Giải pháp chuẩn hoá đào tạo, bồi dưỡng nhân viên công tác xã hội
(LĐXH)- Về khuôn khổ luật pháp, cần thúc đẩy sớm việc xây dựng và ban hành Luật CTXH, trong đó qui định rõ nghề CTXH chuyên nghiệp, qui định cụ thể yêu cầu về đầu tư, phát triển chuẩn hoá hoạt động đào tạo nghề CTXH.
Kinh tế xã hội Việt Nam đã và đang phát triển, đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Mặc dù vậy, trong xã hội vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người dân đời sống còn gặp nhiều khó khăn bởi những hoàn cảnh khác nhau đang cần sự trợ giúp. Theo số liệu thống kê, ở nước ta số người cần sự trợ giúp xã hội chiếm khoảng hơn 20% dân số cả nước.
Trong đó, có 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, khoảng 12% hộ nghèo, 6% hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020), hơn 2,6 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, khoảng 234.000 người nhiễm HIV được phát hiện, 204.000 người nghiện ma tuý, hơn 48.000 người bán dâm, khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình; ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố, gầm cầu...
Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội (CTXH) trên phạm vi cả nước đã hình thành và phát triển với gần 600 cơ sở xã hội, trong đó có 408 cơ sở trợ giúp xã hội, 170 cơ sở tiếp nhận và điều trị nghiện ma túy công lập và ngoài công lập. Các cơ sở xã hội đã cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp, chăm sóc, nuôi dưỡng cho hằng triệu lượt đối tượng đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.Vẫn còn nhiều khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý về nghề CTXH (Ảnh minh họa)
Kết quả đào tạo, bồi dưỡng nhân viên CTXH
Ngày 25/3/2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (gọi tắt là Đề án 32), trong đó có các mục tiêu quan trọng liên quan như phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, cộng tác viên CTXH trong cả nước đến năm 2020 tăng 50%; xây dựng và ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH; phấn đấu tới năm 2020 có 100% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH được đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
Sau 7 năm thực hiện triển khai, Đề án 32 như một cú hích quan trọng cho phát triển nghề CTXH. Theo đánh giá chung, ba hướng phát triển đã và đang đạt được những thành quả quan trọng hình thành và phát triển đội ngũ cán bộ CTXH các cấp, đó là:
Thứ nhất, theo mục tiêu đặt ra là đào tạo đội ngũ cán bộ CTXH có trình độ cao với hơn 40 cơ sở đào tạo có đào tạo trình độ cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ với hơn 15.000 cử nhân cao đẳng và đại học, tuyển sinh hàng năm 2500 người/năm. Các hệ đào tạo cũng phong phú song hành cả chính qui và đào tạo hệ vừa làm vừa học. Về đào tạo ngắn hạn, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các trường đào tạo 300 giảng viên dạy nghề CTXH, 25 giảng viên nguồn CTXH tại các trường đại học. Khoảng 20 cơ sở đào tạo đã hình thành các bộ môn hoặc khoa đào tạo CTXH, xây dựng được hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy chuyên sâu và tham gia vào hệ thống đào tạo thường xuyên nghề CTXH các cấp trình độ khác nhau.
Thứ hai, Đề án đã thúc đẩy hình thành trên 30 trung tâm CTXH nâng tổng số các cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH trên toàn quốc đạt 432 cơ sở. Tổng số cán bộ, nhân viên CTXH làm việc tại các cơ sở này và mạng lưới CTXH tại cấp xã là 35.000 người. Đồng thời, triển khai cụ thể Thông tư 07/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tiêu chuẩn cộng tác viên CTXH cấp xã, phường đã giúp hình thành đội ngũ khoảng trên 10.000 cộng tác viên CTXH ở nhiều địa phương.
Thứ ba, trong chương trình đề án, mục tiêu xây dựng các khung khổ luật pháp và các qui định liên quan đến phát triển nghề CTXH, để chuẩn hoá đội ngũ CTXH, ngày 19/8/2015 liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 30/2015/BLĐTBXH-BNV Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH, với 3 chức danh: CTXH viên chính (hạng II, mã số: V.09.04.01), CTXH viên (hạng III, mã số: V.09.04.02) và nhân viên CTXH (hạng IV, mã số: V.09.04.03). Hiện nay, Bộ LĐTBXH cũng đang trong quá trình xây dựng luật CTXH, giúp hình thành khung khổ luật pháp phát triển CTXH một cách bài bản, chuyên nghiệp ở Việt Nam.
Trong quá trình triển khai, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì sự nghiệp phát triển nghề CTXH nói chung và việc thực hiện Đề án 32 còn một số khó khăn, tồn tại sau:
Khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể trong một số bộ Luật, Luật liên quan như Bộ Luật lao động, Bộ Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.... Đây là các quá trình rất phức tạp, cần nhiều thời gian và liên quan đến nhiều Bộ, ngành khác nhau.
Công tác đào tạo CTXH tại các trường đại học, cao đẳng mới chỉ chú trọng đến số lượng; chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành; chưa có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các cơ sở/đơn vị sử dụng nguồn nhân lực CTXH được đào tạo; các chương trình, giáo trình giảng dạy về CTXH còn thiếu, nhiều bất cập. Số lượng, chất lượng, phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên CTXH còn hạn chế. Hệ thống cơ sở dạy nghề CTXH còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH tại cộng đồng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên phát triển đội ngũ CTXH đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, chưa được chuẩn hoá góp phần xây dựng một lực lượng cán bộ CTXH mạnh và chuyên nghiệp. Nhân viên CTXH giúp trẻ tự kỷ hòa nhập (Ảnh minh họa)
Giải pháp chuẩn hoá đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên CTXH
Để tiếp tục thực hiện những mục tiêu dài hạn của Chính phủ và mục tiêu của Đề án 32 trong xây dựng, phát triển lực lượng nhân viên CTXH lớn về số lượng, rộng khắp về diện bao phủ địa lý và ngành lĩnh vực cũng như chuyên nghiệp về nghề nghiệp, chúng tôi đề xuất một số giải pháp chuẩn hoá đào tạo, bồi dưỡng nhân viên CTXH như sau:
Thứ nhất, về khuôn khổ luật pháp, cần thúc đẩy sớm việc xây dựng và ban hành Luật CTXH, trong đó qui định rõ nghề CTXH chuyên nghiệp, qui định cụ thể yêu cầu về đầu tư, phát triển chuẩn hoá hoạt động đào tạo nghề CTXH; một số hoạt động, người làm nghề CTXH cần được qui định cụ thể yêu cầu có các chứng chỉ hành nghề rõ ràng. Tiếp tục triển khai thể chế hoá bằng các qui định của Nhà nước về các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp chuẩn hoá đội ngũ nhân viên CTXH (Ví dụ như Thông tư 07/2013/TT-BLĐTBXH; Thông tư số 30/2015/BLĐTBXH-BNV) giúp phát triển đội ngũ khi kết thúc Đề án 32.
Thứ hai, về việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CTXH thường xuyên, liên tục, theo mục tiêu Đề án 32, phát triển đội ngũ viên chức chuyên ngành CTXH, phấn đấu tới năm 2020 khoảng 50% số cán bộ, nhân viên CTXH đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp được xếp ngạch viên chức nghề nghiệp chuyên ngành CTXH; 100% viên chức và cộng tác viên CTXH được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ CTXH. Để thực hiện nhóm giải pháp này, cần thực hiện các giải pháp cụ thể để chuẩn hoá đào tạo, bồi dưỡng như sau:
- Ban hành và thực hiện các chương trình, tài liệu bồi dưỡng viên chức nghề nghiệp chuyên ngành công tác xã hội và cộng tác viên công tác xã hội để thống nhất sử dụng trên toàn quốc, bao gồm: Các chương trình và tài liệu đã được ban hành là chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH cho các hạng: CTXH viên (hạng III), nhân viên CTXH (hạng IV) và cộng tác viên CTXH. Tài liệu CTXH viên chính (hạng II) đang được biên soạn. Ngoài ra, trong thời gian tới cần tiếp tục xây dựng và biên soạn các tài liệu sau: Chương trình và tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ CTXH, dành cho những người chưa tốt nghiệp đại học về chuyên ngành CTXH, xã hội học, tâm lý hoặc giáo dục; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý dành cho các viên chức lãnh đạo quản lý và quy hoạch viên chức lãnh đạo, quản lý chuyên ngành công tác xã hội; Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành hàng năm nghề nghiệp chung ngành công tác xã hội.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho các chức danh CTXH theo hướng cụm đào tạo chuyên nghiệp của ngành LĐTBXH tại 3 cụm miền Bắc, Trung, Nam các trường đại học có bề dày đào tạo CTXH, lấy hạt nhân là mạng lưới các chuyên gia ngành CTXH. Thực hiện đa dạng hoá các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, có sự linh hoạt trong hình thức đào tạo như đào tạo tập trung khoảng 26 ngày hoặc tích hợp chia làm nhiều thời gian khác nhau, hoặc đào tạo trực tuyến sẽ được áp dụng trong thời gian tới,…
Năm 2018-2020 dự kiến tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh viên chức CTXH cho 2.000 cán bộ theo chương trình bổ sung kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành CTXH cho những cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn đầu vào theo quy định tại Thông tư 30/2015 BLĐTBXH - BNV; 3.000 cán bộ theo chương trình CTXH viên; 2.000 cán bộ theo chương trình CTXH viên chính; 3.000 nhân viên CTXH; 3.000 cộng tác viên CTXH.
- Về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên đào tạo, bồi dưỡng trên nguyên tắc đảm bảo tiêu chuẩn và hiện đại, dựa trên phương thức phân tán, huy động nguồn lực cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo đại học, các trường đào tạo nghề, các cơ sở nghiên cứu tập trung tại 3 cụm vùng miền. Cũng trên nguyên tắc đó tập hợp lực lượng chuyên nghiệp giảng dạy từ các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, chuyên gia giỏi trong ngành để hình thành mạng lưới giảng viên chuyên nghiệp cho đào tạo, bồi dưỡng tại 3 cụm miền.
- Về chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, luôn bám sát vào chức năng, nhiệm vụ của người làm CTXH, theo quy định tại Quyết định số 1751/QĐ-LĐTBXH ngày 08/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành Các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CTXH (hạng III, hạng IV) và phê duyệt chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cộng tác viên CTXH.
Chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phải luôn được cập nhật thông tin kịp thời, bổ sung những nội dung mới; phù hợp với thời gian đào tạo, tránh sự trùng lặp về nội dung, kiến thức, dành tỷ lệ thích hợp trong chương trình học để thảo luận, (thực hành chiếm khoảng 70% thời gian, lý thuyết chiếm khoảng 30%), xử lý tình huống cụ thể thường xảy ra tại các cơ sở để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm CTXH.
- Về phương pháp đào tạo: Những người tham gia học chương trình đào tạo, bồi dưỡng về CTXH đều cần có một trình độ nhất định và đã trải qua thực tiễn, có nhiều kinh nghiệm trong công việc thực tế, có khả năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá vấn đề. Đổi mới phương pháp đào tạo theo phương châm “thực học, thực nghiệm” lấy người học làm trung tâm, giảng viên là người định hướng, điều hành thảo luận, sử dụng linh hoạt các phương pháp đào tạo như: sắm vai, tiểu phẩm, xử lý tình huống, trò chơi… Để đạt được kết quả học tập và chất lượng áp dụng vào thực tế công việc, sau mỗi chuyên đề nên cho học viên trải nghiệm áp dụng bài học vào thực tiễn, giảng viên hướng dẫn thực hành và người học phải có báo cáo thu hoạch.
Kết luận
Sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng nhân viên CTXH trong thời gian qua đã đạt được những thành quả tích cực, trong đó vai trò và kết quả của Đề án 32 đặc biệt quan trọng. Để tiếp tục và phát triển mạnh mẽ những hoạt động đó cần phải được thể chế hoá cụ thể bằng luật pháp, chính sách để toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp và hệ thống đào tạo tiếp tục đảm đương và phát triển một cách hợp pháp và chuyên nghiệp có sự tham gia của toàn xã hội. Đồng thời, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức lao động - xã hội được tham gia một cách bài bản, chủ động, tích cực đóng góp cho ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cùng với hệ thống đào tạo dài hạn của hệ thống giáo dục quốc dân.
TS. Bùi Tôn Hiến
TAG: