Gói an sinh xã hội giúp hộ nghèo ở Yên Bái ổn định cuộc sống
(LĐXH)- Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng nhằm ổn định cuộc sống cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đối với người có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Yên Bái nói riêng, cả nước nói chung, gói hỗ trợ này không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Hộ gia đình chị Trần Thị Hoa là hộ nghèo ở xã Minh Quán, huyện Trấn Yên. Anh Bùi Tiến Dũng (sinh năm 1983) bị ảnh hưởng chất độc hóa học do có bố đẻ tham gia chiến trường, nên sức khỏe không bình thường, hay đau ốm không thể làm được những công việc nặng nhọc. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chị Trần Thị Hoa là lao động chính, phải ở nhà dài ngày vì không có ai thuê mướn, mất nguồn thu nhập, đời sống hết sức khó khăn. Cả nhà 4 miệng ăn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của mẹ đẻ.Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Yên Bái (thứ 3 từ trái sang) gặp gỡ người dân được nhận trợ cấp ở xã Minh Quán, Trấn Yên
Bà Mai Thị Thúy, mẹ anh Dũng cho biết, khi được nhận hỗ trợ, gia đình con trai bà có thêm nguồn tiền trang trải khó khăn. Số tiền này tuy chưa nhiều song thực sự là động lực để gia đình chị Hoa khắc phục khó khăn trước mắt, đầu tư mua thêm con giống sản xuất, tự tin vươn lên trong cuộc sống. Được biết, gia đình chị Trần Thị Hoa là một trong 3 hộ nghèo được xã Minh Quán phê duyệt kinh phí xây dựng lại nhà ở trong năm nay, cũng như được chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế, thoát nghèo trong thời gian tới.
Hộ gia đình chị Hoa – anh Dũng là một trong số 30 hộ nghèo của xã Minh Quán được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thống kê của xã Minh Quán cho thấy, đến tháng 5/2020, 100% số đối tượng đã được nhận hỗ trợ. Ngoài ra, các đối tượng người có công với cách mạng (33 người), người bảo trợ xã hội (108 người) cũng được chi trả đầy đủ, không bỏ sót bất cứ ai.
Là một trong những người được hỗ trợ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Hoàng Kim Sại, thôn Yên Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên vui mừng cho biết, bản thân ông là thương binh hạng 2/4 nên cuộc sống thường ngày gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời kỳ cả nước thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Do đó, khi nhận được 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ, ông cảm thấy rất vui. Bởi số tiền này không chỉ giúp ông cùng gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống mà còn thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với những người từng vào sinh ra tử trong chiến trường như ông.
Cùng chung niềm vui với ông Sại, ông Nguyễn Văn Cường, thương binh hạng 3/4 bị nhiễm chất độc da cam ở phường Hồng Hà, TP Yên Bái chia sẻ, sau khi rời chiến trường, ông chưa một lần trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Với tinh thần "Thương binh tàn nhưng không phế”, ông xin làm thêm trông xe tại chợ Yên Bái. Công việc của ông bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 18 giờ tối, bất kể trời mưa nắng với mức lương hơn 1 triệu đồng/tháng. Nhưng kể từ ngày 1/4/2020, khi toàn quốc thực hiện lệnh giãn cách xã hội, công việc của ông bị tạm dừng.
Ông Cường tâm sự, rất may, ngay sau khi hết lệnh giãn cách xã hội, ông được nhận 1,5 triệu đồng hỗ trợ 3 tháng từ gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng. Số tiền này tuy không lớn nhưng đáng quý vô cùng. Bởi nó phần nào giúp gia đình ông trang trải cuộc sống và quan trọng hơn là thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với những người có công.
Theo đánh giá của các cấp chính quyền, đây là chính sách có ý nghĩa rất quan trọng, trong việc đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 để người dân ổn định cuộc sống, thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Để thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng, chính xác, đúng đối tượng và không để xảy ra trục lợi chính sách như yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tỉnh Yên Bái đã nhanh chóng vào cuộc, đưa ra như nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả.
Theo đó, triển khai Nghị quyết số 42 và Quyết định 15, ngày 28/4/2020, UBND tỉnh đã ban hành “Kế hoạch về việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Yên Bái”; Quyết định về việc thành lập Tổ thường trực rà soát, kiểm tra hồ sơ thẩm định đối tượng và kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ.
UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo các Sở, ngành và các địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ, xác định chính xác đối tượng, đảm bảo không trùng lắp; tổng hợp danh sách, kinh phí hỗ trợ; chi trả kịp thời, đúng đủ.Các đối tượng người có công và trợ cấp xã hội nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội tại TP Yên Bái
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Yên Bái cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền và một số nội dung liên quan đến công tác chi trả hỗ trợ các đối tượng. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chính sách đã nhận được sự tham gia tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng và toàn thể hệ thống chính trị trong tỉnh. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được UBND tỉnh giao chủ trì chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra về đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các nhóm đối tượng về lao động.
UBND tỉnh đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chi trả cho các đối tượng khó khăn tại 3 huyện là Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Đối với việc triển khai giám sát từ cấp cơ sở, Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai, hướng dẫn giám sát công tác này.
Sở đã tổ chức thành lập các đoàn công tác để kiểm tra việc chi trả cho các nhóm đối tượng người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; cũng như việc rà soát, thẩm định các nhóm đối tượng khác theo Nghị quyết 42 tại 6 huyện, thị xã, thành phố.
Ông Ngô Thanh Giang – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Yên Bái khẳng định, việc triển khai rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và chi trả kinh phí hỗ trợ cho nhóm đối tượng người có công; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đã được các địa phương triển khai kịp thời, nghiêm túc, đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn.
Việc triển khai rà soát, thống kê, thẩm định và thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bản tỉnh; công tác giám sát đã được các cơ quan quản lý chính sách, các địa phương, MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp tích cực triển khai, đảm bảo được nguyên tắc công khai, minh bạch.
Đây là chính sách có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho người dân gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19 để người dân ổn định cuộc sống, thể hiện chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta./.
Dương Thìn
TAG: