An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Giang: Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo
11:06 AM 27/06/2024
(LĐXH) - Nhằm tạo điều kiện để người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo, tỉnh Hà Giang đang tập trung chỉ đạo nhiều chính sách bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản.
Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh
Trong lĩnh vực việc làm, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về kết nối thị trường, kết nối cung cầu lao động, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền các chủ trương, chính sách về việc làm, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Giang đã tổ chức 102 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, định hướng nghề nghiệp cho người lao động; tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Thực hiện hỗ trợ người lao động Hà Giang đi làm việc ở nước ngoài và làm việc ngoài tỉnh theo Nghị quyết của HĐND tỉnh với kinh phí 1.332 triệu đồng (gồm: Hỗ trợ cho 880 lao động đi làm việc ngoài tỉnh với số tiền 1.320 triệu đồng; hỗ trợ  04 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 12 triệu đồng). Uớc 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 14.080 người, đạt 78% kế hoạch năm 2024 và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách BHYT, năm 2024 tỉnh tiếp tục duy trì và cấp mới thẻ BHYT cho 785.276 đối tượng, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 97,25%. Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo hỗ trợ bệnh nhân nghèo tiền ăn và tiền đi đường khi đến điều trị nội trú tại tuyến huyện trở lên cho 15.577 lượt bệnh nhân với kinh phí 5.797 triệu đồng. Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em qua thực hiện trợ giúp xã hội thường xuyên cho 26.315 trẻ em từ 0 đến dưới 3 tuổi con hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trong công tác giáo dục, Hà Giang tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 283.228 học sinh; Hỗ trợ tiền ăn trưa cho 43.813 trẻ mẫu giáo; Trợ cấp tiền ăn, tiền trọ và hỗ trợ gạo cho 65.398 học sinh bán trú. Số học sinh bán trú hưởng theo Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND là 35.376 học sinh. Số học sinh hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ 4.864 học sinh; Số học sinh hưởng chính sách hỗ trợ theo Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT- BTC-BGDĐT là 4.758 học sinh. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang duy trì đào tạo cho 2.024 người, trong đó: Cao đẳng 307 sinh viên, Trung cấp 1.717 học sinh. Trong 6 tháng đầu năm nay, đã tuyển mới 7.282 người, đạt 56% kế hoạch.
Về hỗ trợ nhà ở, từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã hỗ trợ xây mới cho 143/517 nhà cho hộ nghèo. Đồng thời tiếp tục vận động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, đã triển khai hỗ trợ xây dựng 17 nhà Đại đoàn kết từ Quỹ “Vì người nghèo” với kinh phí hỗ trợ 890 triệu đồng.
Để đảm bảo mục tiêu sử dụng nước sinh hoạt và vệ sinh, từ Chương trình nông thôn mới, tỉnh đã vận động và hỗ trợ các hộ xây dựng 538 công trình nhà tắm, 599 công trình nhà tiêu hợp vệ sinh; cứng hóa, di dời 296 chuồng trại; xây dựng 352 bể trữ nước sinh hoạt để đạt chuẩn nông thôn mới. Ngân hàng chính sách xã hội cho vay 2.683 hộ với kinh phí 53.200 triệu đồng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Ngoài ra, trong lĩnh vực thông tin, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình tiếp tục duy trì các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội như phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, chính sách tín dụng ưu đãi, chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và hộ chính sách, chính sách đối với đối tượng Bảo trợ xã hội, nguời có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Xây dựng, phát sóng hàng tuần các chương trình bằng tiếng phổ thông, tiếng dân tộc thiểu số (Tày, Mông, Dao). Tăng cường công tác truyền thông số trên các hệ thống thông tin dùng chung toàn tỉnh gồm: Thư điện tử công vụ; Quản lý văn bản và điều hành công việc; Trang/Cổng thông tin điện tử; dịch vụ công trực tuyến; truyền thanh internet; cụm thông tin cơ sở, fanpage trên facebook, zalo; treo băng zôn khẩu hiệu, làm các cụm pa nô, áp phích cổ động; triển lãm ảnh với nhiều chủ đề, viết tin bài, tuyên truyền miệng, cổ động tại các điểm chợ và khu đông dân cư và trên phương tiện thông tin đại chúng… nội dung tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về chính sách xã hội và giảm nghèo. Thực hiện bảo dưỡng, đầu tư mới trang thiết bị hệ thống Đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh, đảm bảo thực hiện tốt công tác thông tin truyền thông.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã cấp phát 283.569 tờ Báo Hà Giang và Báo Dân tộc phát triển cho 1.983 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; 3.887 tờ ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS, vùng ĐBKK nhằm cung cấp thông tin, phục vụ công tác tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho vùng đồng bào DTTS.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo khác, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng cho hộ nghèo và hộ chính sách. Từ đầu năm đến nay đã giải quyết cho 17.759 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 812,3 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 5.175,5 tỷ đồng, với 108.574 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng đã góp phần phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân. Đối với Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 13/QĐ-UBND của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024 đã có 451 hộ tham gia thực hiện, tổng diện tích cải tạo 59.815 m2; số kinh phí đã giải ngân 13.500 triệu đồng. Các vườn sau cải tạo đã được trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản.
Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã trợ giúp đột xuất thiên tai, hoả hoạn, rủi do bất khả kháng cho 96 hộ gia đình với kinh phí 4.150 triệu đồng; Tiếp nhận và phân bổ 253.620 kg gạo do Chính phủ hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên đán năm 2024 cho 3.693 hộ với 16.908 khẩu; Các huyện, thành phố cân đối ngân sách hỗ trợ 423.735 kg gạo cứu đói giáp hạt cho 4.014 hộ với 19.322 khẩu.
Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh, tỉnh thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng cho 53.243 đối tượng bảo trợ xã hội. Duy trì quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng cho 153 đối tượng bảo trợ xã hội tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 59.177 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội./.
Hồng Phượng
 
TAG: Hà GIang Giảm nghèo Chính Sách Xã Hội
Tin khác
Quảng Nam: Kịp thời thực hiện chính sách trợ giúp xã hội
Bắc Giang: Quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ nữ
Quảng Ngãi quan tâm thực hiện công tác bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
Thành phố Hồ Chí Minh: Trên 2.500 người bán dâm và người có nguy cơ cao hoạt động bán dâm được hỗ trợ tiếp cận với các dịch vụ xã hội
Hà Giang: Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo
Hoà Bình: Thiết thực tri ân người có công với cách mạng
Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục về phòng, chống mại dâm
Tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sĩ ở Trà Vinh: Trách nhiệm và nghĩa tình
Chủ tịch nước ký Quyết định về việc tặng quà người có công dịp 27/7