An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Gia Lai: Tạo điều kiện để các đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách theo đúng quy định
11:08 AM 27/03/2023
(LĐXH)- Với việc thực hiện đồng bộ các chính sách bảo trợ xã hội, đối tượng yếu thế của tỉnh Gia Lai đã được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, qua đó từng bước ổn định và nâng cao đời sống.
Các đối tượng bảo trợ xã hội được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh
Các chế độ chính sách cho đối tượng bảo trợ xã hội ngày càng được quan tâm, các nhóm đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Nhờ đó, đời sống của các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội được cải thiện và góp phần giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống cho đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, đột xuất cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP  ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi; Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật. Thống kê, toàn tỉnh có 36.426 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng và 3.182 người hưởng chế độ hộ gia đình chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng.
Trên địa bàn tỉnh có 06 cơ sở trợ giúp xã hội đã được thành lập và cấp phép hoạt động (gồm: 01 cơ sở tổng hợp, 03 cơ sở chăm sóc trẻ em, 01 cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật, 01 cơ sở chăm sóc người già); 05 cơ sở đang triển khai các thủ tục cấp phép hoạt động (01 cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật, 03 cơ sở chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 01 cơ sở chăm sóc người tâm thần). Cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng của hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc đối tượng. Phương thức hoạt động của nhiều cơ sở được cải tiến, tổ chức nhiều hoạt động với nhiều hình thức phong phú mang ý nghĩa thiết thực cho đối tượng đang sống tại các cơ sở. Hiện nay Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh đang hoàn thiện cơ sở vật chất khu nuôi dưỡng người tâm thần.
Việc thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội qua hệ thống Bưu điện phát huy hiệu quả, đặc biệt là trong đợt chi trả cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19; do đó đã góp phần giảm áp lực, giảm công viêc sự vụ cho phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện và cán bộ theo dõi, quản lý lĩnh vực xã hội cấp xã, để tập trung vào công tác chuyên môn, tuyên truyền phổ biến chính sách, quản lý đối tượng và thực hiện chế độ, chính sách cho đối tượng kịp thời, không bỏ sót đối tượng.
Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng chú trọng công tác trợ giúp đột xuất. Chính quyền địa phương các cấp, các ngành thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân để có giải pháp đảm bảo ổn định đời sống dân sinh khi gặp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và các nguyên nhân bất khả kháng; Chủ động bố trí ngân sách địa phương, huy động cộng đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng hóa, lương thực cho các cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn hoặc các lý do bất khả kháng khác. Việc trợ giúp khẩn cấp cho những người, hộ gia đình gặp rủi ro, đặc biệt do thiên tai đã cơ bản đáp ứng kịp thời được nhu cầu về bảo đảm an sinh cho người dân trong tình trạng khẩn cấp.
Trong thời gian tới, Sở Lao động - TBXH tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách cho những người yếu thế trong xã hội; đảm bảo cơ bản các đối tượng yếu thế, đặc biệt khó khăn (người tàn tật nặng, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người già sống cô đơn không có nguồn nuôi dưỡng...) được hưởng trợ cấp xã hội. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã, thôn làng, tổ dân phố và hộ gia đình về thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và các kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và với các hình thức tuyên truyền phong phú để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn trong công tác bảo trợ xã hội; đặc biệt là các chế độ chính sách của đối tượng bảo trợ xã hội được đảm bảo đúng, đủ, kịp thời. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương trong việc thực hiện chính sách bảo trợ xã hội theo quy định./.

Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa