Giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt năm 2023: Lan tỏa các giá trị sống tích cực đến cộng đồng, xã hội
(LĐXH)- Qua Chương trình Giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2023, với chủ đề “Mỗi tấm gương là một bông hoa đẹp”, do Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức ngày 22/12/2023, tại Hà Nội, Ban tổ chức mong muốn lan tỏa các giá trị sống tích cực, nhân văn đến với cộng đồng, xã hội; từ đó tạo khí thế thi đua sôi nổi và rộng khắp, tạo động lực và quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội.
Buổi giao lưu có sự tham gia chia sẻ của 07 khách mời, là những tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở''; “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; Chuyển đổi số; “Thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời”….
Tiêu biểu trong số đó là anh Nguyễn Minh Kiều (sinh năm 1984), Công ty dịch vụ thương mại và sản xuất Song Ân, TP Hồ Chí Minh, là người dành nhiều tâm huyết để phát triển các dự án về công nghệ thông tin, cụ thể là xây dựng các phần mềm cho ngành Y tế, trong đó nổi bật là sản phẩm Hệ sinh thái phần mềm quản lý bệnh viện Ehis – Đạt giải 3 Cuộc thi y tế thông minh 2018, giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2019. Hiện hệ thống sản phẩm phần mềm của Song Ân đã và đang được tin dùng ở hơn 50 bệnh viện, hơn 1000 phòng khám và trạm y tế xã, phường, 1500 nhà thuốc và 2 viện dưỡng lão trải dài trên khắp cả nước, từ Bắc tới Nam, hỗ trợ tối ưu công tác khám chữa bệnh.
Đó là anh Lại Văn Hiệp (sinh năm 1988), là thanh niên trẻ, dám nghĩ, dám làm, tiên phong trong nghiên cứu, khởi nghiệp sản xuất và xuất khẩu than trắng cao cấp theo công nghệ Nhật Bản, mang thương hiệu KyoBin. Thế mạnh trong sản xuất than của công ty là sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC là cây bạch đàn thuộc nhóm ngành năng lượng tái tạo bền vững thân thiện với môi trường góp phần giảm phát thải khí CO2. Anh là người thành lập doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất (Công ty TNHH thương mại Nguồn lực Biển Đông) thuộc lĩnh vực than củi Việt Nam được Hiệp hội doanh nghiệp than củi Nhật Bản tín nhiệm về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Hiện doanh nghiệp có quy mô 100 lao động, với mức lương trung bình công nhân nam 10,5 triệu/tháng, công nhân nữ 7 triệu/tháng; sản xuất và tiêu thụ khoảng 2000 tấn than trắng, 1300 tấn than đen sang nhiều thị trường nước ngoài: Nhật, Mỹ, Malaysia và Úc mỗi năm.
Đó là nhà giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, hơn 22 năm giảng dạy bộ môn hóa học tại trường THCS Quang Trung, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo về nội dung và phương pháp dạy học, góp phần bồi dưỡng niềm đam mê, yêu thích bộ môn hóa học trong các thế hệ học sinh. Cô đã chắp cánh cho nhiều giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tính riêng từ 2017 đến nay, trong đội tuyển học sinh giỏi hóa cấp thành phố do phòng giáo dục và đào tạo phân công cô giảng dạy cùng với hai thầy cô khác có 70 HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh. Riêng trường THCS Quang Trung có 27 học sinh giỏi hóa cấp tỉnh, 62 hs giỏi hóa cấp thành phố, 1 hs đạt huy chương vàng olympic cấp TP. Cô còn thường xuyên hướng dẫn cho các học trò thực hiện nhiều dự án học tập ý nghĩa, tạo ra những sản phẩm thiết thực, thân thiện với môi trường, được ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày như thỏi son dưỡng môi, hũ kem trộn, túi bột ngâm chân làm từ nguyên liệu hữu cơ….
Đó là nông dân thời kỳ 4.0 Phạm Xuân Thủy, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Là tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi với quy mô lớn. Trên diện tích 5ha, anh xây dựng mô hình trang trại thiết kế theo quy trình khép kín với hệ thống làm lạnh bên trong mỗi chuồng nuôi. Cùng với đó, anh Thuỷ đã đầu tư hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn… Mọi hoạt động kiểm tra, giám sát khu vực chăn nuôi được anh Thuỷ thực hiện qua hệ thống camera và có hệ thống sổ sách theo dõi quản lý hằng ngày. Trang trại bao gồm 11 trại chuồng nuôi gà, 2 trại lợn khép kín, quy mô chăn nuôi khoảng 160.000 con gà thịt, 1.000 con lợn/lứa. Từ chăn nuôi gà, nuôi lợn thịt, gia đình anh có thu nhập ổn định 1,7 tỷ đến 2 tỷ đồng mỗi năm. Trang trại đã tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 25 lao động tại địa phương với mức thu nhập hàng tháng bình quân từ 7 triệu đến 10 triệu đồng/người.
Đó là chị Bùi Thị Lan Phương, gần 1 thập kỷ, với vai trò là “thủ lĩnh” phong trào chữ thập đỏ quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, luôn tìm đến sẻ chia, giúp đỡ nhiều số phận thiệt thòi, những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2021, chị Phương cùng các cán bộ hội viên trong Hội đã vận động nguồn lực, tổ chức cứu trợ cho 52.020 trường hợp, trị giá hơn 42,6 tỷ đồng; tặng bò, xe đạp, xây và sửa nhà chữ thập đỏ, điểm trường, tặng máy vi tính, ủng hộ lũ lụt, ủng hộ Quỹ vì Trường Sa thân yêu trị giá trị giá rên 13 tỷ đồng. Tổng giá trị công tác Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy giai đoạn 2016-2021 đạt hơn 88 tỷ đồng, tăng 252 % so với nhiệm kỳ trước. 5 năm liên tiếp (2017-2022), đã vận động được trên 21.000 đơn vị máu, góp phần cứu sống hàng triệu người bệnh cần máu trên cả nước. Riêng bản thân chị Phương, đến nay đã có 27 lần hiến máu nhân đạo. Trong hai năm 2019 -2021, chị Phương cùng các hội viên đã vận động, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt giá trị 2,4 tỷ đồng…Dưới sự dẫn dắt của chị, nhiều năm liền, Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy nhiều năm là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của thành phố Hà Nội; được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của ủy ban nhân dân và Hội Chữ thập đỏ Thành phố. Năm 2021, Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2020, chị Phương vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được tôn vinh là Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng.
Đó còn là những con người tâm huyết với các hoạt động truyền cảm hứng sống đẹp đến cộng đồng, xã hội: Nguyễn Tiến Huy, Đặng Đình Mạnh (Nhóm tình nguyện Hà Nội xanh). Tiến Huy là người khởi xướng Nhóm Hà Nội Xanh ( thành lập: 22/11/2022) với mục tiêu tham gia công tác làm sạch môi trường, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống. Từ con số 3 tình nguyện viên ban đầu, Nhóm Hà Nội Xanh do tiến Huy khởi xướng đã tăng lên 400 TNV và con số đang ngày càng tăng lên. Nhóm đã tham gia dọn dẹp đc gần 200 buổi hoạt động, trung bình tình nguyện viên tham gia mỗi buổi từ 15-80 người. Làm sạch được hơn 100 điểm đen tại khu vực thành phố Hà Nội ( sông Tô lịch, sông Tích, sông Nhuệ, kênh La khê, KĐT Linh đàm, Định công..v.v. Thu gom được hàng trăm tấn rác thải từ các dòng sông, địa bàn trên để đưa về nơi xử lý rác của thành phố.
Anh Đặng Đình Mạnh là mạnh thường quân thầm lặng, luôn đứng sau để cổ vũ, động viên và ủng hộ vật chất lẫn tinh thần cho nhóm Hà Nội xanh duy trì thực hiện những công việc có ích cho cộng đồng xã hội. Bằng những suất cơm quê, suất cháo cá, bún chả cá giàu dinh dưỡng do chính tay mình tự nấu, anh Mạnh không chỉ hỗ trợ, tiếp sức cho các bạn trẻ Hà Nội xanh suốt nhiều tháng nay mà đang góp phần nhân lên những điều tốt đẹp trong cộng đồng xã hội. Năm 2020, trong những ngày cả nước căng mình chống dịch Covid-19, anh cũng đã tự bỏ kinh phí, vào bếp nấu hàng ngàn suất ăn ngon, mang đến tiếp sức cho các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Rồi thi thoảng anh lại thức đêm nấu cơm, mang đến trao tận tay những người vô gia cư, lang thang ở Hà Nội. Trong hệ thống nhà hàng Mạnh Cá lăng do anh làm chủ, anh còn nhận đào tạo, bố trí công ăn việc làm cho gần 100 hoàn cảnh éo le khác….
Giao lưu là diễn đàn để những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực và những người làm thi đua, khen thưởng, các cơ quan truyền thông có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối với nhau; qua đó góp phần lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, lan tỏa các giá trị sống tích cực, nhân văn đến với cộng đồng xã hội./.
Thảo Lan