Giải pháp nào giảm thiệt hại và phòng tránh hiệu quả từ bom mìn
(LĐXH) - Hậu quả của các tai nạn bom mìn thường ảnh hưởng về thể xác, có thể dẫn đến tử vong, gây thương tật suốt đời cho toàn bộ hoặc một phần cơ thể. Khả năng học tập, làm việc và vui chơi của nạn nhân bị suy giảm nghiêm trọng. Trong khí đó, chi phí điều trị và hồi phục rất tốn kém mà nạn nhân khó chủ động về việc làm và thu nhập... Vậy làm gì để giảm thiệt hại và phòng tránh hiệu quả từ bom mìn vẫn là câu hỏi thường trực cần được giải quyết???
Để giảm thiểu những tai nạn do bom mìn gây ra, nhiều tổ chức đã đưa ra những cảnh báo cũng như cách nhận biết đặc điểm của bom mìn, trong đó nhấn mạnh, bom mìn được sản xuất từ nhiều nguyên vật liệu khác nhau, có nhiều hình dạng, kích thước, màu sắc khác nhau. Đặc biệt có thể phát nổ sau nhiều năm, ngay cả khi đã bị hoen gỉ.
Bom mìn vẫn có thể phát nổ nếu bị ném xuống nước, bị chôn vùi dưới nước trong thời gian dài hoặc khi bị va chạm, đè nén, vận chuyển...
Có nhiều hình thức phòng tránh tai nạn bom mìn, mà các tổ chức luôn cảnh báo, trong đó cần tuyệt đối không tắm ở ao trước đây từng là hố bom, tìm kiếm, cất giữ và buôn bán phế liệu từ bom mìn, cắt cỏ, chăn gia súc, nhặt củi hoặc chơi gần các khu vực nguy cơ có bom mìn sót lại. Nếu bạn tìm thấy bom mìn, hãy tránh xa và thông báo cho chính quyền địa phương, tránh không đi vào khu vực từng là các căn cứ quân sự cũ. Hãy tránh xa khu vực có bom mìn. Luôn luôn đi theo con đường đã có sẵn. Tuyệt đối không đến gấn khu vực có biển cảnh báo về bom mìn, khu vực có tìm thấy bom mìn, các dấu hiệu cho thấy đây là vùng chiến sự cũ, khu vực có động vật bị thương hoặc bị chết do vật liệu nghi ngờ là vật liệu nổ.
Để tránh xảy ra những tai nạn, tuyệt đối không tác động trực tiếp vào bom mìn và vật liệu chưa nổ như cưa đục, mở tháo bom mìn, ném vật khác vào bom mìn, vận chuyển bom mìn, không đốt lửa trên vùng đất còn bom mìn, không đi vào khu vực có cảnh báo nguy hiểm. Nếu đã lỡ đi vào thì phải thận trọng đi ra theo lối đã đi vào, hoặc đứng yên la to cho người khác biết để giúp đỡ… Đặc biệt, không chơi đùa ở những nơi có thể còn sót lại bom mìn như hố bom, bụi rậm, căn cứ quân sự cũ. Khi thấy vật lạ nghi là bom mìn phải tránh xa và báo cho người lớn biết. Không đứng xem người khác cưa đục, tháo dỡ bom mìn, phải tránh xa, không tham gia rà tìm và buôn bán phế liệu chiến tranh.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng về thể trạng là không tránh khỏi, ngoài ra tâm lý, tư duy của nạn nhân cũng là điều đáng bàn… Tiếp tục có những giải pháp nhằm giảm thiểu những tai nạn cũng như hỗ trợ nạn nhân bị thương tích do bam mìn còn sót lại vẫn cần các cơ quan hữu quan cùng các tổ chức chính trị - xã hội nghiên cứu đề xuất và triển khai thực hiện...
NHB