Hà Nội: Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực với chủ đầu tư các cụm công nghiệp
(LĐXH)- Nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn Hà Nội đã được triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chủ lực và các ngành sản xuất công nghiệp của Thành phố Hà Nội và cả nước.
Tạo dựng mặt bằng cho doanh nghiệp - khâu đột phá để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp chủ lực
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030; Nhằm mục đích đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp lực; định hướng đưa Hà Nội trở thành Thành phố công nghiệp phát triển hiện đại của khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghệ thông tin của cả nước; tăng hàm lượng khoa học, công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa của sản phẩm công nghiệp; phát triển mạnh các ngành, các sản phẩm công nghiệp vượt trội có lợi thế cạnh tranh, tác dụng dẫn đường thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND ngày 26/01/2018 phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Để phát triển sản xuất công nghiệp chủ lực, hiện nay, vấn đề về mặt bằng để mở rộng sản xuất kinh doanh đang là mối quan tâm lớn của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực nói riêng và doanh nghiệp công nghiệp nói chung trên địa bàn Hà Nội.
Tại “Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực và doanh nghiệp công nghiệp với chủ đầu tư các cụm công nghiệp” do Sở Công thương Hà Nội phối hợp Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) tổ chức chiều ngày 20/10/2023, ông Ngô Quốc Ca - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Qua hơn 3 năm thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố đã có bước phát triển vượt bậc, có vai trò đặc biệt quan trọng là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Để triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp lực, yêu cầu phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo dựng mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh được thành phố đặc biệt coi trọng và xác định là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp.
Giai đoạn 2018 đến nay, Thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập, mở rộng 43 cụm công nghiệp với tổng diện tích 742ha; đã thực hiện khởi công, động thổ xây dựng hạ tầng kỹ thuật 19 cụm công nghiệp (trong đó 07 cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện thu hút, tiếp nhận đầu tư trong quý IV/2023); 24 cụm công nghiệp đang tiếp tục thực hiện khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật toàn bộ trong năm 2024.
Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chủ lực với cụm công nghiệp
Đại diện Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI) cho biết, trong Kế hoạch phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội có đưa ra nội dung: tập trung triển khai, đôn đốc tiến độ thành lập xây dựng mới và hoàn thiện đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố để phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thực hiện Kế hoạch, Hà Nội đã tổ chức khởi công đầu tư hạ tầng kỹ thuật 3 cụm công nghiệp (CCN): CCN Ninh Sở giai đoạn 2, CCN Phú Yên, huyện Phú Xuyên; CCN Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, nâng tổng số CCN đã được khởi công lên 13/43 CCN được thành lập trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, 13 CNN gồm: CCN làng nghề Đại Thắng, CCN làng nghề Phú Túc, CCN Phú Yên, CCN Dị Nậu, CCN Thắng Lợi, CCN Tiền Phong - giai đoạn 2, CCN Ninh Sở - giai đoạn 2, CCN Đan Phượng - giai đoạn 2, CCN Võng Xuyên, CCN Thanh Đa, CCN Đông La, CCN Cầu Bầu - giai đoạn 2, CCN Phương Trung.
Qua thực tế, tiến độ khởi công, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN còn chậm, nguyên nhân chủ yếu do còn bất cập trong các văn bản pháp lý. Việc giao đất, cho thuê đất làm cơ sở cho thực hiện các thủ tục về đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng mất nhiều thời gian…
Năm 2023, Hà Nội tập trung chỉnh trang, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN đang hoạt động trên địa bàn, gồm giao thông nội bộ, vỉa hè, cây xanh, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc nội bộ, nhà điều hành, tường rào bảo vệ và các công trình khác phục vụ hoạt động của CCN trong hàng rào các CCN.
Đồng thời, hoàn thiện các thủ tục, phấn đấu khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 10 - 20 CCN; quyết định thành lập, mở rộng 5 - 10 CCN. Bảo đảm 100% CCN xây dựng mới có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. 100% CCN, CCN làng nghề đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Để nâng cao việc kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực và doanh nghiệp công nghiệp với chủ đầu tư của các cụm công nghiệp, đại diện Hội HAMI đề xuất, tiếp tục đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin và tạo mạng lưới giao tiếp giữa doanh nghiệp sản xuất và cụm công nghiệp. Qua đó, thu hút sự quan tâm của chủ đầu tư và các doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội của Thủ đô và đất nước.
Đồng thời, tạo cơ hội hợp tác đầu tư bằng cách xây dựng các chương trình và dự án chung giữa các doanh nghiệp sản xuất và cụm công nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư dài hạn về sản xuất sản phẩm, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; cũng như tạo điều kiện thúc đẩy các giá trị đầu tư thông qua việc gia tăng liên kết, hợp tác đầu tư với mạng lưới cung cấp trong nước.
Ông Ngô Quốc Ca, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh: “Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực và doanh nghiệp công nghiệp với chủ đầu tư các cụm công nghiệp” là điểm mới quan trọng, là cơ hội để các chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước kết nối, chia sẻ mối quan tâm chung về tiềm năng và nhu cầu thuê đất tại các cụm công nghiệp để đầu tư sản xuất kinh doanh. Những hoạt động như thế này cũng góp phần tìm ra giải pháp và đề xuất chính sách để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp chủ lực và các ngành sản xuất công nghiệp của thành phố và cả nước.
Thông qua Hội nghị, các chủ đầu tư cụm công nghiệp, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chủ lực sẽ được tiếp cận về dự án xúc tiến đầu tư cụm công nghiệp, làm cơ sở nghiên cứu để hoạch định, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh, đồng thời có thêm kinh nghiệm, ứng dụng thực tiễn vào sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, phát triển sản phẩm ngành công nghiệp chủ lực, phát huy năng lực, thế mạnh để mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy trong phát triển vùng kinh tế Thủ đô./.
Thảo Lan