ, chiếm khoảng 1,4% tổng số hộ dân; Có 12 quận, huyện không có hộ nghèo theo chuẩn mới (09 quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân; 03 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức). Riêng quận Hai Bà Trưng không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Hiện tại các địa phương đã hoàn thành công tác niêm yết công khai, công nhận kết quả tổng rà soát hộ nghèo của địa phương. UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 thành phố Hà Nội. Theo đó, tổng số hộ nghèo trên địa bàn thành phố là 3.612 hộ, tỷ lệ hộ nghèo là 0,16%; tổng số hộ cận nghèo là 30.176 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo là 1,38%. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo phê duyệt tại quyết định này là cơ sở để thành phố thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội năm 2022 và các năm tiếp theo.
UBND thành phố giao các quận, huyện, thị xã thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, hạn chế tối đa hộ nghèo phát sinh, không để hộ tái nghèo. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm; số hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trong năm báo cáo UBND thành phố; công khai kết quả phê duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương trên trang thông tin điện tử.
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn: Thực hiện quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn theo đúng quy định; chủ động phát hiện hộ gia đình gặp khó khăn, biến cố rủi ro trong năm để hướng dẫn hộ gia đình đăng ký rà soát; quyết định công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh; hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn; cấp giấy chứng nhận hộ nghèo và công nhận hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn.
Sở Lao động - TBXH cũng đã tham mưu UBND Thành phố báo cáo HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm 2021 Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả và phát huy sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng tại các địa phương; triển khai các mô hình việc làm công gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn; các mô hình hợp tác, liên kết giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thu hút lao động nghèo vào làm việc ổn định trong các doanh nghiệp. Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông để huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên chủ động thoát nghèo của người nghèo./.

Ngân Kiều
 
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương