An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Nội: Đặc biệt quan tâm đến các đối tượng bảo trợ xã hội
07:05 PM 10/05/2024
(LĐXH)-Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù và ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện việc mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội; nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng; thực hiện nhiều chương trình, đề án và hoạt động trợ giúp cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gặp rủi ro.

Trong đó phải kể đến một chính sách đặc biệt đó là Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND, ngày 23/9/2021 đã mở rộng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của thành phố (bổ sung 03 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và 07 nhóm đối tượng được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội của Thành phố, đồng thời nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 440.000 đồng (hệ số 1). Hiện các cơ sở trợ giúp xã hội được sắp xếp, tổ chức lại giảm từ 12 cơ sở xuống còn 10 cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý, chăm sóc, điều trị và nuôi dưỡng đối tượng.

Trong năm 2023, thành phố Hà Nội đã thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho 202.400 đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí chi trả là 1.506 tỷ đồng; chăm sóc, nuôi dưỡng 2.987 đối tượng (là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác) tại các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố với tổng kinh phí 52,5 tỷ đồng. Các chính sách đối với người cao tuổi và người khuyết tật được đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời (lương hưu, trợ cấp BHXH, BTXH, cấp thẻ bảo hiểm y tế,...), 100% đối tượng BTXH, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, người khuyết tật được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; 100% học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng BTXH được miễn học phí.

Lãnh đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội chúc Tết các đối tượng bảo trợ xã hội

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã hướng dẫn các địa phương tổ chức chúc thọ cho người cao tuổi vào dịp Tết Nguyên Đán. Tham mưu công tác tặng quà Tết tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 do Phó Thủ Tướng Chính phủ về tặng quà. Tham mưu thành phố ban hành văn bản tăng cường đợt cao điểm tập trung người lang thang có hành vi xin ăn, xin tiền trên địa bàn Thành phố; văn bản giải quyết đối tượng người lang thang về hòa nhập cộng đồng. Riêng tháng 4/2024, Hà Nội đã tiếp nhận 55 người lang thang xin tiền, người vô gia cư vào Trung tâm bảo trợ xã hội để quản lý, nuôi dưỡng; Ban Phục vụ lễ tang thực hiện 1.864 ca hỏa táng; tỷ lệ hoả táng của Thành phố hiện đạt trên 74%.

Cũng với đó, trong 4 tháng qua, Sở đã tham mưu thăm hỏi, hỗ trợ đột xuất 06 nạn nhân (04 nạn nhân tử vong, 01 người bị thương trong vụ cháy tại quận Hoàn Kiếm sáng ngày 15/01/2024; 01 nạn nhân bị thương do bạo lực tại phường Việt Hưng, quận Long Biên) với số tiền 48 triệu đồng (nguồn ngân sách Thành phố). Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở đã chủ động tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch thăm, tặng quà cho các đối tượng xã hội, đồng thời trực tiếp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác chăm lo Tết cho các đối tượng phục vụ của ngành. Người  nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được Thành phố quan tâm, chăm lo đầy đủ; các đối tượng được nuôi dưỡng tại các đơn vị trực thuộc Sở đều được đón Tết, vui Xuân trong không khí vui tươi, phấn khởi, đầm ấm, an toàn, đầy đủ về vật chất, tinh thần. Theo tổng hợp, toàn thành phố đã trao tặng 2.219.722 suất quà cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, cán bộ nghỉ hưu, mất sức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; các tổ chức, gia đình, cá nhân tiêu biểu; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các đối tượng khó khăn khác với tổng kinh phí 1.033,48 tỷ đồng.

Cũng theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 4 tháng đầu năm, toàn thành phố đã thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho 203.300 đối tượng  với tổng kinh phí là 646,027 tỷ đồng; Thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.020 đối tượng bảo trợ xã hội (là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác) tại các cơ sở trợ giúp xã hội của thành phố với mức trợ cấp nuôi dưỡng thấp nhất là 1,76 triệu đồng/người/tháng (riêng trẻ em dưới 4 tuổi là 2,2 triệu đồng/tháng) và chi khác là 350.000 đồng/tháng (riêng người tâm thần là 400.000 đồng/tháng).

Nhìn chung, công tác thực hiện an sinh đối với các đối tượng xã hội trên địa bàn thành phố đến nay cơ bản vẫn được duy trì tốt và đảm bảo. Hà Nội sẽ tiếp tục tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế. Cùng với đó, trong năm 2024, ngành sẽ triển khai đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Hà Nội, theo quy hoạch tổng thể của Trung ương; Tổ chức xếp hạng cho Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em; Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt.  Sở cũng sẽ tích cực hướng dẫn, đôn đốc các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác cứu trợ đột xuất kịp thời khi thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh... xảy ra, hỗ trợ người dân, đặc biệt là hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội... sớm ổn định cuộc sống./.

 

 Mỹ Hằng

TAG:
Tin khác
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật