Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Giáo dục trẻ em: Mềm mỏng hay cứng rắn
02:57 PM 01/11/2021
LĐXH- Hai xu hướng giáo dục khá đối lập nhau vẫn tồn tại trong các nhà trường, đó là "mềm mỏng" và "cứng rắn". Không ít giáo viên có tâm lý e ngại rằng nếu thân thiện, mềm mỏng với học sinh thì học sinh sẽ "nhờn", sẽ không chấp hành nội quy lớp học, dẫn đến ảnh hưởng tới nề nếp và kỷ luật chung của cả trường.

Vốn được coi là người cha, người mẹ thứ hai của trẻ em, các thầy cô giáo ai cũng yêu quý học trò của mình và cố gắng xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiết với học sinh, để các em cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương trong suốt thời gian ở trường. Hai xu hướng giáo dục khá đối lập nhau vẫn tồn tại trong các nhà trường, đó là "mềm mỏng" và "cứng rắn". Không ít giáo viên có tâm lý e ngại rằng nếu thân thiện, mềm mỏng với học sinh thì học sinh sẽ "nhờn", sẽ không chấp hành nội quy lớp học, dẫn đến ảnh hưởng tới nề nếp và kỷ luật chung của cả trường. Chính vì vậy mà rất nhiều giáo viên hiện nay vẫn quan niệm rằng thầy cô phải "cứng rắn", phải áp dụng kỷ luật “thép” thì mới tạo được “uy” trước học sinh, mới rèn giũa học trò vào nề nếp được.

Mềm mỏng hay cứng rắn, quan điểm giáo dục được các chuyên gia cùng trao đổi với khán giả tại buổi toạ đàm trực tuyến

Trước thực tế đó, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em thực hiện Toạ đàm trực tuyến: “Mềm mỏng hay cứng rắn – Giáo dục tích cực” dành cho thầy, cô giáo. Chương trình nằm trong khuôn khổ chiến dịch Lan toả yêu thương 2021: Giáo dục không bạo lực với sự hỗ trợ tài chính từ Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children).

Là một cô giáo có nhiều năm giảng dạy và đồng hành cùng học sinh, cô giáo Phạm Thị Bích Hồng, Giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ xu hướng giáo dục cô đang áp dụng với học sinh của mình là mềm mỏng, linh hoạt nhưng có nguyên tắc và có kỷ luật. “Việc áp dụng “mềm mỏng” hay “linh hoạt” phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, tình huống, tích cách của mỗi học sinh hay tính chất của sự việc. Tôi luôn cố gắng để các con cảm thấy rằng con luôn có người đồng hành và được yêu thương kể cả khi con bị kỷ luật”.

Việc có nhiều phụ huynh yêu cầu giáo viên "phạt nặng” đối với con mình, thực chất cũng là muốn con tốt lên. Tuy nhiên, các giáo viên hãy sử dụng những phương pháp, kĩ năng, kiến thức của mình để phối hợp với gia đình uốn nắn trẻ, áp dụng phương pháp kỉ luật tích cực. Việc nghiêm khắc, cứng rắn khi áp dụng với trẻ nhỏ sẽ khiến trẻ sợ và nghe lời, tuy nhiên sẽ không còn phù hợp với trẻ lớn hơn, khi đó trẻ dễ làm theo kiểu đối phó. Hầu hết các em mong muốn được khuyên nhủ, mềm mỏng, được lắng nghe và tôn trọng. Nếu giáo viên có suy nghĩ, tư duy tích cực thì sẽ tìm ra những phương pháp giáo dục tích cực với học sinh”.

Phó Giám đốc VIGEF Đặng Tự Ân

Theo ông Đặng Tự Ân, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF), trường học hạnh phúc không phải khái niệm phức tạp, đó đơn giản là nơi mà mọi người ở đó, bao gồm cả học sinh, giáo viên, nhân viên của nhà trường và phụ huynh đều hạnh phúc. Vai trò của hiệu trưởng, giáo viên rất quan trọng, bản thân họ phải hạnh phúc thì mới có thể lan toả sự hạnh phúc tới học sinh. Ông Ân cũng đề cập đến các tiêu chí của trường học hạnh phúc, tập trung vào 3 chữ P: “Chữ P thứ nhất là People - Con người: mỗi cá nhân trong trường phải được đối xử trên tinh thần tôn trọng, bao dung. Chữ P thứ hai là Process - quá trình: quá trình học và dạy học hay các hoạt động trong trường học phải là một quá trình hạnh phúc. Thứ ba là Place - địa điểm: trường học phải là nơi an toàn, vui vẻ, là nơi mà mọi người đều muốn đến. Tuy nhiên, những tiêu chí này chỉ mang tính định hướng để các nhà trường tham khảo, chứ không phải là rập khuôn. Mô hình trường hạnh phúc là mô hình đổi mới giáo dục rất đặc biệt bởi nó mang tính định tính, vì vậy, khi triển khai xây dựng mô hình, phải tuỳ vào đặc điểm của từng địa phương, từng nhà trường”.

Cô Bích Hồng bổ sung thêm: “Để một đứa trẻ hạnh phúc, cần một hệ thống thống nhất, từ hiệu trưởng đến thầy cô rồi đến học sinh. Trong những lúc chúng tôi giảng dạy, cũng có lúc các em mắc lỗi. Do vậy ngay từ đầu năm học, thầy trò chúng tôi đã cùng thảo luận để các em thống nhất về những mục tiêu, biện pháp thưởng  - phạt và sau đó cùng thực hiện theo thoả thuận. Và tôi cũng có 1 nguyên tắc là “Khen công khai - Phạt cá nhân”. Những lúc nói chuyện riêng với các em phạm lỗi, tôi cùng các em chia sẻ nguyên nhân vì sao các em mắc lỗi và thoả thuận rằng với những lỗi này, cô có thể xử lý không, xử lý như thế nào, và cùng trao đổi với các em để tìm ra biện pháp khắc phục”.

Các diễn giả cũng bày tỏ sự đồng tình với những quy định mới về biện pháp khen thưởng và xử lý kỷ luật học sinh trong Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó, các hình thức kỷ luật: phê bình trước lớp, trước trường; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn không còn trong trường phổ thông nữa, thay vào đó là các biện pháp nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Tuy vậy, Ths. Đỗ Thị Trang cũng lưu ý rằng trong quá trình áp dụng các biện pháp mới này cũng cần có những cách thức áp dụng phù hợp, không máy móc, rập khuôn và cũng cần tránh các rủi ro có thể đem lại từ việc áp dụng các biện pháp giáo dục này. Mỗi giáo viên nên coi việc áp dụng kỷ luật tích cực là một “lối sống” tích cực, chứ không phải là việc bắt buộc phải làm, theo quy định của ngành giáo dục hay của nhà trường.

Chuyên gia tâm lý Đỗ Thị Trang cho rằng việc áp dụng kỷ luật tích cực nên là một lối sống tích cực hơn mang tính bắt buộc

Khép lại chương trình, bà Nguyễn Hải Anh, Chuyên gia về Quyền Trẻ em, Quản lý Dự án, Viện MSD chia sẻ: “Ngay cả trong trường học hạnh phúc thì vẫn sẽ có những lúc học sinh có những cư xử không đúng mực, vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường. Khi bị xử lý kỷ luật, đương nhiên các con không thể nào vui vẻ được, nhưng các con vẫn sẽ cảm thấy mình hạnh phúc nếu được thầy cô tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ và sẵn sàng hỗ trợ. Mỗi người có một cảm nhận khác nhau về hạnh phúc, mỗi Nhà trường cũng sẽ có một bộ tiêu chí riêng để đánh giá mức độ hanh phúc của riêng trường mình. Và khi xây dựng bộ tiêu chí đó, Nhà trường nên tham vấn với các con học sinh, để các con tự đề xuất và cùng thảo luận xây dựng nên các tiêu chí đó.”

Nguyễn Đăng Doanh

TAG:
Tin khác
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa