An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Giải pháp nào để tạo việc làm cho người cao tuổi?
07:48 AM 06/11/2020
(LĐXH) – Việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho người cao tuổi (NCT), đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid -19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của NCT, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.
Theo số liệu của cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tính đến năm 2019, cả nước có gần 12,22 triệu người cao tuổi, chiếm  khoảng 12,7%  dân số. Trong đó, tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất (chiếm 7,7% năm 2019 với  gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,75% tổng số người cao tuổi).
Nhu cầu làm việc của NCT
Ông Trần Văn Chung (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) về hưu ở tuổi 55. Sau một thời gian ngắn ở nhà nghỉ ngơi, ông xin làm bảo vệ cho một siêu thị gần nhà. Đi làm, được tiếp xúc với nhiều người và có thêm thu nhập nên ông thấy mình như khỏe ra và nhanh nhẹn hơn. Ông Chung cho biết: “Sau một thời gian ở nhà tôi thấy mình trì trệ, không nhanh nhẹn nên quyết định đi làm. Công việc hiện tại của tôi thực tế khá vất vả. Nhưng có đi làm tôi mới thấy cuộc sống có ích hơn. Trí tuệ, năng lực của mình vẫn còn được cống hiến”.
Bà Nguyễn Thị Nhân ở Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội nghỉ hưu đã 5 năm nay, nhưng hiện bà vẫn nhận làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân. Công việc không đòi hỏi bà phải đi làm thường xuyên, khá chủ động trong sắp xếp thời gian, mức thu nhập đi làm thêm cộng với nguồn lương hưu đủ cho bà một cuộc sống khá dư dật. Bà chia sẻ: “Mình có kinh nghiệm, lại còn sức khỏe, nếu ở nhà sẽ rất buồn và lãng phí, nên đi làm thêm vừa vui vẻ, vừa có thêm thu nhập, thêm những mối quan hệ mới. Với công ty, họ không chỉ tận dụng được khả năng, kinh nghiệm của mình, mà không phải lo tham gia đóng các khoản như BHXH, BHYT... Nói chung, đôi bên cùng có lợi”. 
Thực tế, trên thị trường lao động hiện có rất nhiều công việc NCT làm được mà không ảnh hưởng tới người trẻ. Cụ thể, họ có thể đảm nhiệm những công việc như: bảo vệ, tạp vụ, kế toán, biên tập viên… Có tới 7 - 8 triệu NCT khi tham gia thị trường lao động tạo ra kích cầu tốt hơn. Nhất là khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động là NCT rất cần thiết. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong tương lai nhu cầu sử dụng lao động cao tuổi còn có thể cao hơn.
TS Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội phát biểu tại Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với NCT
Tại Diễn đàn Sinh kế và khởi nghiệp đối với NCT do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức mới đây, TS Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cho biết: Chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, vì vậy, những người đến độ tuổi nghỉ hưu vẫn có sức khỏe rất tốt, họ mong muốn được tiếp tục đi làm, vừa để cho tinh thần vui vẻ cũng là có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ NCT không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống. Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 60% người cao tuổi trong độ tuổi 60-69 đang tiếp tục làm việc.
Còn TS. Nguyễn Hải Hữu - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiêp và nghề công tác xã hội Việt Nam cho biết: Kết quả nghiên cứu vào tháng 6-8 năm 2020 tại 3 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy khoảng 40-45% người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, Trong số những người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế có khoảng 3-4% là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động ở khắp vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó, còn hàng vạn NCT tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
NCT gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm
Nhu cầu việc làm của NCT là rất lớn, tuy nhiên, để NCT tìm được việc làm là điều không đơn giản. Phần lớn họ tìm được việc là do mối quan hệ quen biết, người thân giới thiệu chứ hiện chưa có kênh thông tin tuyển dụng cho nhóm lao động này. Trên các website tuyển dụng hiện nay, giới hạn tuổi mà nhà tuyển dụng yêu cầu thường từ 18 - 35 tuổi. Người lao động trong nhóm từ 45 tuổi trở lên có rất ít lựa chọn việc làm, còn nhóm từ 60 tuổi trở lên hầu như không có việc làm cần đến họ qua các kênh tuyển dụng chính thức. Với người lao động từ 50 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu tập trung vào các việc, như: bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già...
Theo thống kê, cứ 10 lao động lớn tuổi tại các đô thị thì có 7 lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Nhưng để tìm được công việc phù hợp lại không phải dễ dàng trong khi các quy định về lao động lớn tuổi ở nước ta vẫn khá hạn chế và thị trường lao động dành riêng cho đối tượng này chưa được hình thành. Theo nghiên cứu của Quỹ dân số LHQ, 80% dân số sau khi nghỉ hưu đều mong muốn tìm thêm việc làm. Nhiều chủ doanh nghiệp cũng mong muốn tìm kiếm những người nghỉ hưu để làm việc cho mình, bởi họ có nhiều kinh nghiệm.
Nhiều người cao tuổi dù nghỉ hưu nhưng họ vẫn có nhu cầu làm việc thậm chí rất nhiệt tình và có trách nhiệm trong công việc.
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, một xu hướng khá phổ biến gần đây trên thị trường lao động là ngày càng nhiều NCT “ở lại” với thị trường lao động. “Những NCT (lao động nam trên 60 tuổi và nữ trên 55 tuổi) có vị trí khá đặc biệt trên thị trường lao động, bởi đây là những người có kinh nghiệm, tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm việc và có các kỹ năng làm việc tốt nhất. Họ cũng là những người có ý thức chấp hành và am hiểu pháp luật tốt hơn. Mặt khác, thỏa thuận giữa người lao động và sử dụng lao động dễ hơn. Qua khảo sát của chúng tôi, những người này ít bị tai nạn lao động hơn”, ông Trung cho biết.
Về vấn đề nay, ông Phạm Văn Ngọc – Phó trưởng Ban thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố Hà Nội cho biết: Chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên, vì vậy, những người đến độ tuổi nghỉ hưu vẫn có sức khỏe rất tốt, họ mong muốn được tiếp tục đi làm, vừa để cho tinh thần vui vẻ cũng là có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ NCT không có lương hưu, họ vẫn phải đi làm để có tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, NCT không biết tìm việc làm ở đâu, chỉ qua giới thiệu của người quen, bạn bè, nên cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với sức khỏe không nhiều. Bên cạnh đó, nhiều NCT có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất kinh doanh lại không có vốn. Họ muốn vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội nhưng không được, bởi vì hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội chưa có chính sách cho NCT vay vốn. Vì vậy, NCT muốn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh phải thông qua các tổ chức khác như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… hoặc Hội NCT sẽ cho vay vốn từ quỹ của Hội. Gần đây, thực hiện Quyết định 1533/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, thông qua đó, NCT nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, nhưng kinh phí cũng rất thấp, chỉ có 5 triệu đồng.
Ông Ngọc cho biết thêm: Trong gần 3 năm qua, toàn thành phố đã có hàng vạn người cao tuổi tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh, trong đó có 5.534 NCT làm chủ các cơ sở sản xuất, các trang trại, với tổng số 23.279 NCT làm kinh tế giỏi. Năm 2018, Ban đại diện Hội NCT thành phố đã tổ chức biểu dương khen thưởng 8.590 NCT làm kinh tế giỏi cấp cơ sở; 1.563 NCT cấp quận, huyện, thị xã; 140 NCT cấp thành phố. Qua đó, động viên khuyến khích NCT tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương.
Để NCT có thêm nhiều cơ hội làm việc, Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020, cũng nêu rõ tạo điều kiện cho NCT tham gia các hoạt động kinh tế như: Khôi phục nghề và dạy nghề truyền thống, khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm theo điều kiện và khả năng cụ thể; Thực hiện hỗ trợ phương tiện sản xuất, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm và vốn đầu tư phát triển sản xuất đối với người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh... Và Điều 24 Luật Người cao tuổi quy định Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân và những người cao tuổi khác có kỹ năng, kinh nghiệm đặc biệt, có nguyện vọng được tiếp tục cống hiến; Ưu đãi về vay vốn tín dụng đối với người cao tuổi trực tiếp sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, giảm nghèo. Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Ngọc, Nhà nước cần có chính sách cụ thể về tạo việc làm cho NCT. Nên có một tổ chức đứng ra để giải quyết việc làm cho NCT và Ngân hàng Chính sách xã hội nên có cơ chế để Hội NCT được tín chấp cho hội viên vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cần xây dựng hệ thống chính sách trợ giúp NCT, hướng tới hỗ trợ trực tiếp, cung cấp việc làm cho NCT
Thực tế cho thấy, kỹ năng và kinh nghiệm của lao động cao tuổi rất quý giá, nhưng vấn đề là họ sẽ tìm việc ở đâu? Chính vì vậy, việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho NCT, đặc biệt là trong bối cảnh khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số và tác động của đại dịch Covid -19 hiện nay được đặt ra như một nhiệm vụ cấp bách, vừa bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của NCT, vừa tận dụng được kinh nghiệm và chất xám của lực lượng lao động đặc biệt này, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.
Để giúp NCT tìm được việc làm, ông Lê Quang Trung cho rằng: "Chúng ta cần có phương án, chương trình để hỗ trợ NCT đánh giá được khả năng của mình có thể làm việc gì phù hợp, cung cấp thông tin về thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch để làm sao người lao động cao tuổi có thể gặp trực tiếp với chủ lao động. Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhận NCT vào làm việc. Có như vậy mới giúp NCT tìm được việc làm và góp phần bảo đảm chất lượng cuộc sống...”
Việc phát huy sinh kế và khởi nghiệp cho NCT là nhiệm vụ cấp bách, bảo đảm quyền làm việc, đóng góp cho xã hội của NCT
Còn theo TS.Trần Ngọc Diễn, Cục Bảo trợ Xã hội và các đối tác có liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong việc đẩy mạnh truyền thông về phát huy vai trò của NCT; về công tác chăm sóc và thực hiện các chính sách đối với NCT trong bối cảnh già hóa dân số. Các cơ quan báo chí cần đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền. Đối tượng truyền thông cần đa dạng, từ các nhà lãnh đạo hoạch định chính sách, cơ quan quản lý đến chính những người cao tuổi. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền về các giải pháp phát huy vai trò và lợi thế của người cao tuổi, qua đó tăng cơ hội việc làm cho người cao tuổi theo nhu cầu thị trường lao động...
Đồng thời, thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục để mọi người dân nhận thức được già hóa dân số vừa là kết quả của phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời là thách thức đối với phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Tuyên truyền về các chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; khuyến khích NCT tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội. Tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với NCT nhằm thích ứng với một xã hội già hóa dân số, đáp ứng tốt nhất nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.
TS. Nguyễn Ngọc Toản – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, Chính phủ cũng như các nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo NCT cần phải tiếp tục lao động trong bối cảnh già hóa dân số. Điều này cần được nghiên cứu kỹ các yếu tố về đặc trưng của NCT như nữ hóa, sức khỏe... Cùng với những rào cản khác như về trình độ chuyên môn, tính năng động... Thống kê cho thấy NCT mong muốn được làm việc (80-90% NCT trong độ tuổi từ 60-70).
Theo TS. Nguyễn Ngọc Toản, pháp luật hiện nay thừa nhận quyền làm việc của NCT, tuy nhiên, để NCT được tham gia thị trường lao động, cần tính đến các yếu tố về văn hóa, xã hội. Thực tiễn đã cho thấy việc tạo việc làm cho NCT đã rất thành công ở nhiều nơi.
Để vấn đề này được đẩy mạnh và thành công, theo TS. Nguyễn Ngọc Toản, cần có hệ thống chính sách trợ giúp NCT, hướng tới hỗ trợ trực tiếp, cung cấp việc làm cho NCT. Cùng với đó, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về việc làm cho NCT; rà soát, nghiên cứu các vấn đề an sinh xã hội đối với NCT; hỗ trợ chính sách như vay vốn, đào tạo, kỹ năng mềm; hỗ trợ NCT tìm kiếm việc làm; cũng như hoàn thiện pháp luật có liên quan.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho NCT dễ dàng tìm được việc làm phù hợp, để có thể tiếp tục phát huy khả năng của mình, cũng là có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích./.
Nguyễn Thị Hiền
TAG:
Tin khác
Hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt, nhà vệ sinh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Định Hoá
Quảng Ninh: Tích cực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Khánh Hoà: Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ
Long An nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn xã hội trong cộng đồng
Long An: Quan tâm, chăm lo cho người có công với cách mạng
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng tích cực vận động, kết nối, kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Hà Tĩnh: Trọn nghĩa vẹn tình với người có công với cách mạng
Lạng Sơn: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo