“Gom nhựa lựa quà” – Vì một Sea Games xanh, giảm thiểu rác thải nhựa
(LĐXH)-Chiều 12/5/2022, trước thềm sự kiện Khai mạc Sea Games 31, Chương trình “Gom nhựa lựa quà” đã được tổ chức tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.
Chương trình hướng tới mục tiêu cung cấp cho người dân, đặc biệt là giới trẻ và người hâm mộ thể thao, thêm thông tin về nhựa và các loại rác nhựa có thể tái chế sau khi sử dụng, đồng thời khuyến khích và thúc đẩy thói quen thực tế trong việc phân loại và thu gom rác đúng cách, góp phần bảo vệ môi trường.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có lượng rác thải nhựa đổ ra biển nhiều nhất thế giới. Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam (2019), Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa chỉ riêng trong năm 2015. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh từ 3,8kg/năm/người năm 1990 lên tới 41kg/người/năm vào năm 2015. Trong các hoạt động thể thao, số lượng tiêu thụ của nhựa đang ở ngưỡng đáng báo động. Theo thống kê Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, mỗi sự kiện thể thao lớn có thể thải ra tới 750.000 chai nhựa (UNEP, 2018), chưa kể đến lượng rác thải nhựa khác từ các sản phẩm lưu niệm, pano, phướn cổ động…
Năm 2022, Việt Nam vinh dự trở thành chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games lần thứ 31. Với tinh thần “Vì một Đông Nam Á khỏe mạnh hơn”, Đại hội không chỉ hướng tới mục tiêu công bằng, đúng tinh thần fair-play, mà còn hướng đến tổ chức một kỳ Đại hội xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường.
Trên cơ sở đồng ý chủ trương của Tổng cục Thể dục Thể thao, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) thông qua Dự án Giảm thiểu Rác thải nhựa Đại dương phối hợp triển khai các hoạt động ý nghĩa, góp phần thực hiện Kế hoạch Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và hướng tới xây dựng kinh tế tuần hoàn gắn với các mục tiêu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đáng chú ý, các chương trình tập huấn và hỗ trợ một số trang thiết bị cho đội ngũ tình nguyện viên tham gia phân loại và thu gom rác tại các địa điểm thi đấu, các sự kiện cộng đồng với ý nghĩa thiết thực cũng được triển khai trong dịp này.
Rác thải sau khi thu gom tại sân Mỹ Đình sẽ được phân loại, vận chuyển, tái chế và xử lý đúng qui định. Tại Sea Games 31, các hoạt động thu gom rác sau trước và sau khi kết thúc các trận thi đấu cũng sẽ được các tình nguyện viên thực hiện để đảm bảo cho các địa điểm thi đấu luôn sạch đẹp.
Trong quá trình thu gom rác, các tình nguyện viên cũng sẽ tuyên truyền về ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa cho các cổ động viên tại sân vận động, khu vực thi đấu để lan toả các hành động ý nghĩa về bảo vệ môi trường.
Trong khuôn khổ chương trình, sự kiện “Gom rác nhựa - Giành huy chương xanh” dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 20/5 tới tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia.
Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” tài trợ bởi Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) được chính thức phê duyệt theo Quyết định số 1462/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam.
Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc xây dựng các văn bản hướng dẫn kỹ thuật nhằm hỗ trợ thực hiện chính sách quản lý chất thải rắn, bao gồm cơ chế hỗ trợ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại bảy thành phố/quận (huyện) bao gồm: Huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Thành phố Đà Nẵng, Thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), Thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Tỉnh Long An, Thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), dựa trên chương trình Đô thị Giảm Nhựa của WWF, để có thể làm cơ sở áp dụng triển khai trên toàn quốc, cũng như quản lý hiệu quả nhằm giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lượng tồn đọng rác thải nhựa tại 3 khu bảo tồn biển quan trọng là Côn Đảo, Cù Lao Chàm và Phú Quốc./.
PV
TAG: