Doanh nghiệp
Trang chủ / Kinh tế / Doanh nghiệp
Giảm pháp nào giúp hoá giải các lo ngại trong việc phát triển công trình xanh?
12:40 PM 18/10/2023
(LĐXH)- Sáng ngày 18/10, tại Hà Nội, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp cùng Công ty TNHH Edeec, Doanh nghiệp xã hội Công trình bền vững Việt Nam và Sen Vàng Group tổ chức Hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng”.
Công trình xanh Việt Nam - năm sau tăng cao hơn năm trước
Sáng ngày 18/10, tại Hà Nội, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) phối hợp cùng Công ty TNHH Edeec, Doanh nghiệp xã hội Công trình bền vững Việt Nam và Sen Vàng Group tổ chức Hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng”.
Phát biểu tại sự kiện, PGS. TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cho biết, trong những năm gần đây, các cơ chế, chính sách về công trình xanh đã được ban hành khá đầy đủ. Gần đây nhất, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về tiết kiệm hiệu quả năng lượng toà nhà… Chính vì vậy, số lượng công trình xanh tại Việt Nam qua mỗi năm đã ghi nhận chiều hướng tăng. Cụ thể, năm 2022, Việt Nam có khoảng hơn 200 công trình xanh, sang năm 2023, Việt Nam ghi nhận hơn 300 công trình xanh.
“Như vậy, công trình xanh năm sau đã cao hơn năm trước. Điều này cho thấy các cơ chế, chính sách trong việc khuyến khích phát triển công trình xanh đã bước đầu đạt được kết quả tích cực”,  PGS. TS Lê Trung Thành nhận định.
Tuy nhiên, đánh giá thẳng thắn thực tế phát triển công trình xanh Việt Nam hiện nay,  PGS. TS Lê Trung Thành cho rằng, vẫn còn không ít doanh nghiệp phân vân việc đầu tư phát triển các công trình xanh do lo ngại về chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn và thiếu nguồn nhân lực am hiểu để phát triển. Vì vậy, để công trình xanh tại Việt Nam được đẩy mạnh về số lượng, cũng như đảm bảo về chất lượng, việc tìm ra các giải pháp khắc phục các lo ngại trên là rất quan trọng. 
Đồng quan điểm, ông Trần Thành Vũ, Giám đốc  Công ty TNHH Edeec cũng nhận định, chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng luôn luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường. Điều này cho thấy, chi phí đầu tư đang là một trong những yếu tố gây cản trở đến việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam hiện nay.
Theo logic thông thường từ nhiều năm nay, chi phí đầu tư cho các dạng công trình này sẽ phải tăng lên và phần tăng này sẽ được bù đắp trong quá trình vận hành. Song đây là cách hiểu có phần rập khuôn từ các nước phát triển.
“Tôi cho rằng, việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không thực sự làm tăng chi phí đầu tư nếu các Chủ đầu tư biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, lựa chọn phương án tài chính hợp lý và đặc biệt là biết sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách, tiến tới thực hiện Net Zero Energy”, ông Trần Thành Vũ bày tỏ.
 
Quang cảnh Hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng”. 
Giảm pháp nào giúp hoá giải các lo ngại trong việc phát triển công trình xanh?
Đưa ra giải pháp tổng thể trong việc hoá giải các lo ngại về phát triển công trình xanh tại Việt Nam, các chuyên gia tại Hội thảo đều cho rằng, Chủ đầu tư nên nắm rõ việc sử dụng các vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng cùng với đó là hướng tới thực hiện Net Zero Energy nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, chi phí vận hành.
Cụ thể, nói về vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, ông Tạ Đắc Quý, chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng chia sẻ, tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động trong những năm gần đây khiến nhiều ngành nghề đang có xu hướng tìm đến sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, trong đó có ngành vật liệu xây dựng. Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng vật liệu cách nhiệt – vật liệu xanh đang ngày càng được quan tâm và sử dụng rộng rãi vì những lợi ích mà vật liệu này mang lại.
Theo đó, có 05 lợi ích rõ rệt từ việc sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng, bao gồm: Một là, trang bị vật liệu cách nhiệt để không gian trở nên mát mẻ, thoáng đãng là điều hết sức cần thiết giúp duy trì sức khỏe tốt và tâm lý thoải mái;
Hai là, việc trang bị vật liệu cách nhiệt giúp ngăn cản tác động của tia UV vào trong không gian của công trình xây dựng giúp bảo vệ da cũng như sức khỏe con người;
Ba là, vật liệu cách nhiệt có tác dụng ngăn cản tối đa nhiệt lượng ảnh hưởng vào trong nhà từ đó giúp tiết kiệm 20 - 30% điện năng tiêu thụ mỗi tháng từ các thiết bị làm mát như quạt máy, điều hòa;
Bốn là, ngoài khả năng chống nóng tốt, các loại vật liệu cách nhiệt hiện nay khá đa dạng mẫu mã giúp giữ được tính thẩm mỹ của công trình, phù hợp với nhiều vị trí khác nhau trong công trình xây dựng;
Cuối cùng, Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều, dễ gây thấm nước, ẩm mốc tường nhà. Vật liệu cách nhiệt đảm bảo được các yếu tố không hút nước hoặc cản nước nên giữ được sự bền đẹp cho công trình xây dựng. Đồng thời, vật liệu này có tuổi thọ cao và có thể tái chế, không phát thải các khí độc hại ra môi trường.
“Với những lợi ít nói trên, có thể thấy, việc sử dụng các vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng là yêu cầu cần thiết trong phát triển các công trình xanh. Điều này sẽ giúp chất lượng các công trình xanh đảm bảo, đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng và đặc biệt là tiết kiệm được chi phí đầu tư, vận hành”, ông Quý nhìn nhận.
Là một doanh nghiệp tiên phong trong việc phát triển các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng, chia sẻ tại sự kiện, ông Trần Quốc Khánh, đại diện Công ty Kính nổi Viglacera cho biết, nắm bắt xu hướng phát triển công trình xanh trong giai đoạn gần đây, Viglacera đã quyết tâm nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ xanh, kính tiết kiệm năng lượng để phục vụ các công trình xanh hiện đại.
Cụ thể, từ năm 2016, Công ty Kính nổi Viglacera đã đầu tư dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng công suất 2,3 triệu m2/năm với hai dòng sản phẩm chính là kính Low-E và kính Solar Control. Đây là những sản phẩm kính cách nhiệt, cản nhiệt cao cấp, áp dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay của Tập đoàn Von Ardenne Gmbh (Cộng hòa liên bang Đức).
Với khả năng kiểm soát tốt năng lượng từ bức xạ mặt trời truyền vào nhà, qua đó góp phần tiết kiệm năng lượng tiêu thụ của hệ thống điều hòa không khí lên đến 69%. Ngoài ra, kính còn có khả năng ngăn đến 99% tia UV, tạo ra không gian sống thoải mái và bảo vệ sức khỏe người sử dụng.
Như vậy, khi sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng nói chung và kính tiết kiệm năng lượng nói riêng, các công trình sẽ tiết kiệm được lượng lớn các năng lượng tiêu thụ. Điều này cũng có nghĩa, chi phí đầu tư và chi phí vận hành sẽ giảm đi đáng kể. Khi đó, lo ngại về chi phí tăng cao trong việc phát triển công trình xanh sẽ được hoá giải.
 
Chia sẻ về giải pháp thực hiện Net Zero Energy, ông Trần Thành Vũ cho biết, Net Zero Energy được hiểu là cân bằng giữa năng lượng tiêu thụ và năng lượng tái tạo.
Do đó, để hướng đến Net Zero Energy hiệu quả, cần nhìn nhận kỹ hơn tầm quan trọng của kỹ sư thiết kế công trình, thay vì giao phó toàn bộ công trình cho kiến trúc sư - dễ chấp nhận hy sinh hiệu quả cho vẻ đẹp nghệ thuật.
Đưa ra những giải pháp cụ thể giúp Chủ đầu tư phát triển hiệu quả các công trình xanh, bà Lê Phương Anh, Giám đốc chương trình Sustainable Building Vietnam (SBVN) - Công trình bền vững Việt Nam đề xuất, các Chủ đầu tư nên lắp kính low-e với thông số SHGC cụ thể cho toàn bộ công trình. Cùng với đó, nếu Chủ đầu tư các dự án không sử dụng tường bê – tông kết hợp với tối ưu hệ thống HVAC, dự án sẽ tiết kiệm được gần 4 tỷ đồng tiền điện/năm.
Chia sẻ thêm, bà Lê Phương Anh cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2025, SBVN sẽ hỗ trợ miễn phí kỹ thuật cho 01 dự án, để dự án đó có thể trở thành Toà nhà cân bằng năng lượng (Zero Energy Building) đầu tiên tại Việt Nam.
Ở góc độ là doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu công trình xanh, bà Nguyễn Bích Ngọc – Giám đốc Sen Vàng Group cho rằng, chỉ có cây xanh thì không phải là công trình xanh mà công trình xanh là phải xanh từ vật liệu, xanh từ không gian sống, xanh từ năng lượng, vận hành…. Vì vậy, cần phân biệt rõ chứng chỉ xanh và công trình xanh. Bởi chứng chỉ xanh không phải là tất cả.
Theo bà Ngọc, thông thường các công trình xanh hiện nay chỉ góp mặt ở khâu thiết kế. Tuy nhiên, để là một công trình xanh đúng nghĩa, Chủ đầu tư cần xây dựng chiến lược xanh bền vững, thể hiện rõ từ khâu đầu cho đến khâu cuối trong quy trình phát triển dự án của mình.
Cụ thể là từ khâu tìm kiếm đất, phát triển sản phẩm, triển khai sản xuất, triển khai bán hàng, vận hành quản lý sau bán hàng cho đến khâu cuối cùng là quản lý sản phẩm khi đi vào sử dụng./.
Thảo Lan
 

 

 

 

TAG: Viện Vật liệu xây dựng Hội thảo Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh công trình hiệu quả năng lượng
Tin khác
Nhiều đường bay khởi hành từ TP HCM dịp Tết đã kín chỗ
Nhà sản xuất ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’: Không tác động giá cổ phiếu
Quy mô thương mại điện tử Việt Nam vượt 25 tỷ USD
Vinamilk: “LOGO HALAL” trên hộp sữa là lời cam kết với người tiêu dùng
Từ 1/1/2025 app ngân hàng không nhớ mật khẩu, khách phải làm gì?
Lý do MacBook Pro M3 vẫn là mẫu laptop đáng mua nhất
Tư nhân làm hạ tầng giao thông: Thần tốc – chất lượng – tối ưu hiệu quả
Nhà sản xuất ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’ phải giải trình về cổ phiếu
Những tuyến phố đắt nhất Hà Nội, có nơi gần 700 triệu đồng/m2