Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số: Thành tựu và thách thức Kỳ 2: Vẫn là “rốn nghèo” của cả nước
(LĐXH) Mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn, song nhìn chung kết quả giảm ở nước ta thời gian qua chưa thực sự bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao, phạm vi, giới hạn hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng thu hẹp, tập trung chủ yếu ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Điều đó cho thấy khu vực này vẫn là “rốn nghèo” của cả nước và công tác giảm nghèo ở nơi đây ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn.
Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chất lượng chưa cao
Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ hộ DTTS tái nghèo, phát sinh nghèo, hộ cận nghèo cao. Số liệu tổng hợp diễn biến hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2019 cho thấy: Số hộ tái nghèo trên phạm vi cả nước bằng khoảng hơn 5% số hộ thoát nghèo, riêng vùng Miền núi Tây Bắc có tỷ lệ tái nghèo hơn 24%. Số hộ nghèo mới phát sinh trên phạm vi cả nước bằng hơn 20% số hộ thoát nghèo; trong đó tập trung vào các vùng DTTS, MN như: Vùng Miền núi Đông Bắc; Vùng Miền núi Tây Bắc; Tây Nguyên. Một số tỉnh có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao, như Hà Giang hơn 28%; Cao Bằng 25%; Bắc Kạn 55%; Sơn La hơn 50%; Điện Biên 41%; Đắk Nông 44%; Kon Tum 41%.
Tỷ lệ hộ cận nghèo phát sinh cả nước bằng 90% so với tổng số hộ thoát cận nghèo; Vùng Miền núi Đông Bắc hơn 100%; Vùng Miền núi Tây Bắc: 112%; Vùng Bắc Trung Bộ: 84%; Vùng Tây Nguyên: 109%; Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: 118%.
Tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm tỷ lệ lớn so với số hộ nghèo cả nước. Nhiều huyện nghèo 30ª, có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, một số nơi trên 60%, như, Điện Biên có 05 huyện 30ª nhưng 4/5 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 60% (Huyện Mường Nhé: 69,3%; Nậm Pồ: 63%; Điện Biên Đông: 60%; Tủa Chùa: 60,1%). Các dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao là: Xinh Mun: 67%; Khơ Mú: 59%; Mông: 54,5%.
Năm 2018, hộ nghèo DTTS chiếm tỷ lệ 62,5% so với tổng số hộ nghèo của 51 tỉnh vùng DTTS, MN, cao hơn tỷ lệ hộ nghèo DTTS chung cả nước là 6,9%. Nhiều tỉnh vùng Miền núi Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên có tỷ lệ hộ nghèo DTTS rất cao so với tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ hộ DTTS của tỉnh. Chẳng hạn, Hà Giang tỷ lệ hộ DTTS là 85,4%, tỷ lệ hộ nghèo DTTS là 99,4% so với tổng số hộ nghèo của tỉnh. Các tỉnh khác có tỉ lệ tương ứng như sau: Cao Bằng 97,3%; 99%; Sơn La 79,5%; 97,7%; Lai Châu 80%; 99%; Gia Lai 41,6%; 87,3%; Đăk Lăk 35,6%; 64,8%; Kon Tum 52,4%; 93,6%.
Thu nhập bình quân đầu người/năm của hộ nghèo DTTS thấp hơn khá nhiều thu nhập bình quân đầu người cả nước và có sự chênh lệch tương đối lớn giữa các nhóm DTTS. Năm 2020, thu nhập bình quân của cả nước khoảng 3.000 USD, tương đương 67 triệu đồng, thì thu nhập bình quân của đồng bào DTTS chỉ khoảng 18 triệu đồng/người/năm, bằng gần 27% mức bình quân chung của cả nước. Đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, sinh kế không ổn định; hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thiếu. Nhiều chỉ tiêu của các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Chương trình 30a, Chương trình 135 chưa hoàn thành, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Một số mục tiêu lớn như giảm huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn không đạt mục tiêu Chương trình.
Tính đến năm 2019, có 8/64 huyện nghèo 30a (12,5%), được công nhận thoát nghèo; 14/30 huyện nghèo hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Tuy nhiên giai đoạn này lại phát sinh bổ sung 13 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a. Như vậy, hiện nay cả nước còn 56 huyện nghèo 30a và 29 huyện được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a.
Có 104 thôn/20.243 thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đạt tỷ lệ rất thấp (0,51%). Nếu so với tổng số thôn đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 – 2020 theo quyết định của Ủy ban Dân tộc cũng chỉ đạt 2,6%.
Qua số liệu báo cáo của Chính phủ cho thấy trong giai đoạn 2016 – 2018, số hộ nghèo về thu nhập cả nước vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hộ nghèo (năm 2018 còn hơn 1,16 triệu hộ, chiếm tỷ lệ hơn 89%); Số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều là hơn 136,6 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 10,68%. Tuy nhiên, các số liệu thống kê chưa tách được số liệu của hộ nghèo DTTS về thu nhập và hộ nghèo thiếu hụt đa chiều do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa có hướng dẫn địa phương thống kê số liệu này.
Ở hầu hết các địa phương, các chỉ số mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo DTTS qua các năm giảm chậm. Một số chỉ số thiếu hụt còn ở mức cao, chưa được giải quyết cơ bản, nhất là các chỉ số thiếu hụt về chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh; nguồn nước sinh hoạt. Nhà ở của các hộ DTTS có diện tích nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản của người dân, trong đó phần lớn là nhà bán kiên cố, làm bằng tre gỗ và vật liệu tại địa phương, số ít là nhà xây, lợp tôn, Fibro. Các công trình phụ: chuồng trại, chỗ chứa nước sinh hoạt… chủ yếu là làm tạm bợ. Thêm vào đó, các địa phương khi bố trí các khu dân cư nông thôn chưa thực sự quan tâm đến việc quy hoạch đồng bộ giữa các hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, nước sinh hoạt, rãnh thoát nước thải…) gắn với việc hướng dẫn các hộ dân bố trí, sắp xếp làm nhà, công trình phụ phù hợp với điều kiện địa hình, đất đai của địa phương.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống như: Miền núi Đông Bắc; Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, các chỉ số thiếu hụt ở mức cao hơn so với tỷ lệ chung cả nước, trong đó: Cả 4 vùng đều có tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt ở mức cao thuộc hai chỉ số: Hố xí hợp vệ sinh, Chỉ số thiếu hụt về tài sản tiếp cận thông tin.
Ngoài các chỉ số thiếu hụt cao, chung cho cả 4 vùng, mỗi vùng lại có chỉ số thiếu hụt cao mang tính đặc trưng, như: Vùng Miền núi Tây Bắc nhiều hộ thiếu hụt 3 chỉ số là: Về trình độ giáo dục cho người lớn; Chất lượng nhà ở; Diện tích nhà ở. Vùng Tây Nguyên (ngoài chỉ số thiếu hụt như bốn vùng và vùng Miền núi Tây Bắc lại nổi lên ở hai chỉ số thiếu hụt là tình trạng đi học của trẻ em và nguồn nước sinh hoạt. Riêng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nổi bật là chỉ số thiếu hụt về Bảo hiểm y tế ở mức rất cao (chiếm hơn 76% hộ nghèo của vùng) và cao hơn gấp 2,7 lần so với tỷ lệ chung cả nước (28,2%).
Một số vấn đề bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết triệt để
Một số vấn đề bức xúc của đồng bào DTTS, MN chi phối và ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững chậm được giải quyết, hiệu quả chưa cao,cụ thể như: Tỷ lệ hộ DTTS được giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất còn rất thấp; tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm, người dân chưa thể sống được bằng nghề rừng.
Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo còn nhiều hạn chế, sau nhiều năm chưa được giải quyết triệt để. Theo thống kê, có 156 dự án ổn định dân cư, tái định cư tập trung và 80 điểm ổn định dân cư, tái định cư xen ghép đang thực hiện dở dang và chưa được triển khai. Còn 24.500 hộ DTTS di cư tự phát chưa được sắp xếp, bố trí ổn định dân cư; hơn 58,1 nghìn hộ thiếu đất ở; 303,5 nghìn hộ thiếu đất sản xuất; 96,2 nghìn hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất; 313,2 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt.
Bên cạnh đó, các dự án tái định cư cho người dân ở khu vực nhà máy thủy điện ở một số nơi chưa được thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước và thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu “Nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ”. Có nơi, có chỗ chính quyền địa phương thực hiện chưa tốt, người dân ở các khu vực này còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện nhà ở, đất sản xuất và cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh.
Tình trạng dân di cư tự do gia tăng ở các tỉnh vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên (đa số là hộ nghèo và cận nghèo), chủ yếu là di cư tự phát, không theo quy hoạch, dẫn đến khó khăn cho các tỉnh trong công tác quản lý, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các hộ dân di cư tự do, do không có đất ở hợp pháp và không có hộ khẩu. Tỉnh Đắc Nông đã lập hơn 20 dự án dân di cư tự do nhưng hiện mới hoàn thành 04 dự án, còn lại chưa thực hiện được vì không có kinh phí; có trên 50 ngàn khẩu trong tình trạng không nhập được hộ khẩu, vì không có đất ở hợp pháp.
Tựu chung lại, vùng DTTS, MN hiện nay có “năm khó khăn nhất”, đó là: Có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Thực tế cuộc sống của đồng bào DTTS, MN thể hiện qua những con số “biết nói” cộng thêm những “cái nhất” nêu trên đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, MN trong thời gian tới.
Thảo Lan
TAG: