An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Hà Giang: Chính sách tín dụng xã hội góp phần giảm nghèo bền vững
09:45 AM 24/10/2019
(LĐXH) Hà Giang là tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc, có 277,5 km đường biên giới tiếp giáp với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Diện tích tự nhiên trên 7.884 km2; với 11 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a); 195 xã, phường, thị trấn; 2.071 thôn, bản (trong đó có 165 xã thuộc vùng khó khăn, 34 xã thuộc khu vực biên giới, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1.408 thôn đặc biệt khó khăn). Toàn tỉnh có trên 84 vạn người với 19 dân tộc cùng chung sống.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo ở huyện Vị Xuyên đã phát triển nuôi cá, có thu nhập ổn định
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 27/9/2016 của Tỉnh ủy Hà Giang và Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 21/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã quán triệt nội dung chương trình đến các đơn vị phòng giao dịch trực thuộc. Tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo và thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm cơ sở để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng. Trong 3 năm (từ 2016-2018), tỉnh Hà Giang có 36.338 lượt hộ nghèo, 10.473 lượt hộ cận nghèo, 6.961 lượt hộ mới thoát nghèo; 6.027 hộ dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng 20.222 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đảm bảo theo tiêu chuẩn; 1.221 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách... Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sác khác phát triển ngành nghề ở khu vực nông thôn, như: Chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, phục vụ sản xuất và đời sống cũng như thủ công mỹ nghệ, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống tại các địa phương. Nhờ vậy, đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tận dụng lao động để khai thác tiềm năng nội lực, tạo cơ hội cho người nghèo tự vận động, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát khỏi đói nghèo, hoà nhập cộng đồng.

Đầu tư xây dựng các công trình nước sạch giúp nhiều hộ nghèo được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh
Việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị xã hội cùng chung sức thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, chăm lo cuộc sống cho người nghèo và các đối tượng chính sách, hướng dẫn cho họ biết cách làm ăn, từng bước chuyển biến nhận thức, vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó đã khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; được các tầng lớp nhân dân đón nhận và đồng tình ủng hộ; tín dụng chính sách đã trở thành một trong những trụ cột tích cực, quan trọng để thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tín dụng chính sách xã hội được triển khai thực hiện đến 195/195 xã phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, có hộ được thụ hưởng từ 2-3 chính sách tín dụng. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách các hộ từng bước phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi và tín dụng đen tại các vùng nông thôn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thúc đẩy các vùng khai thác được tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế xã hội.
Với mô hình tổ chức, phương thức quản lý và cách thức tác nghiệp hiệu quả, công tác tín dụng chính sách xã hội đã tạo được lòng tin của nhân dân vào các chính sách của Đảng và Nhà nước. Chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt ở các xã vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn và vùng biên giới. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, NHCSXH cùng các tổ chức Chính trị - Xã hội và chính quyền địa phương các cấp thường xuyên quan tâm thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để thực hiện cho vay. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, đến 30/6/2019 nợ quá hạn là 5.927 triệu đồng chiếm tỷ lệ 0,21%/tổng dư nợ, giảm 2.701 triệu đồng so với năm 2015; nợ khoanh là 2.227 triệu đồng, chiếm 0,07%/tổng dư nợ, giảm 25.439 triệu đồng so với năm 2015.

Đến cuối năm 2018, tỉnh Hà Giang còn 56.083 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 31,17%
Để tạo điều kiện cho các đối tượng vay vốn gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, khắc phục khó khăn, tiếp tục có vốn để sản xuất, NHCSXH đã thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, Tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác và các cơ quan chuyên ngành... thực hiện tốt công tác xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, đảm bảo việc xử lý nợ bị rủi ro chính xác, kịp thời, đúng đối tượng, cho vay bổ sung nguồn vốn tạo điều kiện để người vay tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh thường xuyên tham mưu UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh chỉ đạo các đơn vị thông tin tuyên truyền như: Báo, Đài phát thanh truyền hình, Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, huyện, Website Ngân hàng Nhà nước... đẩy mạnh tuyên về nội dung các chính sách tín dụng để mọi tầng lớp nhân dân được nắm bắt, có điều kiện tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Tuyên truyền về những tấm gương điển hình sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Các thông tin về chương trình tín dụng, mức vay, thời hạn vay, quy trình và thủ tục vay vốn được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, đài truyền hình, đài phát thanh địa phương, đài truyền thanh phường, xã; tuyên truyền trực tiếp tại các phiên họp giao ban tại điểm giao dịch xã; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của địa phương... Nội dung về chính sách tín dụng còn được đưa vào các hội thi của tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác. Đặc biệt các nội dung trên đều được NHCSXH công khai cập nhật thường xuyên trên bảng thông tin tại trụ sở ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền về hoạt động của NHCSXH góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chủ trương của Đảng và Nhà nước trong đầu tư vốn tín dụng chính sách xã hội phục vụ giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp nông thôn.
 
Nhờ thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm xuống đáng kể. Theo kết quả rà soát cuối năm 2015, tỉnh Hà Giang có 74.313 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 43,65%. Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo là 56.083 hộ, chiếm tỷ lệ 31,17%, giảm 18.230 hộ, tỷ lệ giảm 12,48%, trong đó số hộ nghèo dân tộc thiểu số 55.727 hộ, chiếm tỷ lệ 99,37% tổng số hộ nghèo.  

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: Một số chính quyền địa phương do chưa xác định được giảm nghèo là nhiệm vụ ưu tiên hiện nay để giữ vững ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chưa có các biện pháp cụ thể và tích cực để cải thiện chất lượng tín dụng, nhất là các biện pháp nhằm xử lý đối với các hộ gia đình đang còn dư nợ NHCSXH nhưng đã chuyển đi khỏi địa phương.  Công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi tại một số xã vùng khó khăn, vùng biên giới còn hạn chế, vẫn còn một số bộ phận hộ nghèo và đối tượng chính sách khác chưa hiểu hoặc chưa nắm bắt được các chương trình tín dụng ưu đãi để tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Trình độ nhận thức, tập quán sản xuất của một số hộ tại các vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn còn rất hạn chế, hộ vay vốn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để chăn nuôi, sản xuất nên hiệu quả vốn tín dụng đầu tư thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; sản phẩm sản xuất ra nhỏ lẻ, không tạo thành hàng hóa, khó tiêu thụ, lợi nhuận thấp, dẫn đến hiệu quả đồng vốn vay không cao. Một số nơi, chất lượng hoạt động ủy thác của các tổ chức Chính trị - Xã hội cấp xã còn thiếu sâu sát, chưa chủ động thực hiện đầy đủ các nội dung công việc được ủy thác theo hợp đồng đã ký, dẫn đến chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn còn hạn chế.
Để chính sách tín dụng thực sự phát huy hiệu quả trong việc trợ giúp người dân, đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để thực hiện tốt mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tham mưu hỗ trợ các điều kiện cần thiết đối với hoạt động của NHCSXH, bố trí kinh phí ủy thác của ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để triển khai cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; Tham mưu cấp ủy, chính quyền cấp xã thường xuyên điều tra, xác nhận đối tượng vay vốn đảm bảo kịp thời, chính xác để làm căn cứ phê duyệt cho vay. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, gắn với việc lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật... giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả nhằm phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giầu, xây dựng khu vực nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.
 Đối với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, chủ động xây dựng kế hoạch lồng ghép các hoạt động thuộc chương trình MTQG giảm nghèo với việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, đề án xã phát triển toàn diện, đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa, đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo, các chương trình, đề án đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội để tạo nguồn lực trợ giúp người nghèo, hộ nghèo có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.  Thường xuyên giám sát, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đảm bảo các hộ gia đình sử dụng vốn vay đúng mục đích xin vay, đảm bảo nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm, hộ gia đình là nhân tố quyết định, tránh tư tưởng ỷ lại vào sự trợ giúp của nhà nước và cộng đồng xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của cơ sở và người dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách. Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách tín dụng, các chủ trương mới của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Công khai minh bạch các chính sách hỗ trợ tại điểm giao dịch tại xã, trên Website ngân hàng Nhà nước, cổng thông tin điện tử của UBND các cấp để mọi tầng lớp nhân dân được nắm bắt và có điều kiện tiếp cận. Đồng thời đảm bảo sự giám sát của cấp ủy chính quyền địa phương, các cấp các ngành đoàn thể đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, đưa hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hoạt động ổn định, bền vững góp phần tích cực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, củng cố tốt các tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Cùng với đó, tỉnh cũng đề nghị: Đối với chương trình cho vay Hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg khi hết thời hạn được thực hiện giải ngân theo quy định là 31/12/2020. Đề nghị Chính phủ xem xét, giải quyết tiếp tục kéo dài thời hạn thực hiện Quyết định 28/2015/QĐ-TTg đến năm 2023. NHCSXH trung ương xem xét cân đối bổ sung nguồn vốn cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và cho vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn cho Chi nhánh Hà Giang, để kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh.

Đỗ Thị Phượng
 
                      
 
TAG:
Tin khác
Huyện Can Lộc huy động hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh
Huyện Trực Ninh: Lan tỏa các hoạt động đền ơn đáp nghĩa
Hà Tĩnh với công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công
Huyện Cầu Kè: Sâu nặng nghĩa tình với người có công
Huyện Đức Thọ: Không ngừng nâng cao đời sống người có công
Nghệ An chăm lo chu đáo đối với người có công
Thành phố Bắc Giang: Thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa
Bắc Giang: Chung tay hỗ trợ nhà ở cho người có công