Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi: Bỏ thi vào lớp 6 trường điểm, có gì đó không ổn
Là người theo sát ngành giáo dục, Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UB VHGDTTN&NĐ Quốc hội cho rằng việc bỏ thi vào lớp 6 khiến một số trường lúng túng.
Là người theo sát ngành giáo dục, Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội cho rằng việc bỏ thi vào lớp 6 khiến một số trường lúng túng. Tuy nhiên, các trường phải tìm ra giải pháp để chọn được học sinh theo ý của mình chứ không thể dựa vào giải nọ giải kia. Giáo sư Đào Trọng Thi nói:
chất lượng trường chuyên Hà Nội - Amsterdam có bị ảnh hưởng?
Việc cấm thi vào lớp 6 THCS của Bộ GD&ĐT tôi nghĩ dựa trên những nguyên nhân sau: Thứ nhất là cấp THCS là phổ cập. Do đó, hệ thống trường THCS công phải đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh đúng tuổi đến trường. Thứ hai, do các trường có chất lượng không đồng đều, để không xảy ra tình trạng trường toàn học sinh giỏi, trường không có học sinh giỏi nào nên yêu cầu các trường tổ chức tuyển sinh đúng tuyến và không thi tuyển là hợp lý.
Tuy nhiên, với các trường ngoài công lập và chất lượng cao được phép tuyển sinh không phân tuyến thì câu chuyện lại khác. Cách xử lý của ngành giáo dục là không cho phép họ tổ chức kỳ thi thì đúng là có gì đó không ổn. Vì họ không vi phạm những điều tôi nói ở trên.
Trong khi đó, nhiều nhà giáo đã lên tiếng lo lắng về việc cấm thi vào lớp 6 trường chuyên. “Cấm tổ chức thi vào lớp 6 đối với các trường THCS chất lượng cao, Bộ yêu cầu, các Sở yêu cầu thì phải chấp hành. Còn thực chất, các trường vẫn muốn được đứng ra tổ chức thi tuyển để chọn đầu vào cho riêng mình”, thầy Nguyễn Xuân Khang, trường Marie Curie, Hà Nội, nói.
Thầy Khang cho biết, từ năm 2015 khi có chủ trương cấm thi vào lớp 6, chất lượng đầu vào của trường bị ảnh hưởng. “Khi thi tuyển, cùng thang đo nên chất lượng đầu vào sẽ tốt hơn. Bộ với Sở quy định xét tuyển thì các trường phải lựa nên chất lượng đầu vào chỉ tương đối, không bằng tổ chức thi. Nếu được quay trở lại thi tuyển, chúng tôi sẽ chọn cách thi tuyển. Nhưng hiện nay không phản đối được đành nghiêm chỉnh chấp hành. Thi tuyển thì công bằng hơn. Người đỗ thì vui, người không đỗ cũng tâm phục khẩu phục” – thầy Khang cho hay.
Đồng quan điểm này, lãnh đạo phòng giáo dục một huyện của Nam Định cho biết ở mỗi huyện của tỉnh thường có một trường THCS chất lượng cao tuyển sinh trong toàn huyện. Những trường THCS chất lượng cao này thường là nơi tạo nguồn cho trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Hai năm nay, những trường này dựa vào kết quả học tiểu học và các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp quốc gia để chọn học sinh. Không thi nên chất lượng lớp 6 chỉ khoảng 70% thực sự là khá. “Ví dụ năm học tới trường THCS chất lượng cao của huyện tuyển 150 nhưng có 63 em được giải cấp huyện cho đến quốc gia.
Tuy nhiên, không phải tất cả các em này đều muốn học ở trường THCS chất lượng cao của huyện nên phải lấy giải khuyến khích và những học sinh 5 năm liền đạt học sinh giỏi cùng các tiêu chí phụ khác. Nếu để phục vụ đào tạo mũi nhọn sau này thì những đối tượng học sinh này không đạt được” – vị lãnh đạo phòng giáo dục khẳng định.
Bên cạnh đó, vị này phân tích khi được tổ chức thi tuyển, đầu vào sẽ sát với mục tiêu đào tạo của các trường chất lượng cao. Những học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp quốc gia chắc chắn vẫn đỗ. Những trường hợp khác thi đỗ thì kết quả sát hơn, phản ánh đúng năng lực của học sinh hơn.
“Quan điểm của tôi thi vẫn là tốt. Xét tuyển không đảm bảo đành phải dựa vào kết quả các cuộc thi khác là điều bất hợp lý. Nhưng có một thực trạng khiến các trường chất lượng cao ở các huyện đều lo lắng là học sinh không mặn mà học ở các trường này nữa. Trước kia, học sinh giỏi đến các trường này học mục tiêu là vào trường chuyên của tỉnh.
Nhưng hiện nay, các trường THPT ở các huyện khá đồng đều chất lượng, học sinh chỉ cần học đều là đỗ ĐH nên mục tiêu vào Lê Hồng Phong không còn như trước. Bỏ thi, chất lượng xét học bạ không ổn. Nhưng cái dở là tuyển thẳng cũng không có học sinh học.Thời gian tới, chúng tôi cần xác định lại hướng đào tạo của các trường THCS chất lượng cao” - lãnh đạo phòng phân tích.
Nếu không thi, trường Hà Nội - Amsterdam sẽ thế nào?
Trong khi đó, phân tích về mặt được và không được của việc cấm thi vào lớp 6, nhất là đối với những trường như Hà Nội - Amsterdam hay Trần Đại Nghĩa của TPHCM, nguyên hiệu trưởng một trường THCS của Hà Nội cho rằng có nhiều hệ lụy từ việc này. Thứ nhất, để có mũi nhọn đối với bậc THPT thì phải có nguồn từ cấp THCS. Muốn có chất lượng mũi nhọn, không phải chỉ đào tạo ngày một ngày hai mà phải có quá trình.
Thứ hai, việc cấm thi, tuyển sinh bằng xét tuyển trường không có được đầu vào theo ý muốn. Đó còn chưa kể phải dùng đến các tiêu chí phụ là các giải thưởng nọ kia. Vị nguyên hiệu trưởng này lấy ví dụ về “số phận” của trường THCS chuyên Nam Từ Liêm trước kia và giờ là trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy), để thấy “lộ trình” tương lai của cấp THCS trường chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Theo đó, khi còn là trường chuyên, trường THCS Lê Quý Đôn được phép thi tuyển, đến khi bỏ chuyên cấp THCS trường chuyển thành trường chất lượng cao, nhưng vẫn được phép thi tuyển nên chất lượng học sinh của trường vẫn đảm bảo. Thế nhưng sau đó, trường không thi tuyển mà xét tuyển, chất lượng đào tạo của trường trở thành đại trà, danh tiếng một thời mất dần trong mắt phụ huynh.
“Nếu bỏ thi, cứ xét tuyển, chất lượng của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng sẽ dần dần mai một, không còn vị trí như ngày hôm nay. Nếu như thế, sẽ không còn nơi tạo nguồn mũi nhọn cho hệ THPT và ảnh hưởng đến cả chất lượng nguồn nhân lực cao cho đất nước sau này” – vị nguyên hiệu trưởng phân tích.
Chính vì vậy, đề xuất mà vị này đưa ra là cho phép những trường như Hà Nội - Amsterdam được thi tuyển vào lớp 6 và phải được đầu tư bài bản. Cả thành phố không cần nhiều trường THPT chuyên như hiện nay, chỉ cần một trường là đủ và phải đầu tư cho hệ THCS thật tốt, có mũi nhọn sau này.
“Nhiều người nghĩ đầu tư mũi nhọn là đầu tư theo kiểu gà nòi, chỉ có mục đích đi thi thố giải nọ giải kia, quốc gia, quốc tế. Tôi không nghĩ như vậy. Đầu tư mũi nhọn là đầu tư để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Để các em có đủ trình độ, đủ khả năng lĩnh hội những tri thức mới, hiện đại của thế giới, phục vụ cho nhu cầu phát triển của đất nước” – vị nguyên hiệu trưởng cho hay.
Mới đây, trong một buổi chia sẻ với phụ huynh về việc học tiếng Anh như thế nào, cựu sinh viên trường ĐH Stanford, Nguyễn Chí Hiếu (từng lọt top 100 sinh viên có ảnh hưởng nhất thế giới) cho biết ngay tại Mỹ, họ cũng có hệ thống để đào tạo ra những người sẽ đỗ vào ĐH Harvard.
“Nếu được quay trở lại thi tuyển, chúng tôi sẽ chọn cách thi tuyển. Nhưng hiện nay không phản đối được đành nghiêm chỉnh chấp hành. Thi tuyển thì công bằng hơn. Người đỗ thì vui, người không đỗ cũng tâm phục khẩu phục”. - Thầy Nguyễn Xuân Khang, trường Marie Curie, Hà Nội
Theo Tiền Phong
TAG: