An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Nội: Chú trọng công tác chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội khác
11:15 AM 17/04/2023
(LĐXH) - Thành phố Hà Nội đang tập trung thực hiện các chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật và đối tượng bảo trợ khác nhằm góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Tặng quà cho người cao tuổi trên địa bàn thành phố
Thống kê, thành phố Hà Nội hiện có 1.069.456 người cao tuổi, chiếm 12,8% dân số. Người cao tuổi được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định (như: lương hưu, trợ cấp BHXH, bảo trợ xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, đi xe buýt miễn phí...).
Trong năm 2022, Sở Lao động - TBXH tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia người cao tuổi; thực hiện trợ cấp hàng tháng cho 93.256 người cao tuổi, trong đó có 92.166 người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu và trợ cấp BHXH; 299 người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có quyền và nghĩa vụ phụng duỡng. Trợ giúp khó khăn đột xuất cho 16.916 người cao tuổi; 175 hộ gia đình có người cao tuổi được hỗ trợ về nhà ở; có 82 người cao tuổi cô đơn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của thành phố.
Cuối năm 2022, theo tổng hợp báo cáo của các quận, huyện, thị xã, toàn thành phố có 955 người cao tuổi tròn 100 tuổi và 9.075 người cao tuổi tròn 90 tuổi. Sở đã báo cáo UBND Thành phố trình Văn phòng Chủ tịch nước tặng thiếp mừng thọ cho người cao tuổi tròn 100 tuổi; trình Chủ tịch UBND Thành phố ký tặng Thiếp mừng thọ cho người cao tuổi tròn 90 tuổi vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Mão 2023.
Trong công tác trợ giúp người khuyết tật, toàn thành phố Hà Nội có 111.173 người khuyết tật, chiếm 1,33% dân số. Chia theo mức độ khuyết tật có: Đặc biệt nặng: 18.390 người; Nặng: 76.665 người; nhẹ: 16.118 người. Có 1.214 người khuyết tật được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng và 1.930 người khuyết tật đang được chăm sóc tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội của thành phố (trong đó có 1.306 người tâm thần). Người khuyết tật được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định (trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh khuyết tật, đi xe buýt miễn phí, vay vốn tại Ngân hàng CSXH...).
Trong năm 2022, thành phố đã thực hiện chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng cho 90.292 người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng; 14.198 hộ gia đình nhận nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng được nhận trợ cấp theo quy định hiện hành; 100% người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Thành phố Hà Nội có 07 cơ sở được Sở Lao động- TBXH ra quyết định công nhận là cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hưởng các chính sách ưu đãi như được vay vốn, miễn thuế thu nhập, tham gia các hoạt động giới thiệu sản phẩm tại các lễ kỷ niệm, ngày hội, tọa đàm các mô hình doanh nghiệp tạo việc làm cho người khuyết tật. Đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật ngày càng được nâng cao, bản thân họ đã tự tin, nỗ lực phấn đấu học tập, làm việc để cải thiện cho cuộc sống của chính họ và giúp đỡ gia đình, tham gia vào các hoạt động xã hội hòa nhập cuộc sống cộng đồng.
Công tác bảo xã hội, cứu trợ đột xuất, tập trung người lang thang cũng được quan tâm. Trong năm 2022, Sở tiếp tục hướng dẫn các quận, huyện, thị xã xét duyệt trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của HĐND Thành phố đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Phối hợp Phòng Lao động- TBXH một số quận, huyện tập huấn công tác trợ giúp xã hội; tuyên truyền, tập huấn chính sách hỏa táng, công tác tập trung người lang thang. Xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn Thành phố năm 2022; xây dựng Phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong năm và chủ động ứng phó với diễn biến của thời tiết, đảm bảo sức khỏe đối tượng quản lý tại đơn vị.
Ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Mô hình cơ sở phòng và điều trị rối nhiễu tâm trí cho người mắc bệnh tâm thần tại Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần số 1 Hà Nội. Báo cáo nhà ở hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch 2022-2025; Đề nghị UBND các huyện, thị xã rà soát, lập danh sách hộ có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, gửi UBMTTQ Thành phố xây dựng kế hoạch vận động hỗ trợ. Trong năm, Sở đã tiếp nhận 501 người lang thang xin tiền, người vô gia cư vào các Trung tâm bảo trợ xã hội (trong đó có 37 người tâm thần lang thang, lang thang ốm yếu suy kiệt do các bệnh viện bàn giao). Về trợ giúp đột xuất, đã thực hiện hỗ trợ đột xuất đối với các gia đình của 35 nạn nhân với số tiền 896,4 triệu đồng.
Trong năm 2023. Sở Lao động -TBXH tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và trợ giúp xã hội khẩn cấp, chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng bảo trợ xã hội. Đánh giá kết quả thực hiện Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật. Triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế; quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thành phố. Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật; phối hợp, triển khai thực hiện mục tiêu 100% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; xây dựng và thực hiện các mô hình câu lạc bộ liên thế hệ giúp đỡ nhau và các mô hình trợ giúp người khuyết tật. Đẩy mạnh thực hiện chi trả trợ cấp thông qua tổ chức dịch vụ bưu chính công ích. Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội, hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng bảo trợ xã hội. Theo dõi sát sao tình hình thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo khi người dân gặp khó khăn do hậu quả thiên tai, hỏa hoạn hay rủi ro đều được thăm hỏi, hỗ trợ, góp phần đảm bảo ổn định và công bằng xã hội./.
Hồng Phượng
 
 
TAG:
Tin khác
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'