An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Gia Lai tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
09:44 AM 19/12/2023
(LĐXH)- Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 20.000 người khuyết tật, trong đó có 13.472 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng cần được trợ giúp…
Thời gian qua, cùng với việc thực hiện các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, các cấp chính quyền, ngành chức năng và tổ chức đoàn thể tỉnh Gia Lai đã triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người khuyết tật ổn định đời sống vật chất, tinh thần. Qua đó, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 06 cơ sở trợ giúp xã hội đã được thành lập và cấp phép hoạt động, bao gồm: 01 cơ sở tổng hợp, 03 cơ sở chăm sóc trẻ em, 01 cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật, 01 cơ sở chăm sóc người già). Cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng của hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc đối tượng.
Công tác hỗ trợ người khuyết tật ở Gia Lai ngày càng hiệu quả và thực chất
Để triển khai thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, trợ giúp, tạo điều kiện tốt nhất cho người khuyết tật hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống, tỉnh Gia Lai đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng xã hội. Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, tư pháp; trợ giúp học nghề - việc làm, tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, tham gia giao thông, sử dụng công nghệ thông tin truyền thông, bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tích cực vận động các tầng lớp nhân dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, góp công sức tiền của, ngày công để hỗ trợ người khuyết tật ổn định cuộc sống, xóa bỏ mặc cảm và tự ti, vươn lên hòa nhập cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Gia Lai đã triển khai xây dựng kế hoạch, công văn hướng dẫn các sở, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, như: truyền thông về Luật Người khuyết tật; thực hiện lồng ghép với các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ trong năm, các buổi nói chuyện chuyên đề về kiến thức, kỹ năng và chính sách liên quan đến người khuyết tật trong các dịp: ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), ngày Quốc tế về Người khuyết tật (3/12), ngày Người mù Việt Nam (17/4)…
Nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Gia Lai còn phối hợp với các sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội về: chính sách trợ giúp xã hội, chính sách đối với người khuyết tật; phương pháp tiếp cận, cách xác định đối tượng; cơ chế phân bổ tài chính, đối mới cơ chế chi trả qua tổ chức dịch vụ. Qua đó, giúp người khuyết tật có kỹ năng tự chăm sóc bản thân trong sinh hoạt hàng ngày, tiến tới hòa nhập xã hội.
Ở các địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, phường, thị trấn tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày công tác xã hội Việt Nam 25/3 với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với thực tiễn cơ sở như: tọa đàm, thăm tặng quà cho đối tượng xã hội, treo băng rôn tuyên truyền...
Các tổ chức đoàn thể, xã hội cũng có nhiều chương trình xã hội nhân đạo, từ thiện trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật như chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; chương trình phẫu thuật cho trẻ em bị các bệnh mắt, sút môi, hàm ếch; chương trình phẫu thuật phục hồi chức năng chỉnh hình cho người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn...
Cụ thể, đã phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng chỉnh hình Đà Nẵng tổ chức khám sáng lọc cho trẻ em và người khuyết tật trên địa bàn tỉnh tại các địa phương; thời gian từ ngày 6 - 8/3/2023. Kết quả đã khám sàng lọc cho 80 người và chỉ định phẫu thuật điều trị tại Đà Nẵng cho 46 người.
Đối với hoạt động giáo dục đối với người khuyết tật, tỉnh Gia Lai thực hiện vận hành thông qua ba phương thức: phương thức giáo dục hòa nhập, phương thức giáo dục bán hòa nhập và phương thức giáo dục chuyên biệt. Trong đó, giáo dục hòa nhập giữ vai trò chủ đạo và được triển khai ở tất cả các cấp học mầm non và phổ thông.
Thực hiện quyền của người khuyết tật trong tham gia học tập văn hóa, hầu hết người khuyết tật trong tỉnh đều đã được tham gia học tập theo khả năng, nguyện vọng; trong đó, tỷ lệ trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học ở các lớp chuyên biệt và hòa nhập đạt 85%...
Đến nay, nhận thức của xã hội về vấn đề khuyết tật, người khuyết tật và hình thức, phương pháp trợ giúp người khuyết tật đã được các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai quan tâm triển khai và ngày ngày càng đi vào thực chất. Đặc biệt, là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, MTTQ, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội; sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội; sự chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia giúp đỡ và đem lại hiệu quả trong thực tế cho người khuyết tật.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Quảng Nam: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tiếp xúc đối thoại với cán bộ quy hoạch và được bổ nhiệm
Cùng Enzo FX chung tay khắc phục  hậu quả bão Yagi
Vinamilk tổ chức nhiều hoạt động trung thu cho trẻ em mọi miền
Xâm hại tình dục trẻ em – Gia đình phải là lá chắn đầu tiên
Huyện Mỹ Tú: Thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
Huyện Mỹ Xuyên chú trọng chăm lo cho người có công với cách mạng
FxMills lan tỏa tình yêu thương, cùng đồng bào vượt qua siêu bão Yagi
Dinh dưỡng cho trẻ, trách nhiệm và sự yêu thương đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn