Hà Giang giảm 33.163 hộ nghèo
(LĐXHH)- Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh Hà Giang giảm được 33.163 hộ nghèo, (từ 43,65% xuống còn 22,53%), giảm 21,12% so với đầu năm 2016.
Ngày 20/5, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác giảm nghèo đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) các Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giai đoạn 2016 - 2020 chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Vàng Seo Cón, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và điểm cầu tại các huyện, thành phố, xã, phường của tỉnh.
“Nhìn chung, các chính sách và dự án giảm nghèo trên địa bàn Hà Giang được quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện chặt chẽ, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo như cứu đói, cứu tế, khắc phục thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, an sinh xã hội... Qua đó đã giúp người nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản và các thành tựu phát triển kinh tế xã hội. Công tác giảm nghèo được tổ chức triển khai tốt, thu hút được sự tham gia của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của nhân dân. Nhất là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tổng công ty, các đơn vị, tổ chức cá nhân trong công tác giảm nghèo, xóa nhà tạm“ – Giám đốc Sở Lao động – TBXH Sùng Đại Hùng, đánh giá.
Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Giang giảm nhanh, song số hộ nghèo mới phát sinh vẫn còn cao. Hàng năm, vẫn phải cứu đói bình quân cho trên 6.000 hộ, phần lớn nằm ở vùng cao núi đá và đồng bào dân tộc thiểu số…
Tại hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu đã tập trung thảo luận những ưu điểm, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như: Nguồn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh còn hạn hẹp nên việc phân bổ và giao vốn thực hiện các Chương trình không được đảm bảo theo nhu cầu; nguồn lực của tỉnh còn khó khăn, trong khi nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn. Việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, mô hình khuyến nông để giảm nghèo đạt được kết quả ở quy mô thí điểm nhưng khó khăn khi nhân rộng. Số hộ nghèo phát sinh trong giai đoạn còn cao, chủ yếu là do tách hộ, thiên tai, dịch bệnh.
Bước sang giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hà Giang tiếp tục đặt ra mục tiêu giảm nghèo bền vững theo cách tiếp cận đa chiều, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Các hộ thoát nghèo, ngoài đạt chuẩn thu nhập theo quy định của Chính phủ, phải được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng lên 2 lần so với cuối năm 2020.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu: Để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, Hà Giang cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận đa chiều, phấn đấu tỷ lệ giảm nghèo nhanh và bền vững; kêu gọi người dân không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà cần nỗ lực vươn lên thoát nghèo…
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 35 tập thể, 70 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.
Chí Tâm
TAG: