Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản
(LĐXH) - Với tỷ lệ hộ nghèo hiện khoảng 2,23%, hộ cận nghèo là 3,11%..., nhằm duy trì và tiếp tục giảm hộ nghèo trong thời gian tới, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này cho rằng: “Cần xây dựng những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cũng như giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình kinh tế giúp người nghèo, vùng nghèo phát triển nhanh và bền vững...”
Đa dạng sinh kế và mô hình giảm nghèo mới
Với một số nguyên tắc chung là phát triển sinh kế, tạo thu nhập của các Chương trình MTQG bảo đám tính bổ trợ lẫn nhau theo chuỗi giá trị, tránh chồng chéo/trùng. Tạo cơ chế mở để chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội và người dân tham gia các hoạt động, dự án đa dạng sinh kế, mô hình giảm nghèo. Tạo mạng lưới để các bên liên quan gặp gỡ, kết nối, hỗ trợ lẫn nhau và cùng phát triển. Có tiêu chí lựa chọn hỗ trợ những hộ, cộng đồng nghèo có cam kết vượt khó, vươn lên thoát nghèo; có sự bảo đảm và đồng hành của chính quyền xã, theo dõi giám sát của thôn/bản. Có hợp phần hỗ trợ kỹ thuật đồng hành cùng các mô hình/giải pháp sáng tạo để bảo đảm tính hiệu quả, bền vững và nhân rộng của mô hình/dự án…
Cụ thể trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ xây dựng chương trình theo tính “mở” chứ không nên “đóng khung” trong một số ít hoạt động; có cơ chế huy động hỗ trợ kỹ thuật; tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội…;
Cần có cơ chế huy động hỗ trợ kỹ thuật theo chuối giá trị, nhu cầu thị trường; Huy động các chuyên gia, tổ chức, đơn vị có năng lực để cung cấp các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong thực hiện dự án đa dạng sinh kế, mô hình giảm nghèo. Đặc biệt việc hỗ trợ kỹ thuật phải kéo dài theo quá trình, không phải chỉ giới hạn ở từng hoạt động riêng lẻ mà là một chuỗi các hoạt động từ tập huấn, hướng dẫn, tìm đầu ra cho sản phẩm… Quá trình này là theo chu kỳ sản xuất, theo yêu cầu phát triển chuỗi giá trị. Bên cạnh đó cần tạo ra chu trình học hỏi tích cực giữa các bên liên quan để kịp thời điều chỉnh/hoàn thiện mô hình/dự án hỗ trợ.
Cần có cơ chế thúc đẩy sự tham gia của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các hiệp hội. Sự tham gia của DN trong các chuỗi giá trị là một điều kiện cơ bản để phát triển; phải có DN đầu tầu tham gia trừ một số chuỗi giá trị với sản phẩm có tính đặc hữu, quy mô nhỏ mà các tổ nhóm hộ có thể phát triển mô hình khép kín từ đầu vào đến đầu ra. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý Chương trình sẽ không hỗ trợ trực tiếp cho các DN; Các mô hình/dự án có thể được thực hiện và nhận hỗ trợ từ Chương trình trong 2-3 năm (thay vì 1 năm một như hiện nay); nội dung và mức hỗ trợ cho nông hộ sản xuất thay đổi theo năm cho phù hợp…
Thúc đẩy tính bao trùm, phải thay đổi nhận thức là “làm giàu” chứ không phải chỉ là “giảm nghèo” trong dự án đa dạng sinh kế, mô hình giảm nghèo. Cho nên dự án cần có sự tham gia của các hộ/người dân biết làm giàu/có thể thu hút hộ nghèo tham gia cùng phát triển. Cơ chế, biện pháp tích cực để đảm bảo sự tham gia của hộ nghèo trong các mô hình/chuối giá trị. Cụ thể là: Quy định % tỷ lệ hộ nghèo tối thiểu; Hỗ trợ kỹ thuật theo quá trình, từng bước thay đổi, thích nghi với các thực hành sản xuất theo yêu cầu trong chuỗi giá trị; Định mức hỗ trợ cao hơn cho hộ nghèo hơn. Có cơ chế hỗ trợ để hộ nghèo/hợp tác xã do phụ nữ quản lý có thể tiếp cận bình đẳng/tham gia vào các mô hình/chuỗi giá trị, cùng khởi nghiệp hay hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp…
Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin, nhất là trong quản lý sản xuất, đảm bảo chất lượng, và kết nối thị trường cho các chuỗi giá trị và mô hình khởi nghiệp. Kết hợp với cơ chế khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phần hỗ trợ trọn gói của Chương trình chỉ hỗ trợ cho các hộ, tổ nhóm hộ trong ứng dụng CNTT.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện dự án đa dạng sinh kế, mô hình giảm nghèo, ngoài việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, thực hiện Chương trình với các nội dung đổi mới nói chung, cần có cấu phần nâng cao năng lực cho đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật thực hiện dự án này, nhất là những nội dung “phi truyền thống” hoặc những phương pháp tiếp cận tiên tiến các hoạt động sinh kế trong vùng nghèo, liên kết vùng cho đội ngũ cán bộ cơ sở/cán bộ hỗ trợ kỹ thuật…
Những mục tiêu chính giai đoạn 2021 – 2025
Mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Cụ thể là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.
Tiếp đó, các kết quả và chi tiêu cần đạt được đến năm 2025, phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi; Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, cụ thể là:
Chiều thiếu hụt về việc làm: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; Tối thiểu 100.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn được hỗ trợ kết nối việc làm thành công; Tối thiểu 9.500 người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đào tạo; trong đó, có khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (ít nhất 80% hộ gia đình có người đi làm việc ở nước ngoài sẽ thoát nghèo). Hỗ trợ khoảng 1.200 người lao động tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các Hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước tiếp nhận.
Chiều thiếu hụt về y tế: 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xuống dưới 34%.
Chiều thiếu hụt về giáo dục, đào tạo: Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%; Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
Chiều thiếu hụt về nhà ở: Tối thiểu 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Chiều thiếu hụt về nước sinh hoạt và vệ sinh: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 60% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Chiều thiếu hụt về thông tin: 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông./.
TS. Lê Hương Giang
Trường Đại học Lao động – Xã hội
TAG: