Văn hóa
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Văn hóa
Giải pháp mới trong bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số
06:01 PM 26/09/2023
(LĐXH)-Tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số” do Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA) phối hợp cùng Thủ Đô Multimedia tổ chức ngày 26/9/2023 đã đưa ra các thảo luận về những khó khăn trong việc áp dụng các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến bản quyền. Đồng thời đã chia sẻ một số giải pháp giúp các nhà sở hữu nội dung, các nền tảng phát hành nội dung trực tuyến có thể bảo vệ được bản quyền các sản phẩm nội dung trên Internet.
Các chuyên gia, luật sư, đại diện các nhà cung cấp nội dung về âm nhạc, điện ảnh và truyền hình trên nền tảng số tham dự Tọa đàm
Sự phát triển của môi trường phân phối nội dung số tỷ lệ thuận với vấn đề vi phạm bản quyền
Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình OTT như TV360, FPT Play, và các hãng phát hành phim trực tuyến như Netflix, Hulu, và Hotstar đã trở thành những nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái giải trí Internet khi đáp ứng nhu cầu nội dung không giới hạn. Sự thuận tiện trong việc truy cập phim, chương trình truyền hình và sự kiện âm nhạc trực tiếp trên các thiết bị đã làm biến đổi cách khán giả tương tác với nội dung.
Trong bối cảnh phân phối nội dung kỹ thuật số đang diễn ra cực kỳ sôi động, sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng truyền hình OTT (Over-The-Top) và các nhà phát hành phim trực tuyến đã đưa người dùng tới một thời kỳ tiêu thụ nội dung giải trí hoàn toàn mới mẻ. Người dùng tiếp cận nội dung số mọi lúc mọi nơi.
Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với thực tế này là vấn đề vi phạm bản quyền nội dung số.
Ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia chia sẻ giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong bảo vệ bản quyền các nội dung số
Điều này được minh chứng bởi những con số do ông Nguyễn Ngọc Hân - Tổng Giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia đưa ra, đó là ở Việt Nam có đến 80% vi phạm bản quyền diễn ra trên nền tảng số khiến Việt Nam thiệt hại 348 triệu USD năm 2022, tương đương khoảng 7.000 tỷ đồng. Còn con số thiệt hại cho 3 ngành Âm nhạc, phim và truyền hình  toàn cầu năm 2022 là 65 tỷ USD.
Theo ông Hân đánh giá, vi phạm bản quyền tại Việt Nam hiện như mê cung. Những năm trước, việc vi phạm bản quyền đơn giản là sao chép thẻ tại đầu thu với loại hình truyền hình đầu thu, đến nay, hình thức vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, xuất hiện hành vi vi phạm trên đầu thu, vi phạm trên đường truyền tại 1 nhà mạng (1 nước); vi phạm xuyên quốc gia: Sử dụng VPN, vi phạm trên nhiều nền tảng (Mobile+đầu thu, web); vi phạm bằng phát lại trực tuyến (Re-streaming)
 Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam (Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông) khắc họa thêm từ số liệu của SimilarWeb: Hiện nay ở Việt Nam đang bùng nổ hàng loạt website các vi phạm bản quyền (website lậu) khi có tới 70 website bóng đá lậu, trong đó Top 5 nhóm chính với hơn 1,5 tỷ lượt view mùa 2022/2023, 7,7 triệu Unique user trong những năm 2022, 2023; 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng, trong đó Top 10 có hơn 66 triệu lượt xem mỗi tháng. 
Ông Hải nêu rõ, đặc điểm của những trang Website lậu này là sử dụng tên miền quốc tế và dịch vụ ấn giấu thông tin; Hoạt động công khai, thay đổi tên miền liên tục khi bị chặn; Quảng cáo độc hại, cá độ; Trình chiếu tất cả nội dung từ thể thao đến phim. Và hình thức vi phạm điển hình của Web lậu chính là ngay sau khi chủ sở hữu quyền phát sóng, đăng tải nội dung trên các nền tảng như OTT, truyền hình số mặt đất, truyền hình số vệ tinh.., các đối tượng sẽ thực hiện hành vi vi phạm bằng cách live stream nội dung lên mạng xã hội hoặc cắt ghép, phát sóng/đăng tải nội dung trên các nền tảng. Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm là live stream trên mạng xã hội và cắt ghép, đăng tải nội dung.
Để bảo vệ các nội dung số khỏi hàng loạt các rủi ro về xâm hại bản quyền
Bản quyền ngày càng được xem trọng bởi vấn đề phân phối toàn cầu.
Việc đảm bảo tính toàn vẹn và độc quyền cho các nội dung phát hành đã trở thành một bài toán mà các nhà sở hữu và phát hành nội dung ngày càng coi trọng.
Các biện pháp chặn tên miền cũng đã bắt đầu được thực thi tại Việt nam; các giải pháp quản lý quyền kỹ thuật số (DRM) như Widevine, FairPlay và PlayReady đã được triển khai để ngăn chặn truy cập và phân phối trái phép
Theo thống kê, từ tháng 8/2022 đến tháng 8/2023, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã phối hợp với Cục An toàn thông tin và các chủ thể quyền để ngăn chặn gần 1.000 website bóng đá lậu như xoilac.1tiengruoi.link, xoivo4.com, coichua.net, tammao.tv, 90link.com, xoilac.live, xemtructiep.xyz... Danh sách các website vi phạm được công bố trên trang banquyen.gov.vn.
Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam nêu giải pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền nội dung số trong thời gian tới
Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số Việt Nam cho biết hoạt động chặn truy cập đã làm thói quen truy cập thay đổi. Thực tế đã giảm 7% số lượng các đường link vi phạm bản quyền, giảm 98% lượt truy cập của các trang web bị chặn (theo thống kê từ Ngoại Hạng Anh và SimilarWeb) và theo khảo sát của CAP, có 23% người dùng internet Việt Nam trả lời sẽ không truy cập web lậu hoặc ít truy cập do tác động của việc chặn truy cập.
Tuy nhiên, các giải pháp bảo vệ bản quyền hiện tại vẫn chưa đủ sức bảo vệ và cần một phương pháp đa chiều để giải quyết các rủi ro đang hiện hữu. Đặc biệt, vấn đề mà các nhà cung cấp nội dung đối mặt trong lỗ hổng DRM trước hết là việc lợi dụng sự giả mạo gói tin để đánh lừa máy chủ ủy quyền (License Server) và qua mặt việc xác thực cấp quyền lấy nội dung cho các tài khoản không đủ tin cậy.
Bên cạnh những lỗ hổng của DRM, các nhà cung cấp truyền hình OTT và các hãng phát hành trực tuyến phải đối mặt với một loạt các rủi ro khác đòi hỏi các giải pháp bảo vệ bản quyền toàn diện như: Vấn đề dùng thiết bị quay màn hình để phát lại hay vấn đề khai thác các Mạng riêng ảo (VPN) để né tránh hạn chế địa lý, cho phép truy cập nội dung từ quốc gia này phân phối nội dung trái phép tại một quốc gia khác...
Vì vậy, giải pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền nội dung số được Trung tâm bản quyền số Việt Nam đưa ra trong thời gian tới là thiết lập đầu mối phối hợp giữa chủ sở hữu quyền, Cơ quan quản lý Nhà nước và ISP; Thiết lập cơ chế chặn linh hoạt – chặn đuổi các tên miền mới phát sinh sau khi bị chặn; Áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập (DNS, IP, CDN); Phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiếu thời gian và nhận lực
Đối phó với những mối đe dọa trong bảo vệ bản quyền, Công ty Thủ đô Multimedia đã phát triển giải pháp Sigma Multi-DRM bao gồm ba lớp bảo vệ được kiểm định bởi Catersian, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giải quyết các vấn đề phức tạp của vi phạm bản quyền.
Sigma Multi-DRM giới thiệu một biện pháp bảo vệ đột phá - Sigma Active Observer (SAO). Đây là giải pháp đổi mới vượt xa các hạn chế của các giải pháp DRM truyền thống, cung cấp một cơ chế phòng thủ linh hoạt và tích cực, chủ động phát hiện và thông báo các nguy cơ vi phạm bản quyền.
“Trái tim” của Sigma Multi-DRM là SAO, một bộ công cụ phần mềm mạnh mẽ định nghĩa lại việc bảo mật nội dung. SAO không chỉ đơn thuần là một lớp bảo mật của Sigma Multi-DRM mà còn quan sát hoạt động giám sát mọi khía cạnh của phân phối nội dung và phát trực tuyến. Sử dụng thuật toán Trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, SAO tiến xa hơn trong việc phát hiện và rà soát mọi hoạt động trao đổi dữ liệu trong quá trình phân phối nội dung trên Internet.
SAO là một bộ giải pháp Bảo vệ Toàn diện với tính năng:  Phát hiện mối đe dọa đa chiều, phát hiện và loại bỏ VPN, kháng lại giả mạo gói tin, phân tích hành vi người dùng và thông tin thời gian thực.
Khi sử dụng Sigma Multi-DRM tích hợp SAO, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình OTT và các nhà phát hành phim, nhạc trực tuyến có thể bảo vệ nội dung độc quyền, nâng cao uy tín thương hiệu, tối ưu doanh thu và chủ động trong bảo mật./.


Mỹ Hạnh
 
 
 
 
 
TAG: vi phạm bản quyền nội dung giải pháp bảo vệ bản quyền ứng dụng AI bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số
Tin khác
Nhạc sĩ Trần Lệ Giang: Những tháng năm “Đi qua miền nhớ”
Thế lực nào khiến scandal Thiên An - Jack mãi chưa hết ồn ào?
Vợ Công Lý khóc nức nở vì nhà chồng ghi nhận công lao
Khai trương khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái có mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng tại huyện Thọ Xuân
Trấn Thành lạc quan khi 'tất tay' niềm tin vào Kỳ Duyên, Trần Tiểu Vy
Nhà sách Tân Việt tại Thái Bình khai trương tung ra nhiều chương trình hấp dẫn
Nhật Kim Anh hạ sinh tiểu công chúa ở tuổi 40
Dương Trạch Kỳ trở về an toàn sau một tháng mất tích
Giỏ quà Tết truyền thống và hiện đại đắt hàng ngày cận Tết