Hà Nội đặt mục tiêu vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” đạt 23,2 tỷ đồng
(LĐXH)- Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ năm nay, Hà Nội đặt mục tiêu vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” toàn thành phố đạt 23,2 tỷ đồng; tặng 3.021 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa”; tu sửa, nâng cấp 75 công trình ghi công liệt sỹ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 215 hộ gia đình người có công với cách mạng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký ban hàn Kế hoạch số 75/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022). Kế hoạch nêu rõ, các cấp, các ngành của thành phố thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng; nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng tặng quà người có quận Long Biên dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm thiết thực, hiệu quả, huy động toàn thể đảng viên, cán bộ, thanh thiếu niên thế hệ trẻ và nhân dân Thủ đô hưởng ứng tham gia. Cùng với đó là thực hiện tốt việc thăm hỏi, tặng quà bảo đảm đúng đối tượng, đầy đủ chế độ chính sách, kịp thời theo quy định tài chính hiện hành. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú mang lại hiệu quả thiết thực nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công.
Theo Kế hoạch, UBND thành phố Hà Nội đề ra một số chỉ tiêu cơ bản sẽ được thực hiện kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, như: vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” toàn thành phố đạt 23,2 tỷ đồng; tặng 3.021 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa”; tu sửa, nâng cấp 75 công trình ghi công liệt sỹ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 215 hộ gia đình người có công.
Hà Nội phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có mức sống cơ bản ổn định bằng hoặc cao hươn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
100% bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được chăm sóc chu đáo về đời sống vật chất và tinh thần, bảo đảm có cuộc sống tốt nhất. Cụ thể là, nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, xây mới hoặc sữa chữa nhà ở, nâng cấp tiện nghi sinh hoạt. Khi các bà mẹ Việt Nam Anh hùng ốm đau hoặc qua đời, chính quyền, đoàn thể phải hết sức quan tâm chu đáo. Các địa phương tiếp tục vận động các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nhận phụng dưỡng các bà mẹ liệt sĩ mới được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” với mức từ 1.000.000 đồng/người/tháng trở lên.
UBND thành phố cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thăm hỏi, tặng quà bảo đảm đúng chính sách, đúng đối tượng, công khai, dân chủ. Đồng thời chủ động kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, trục lợi chính sách, chi trả tặng quà không đầy đủ theo quy định…
Chí Tâm
TAG: