An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Gia Lai: Phấn đấu giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2023
10:39 AM 28/02/2023
(LĐXH) - Trên cơ sở các kết quả được trong công tác giảm nghèo bền vững năm 2022, tỉnh Gia Lai đề ra mục tiêu năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% (phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 8,1%); tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm trên 3%.
Đầu năm 2022, toàn tỉnh có 38.550 hộ nghèo (172.746 khẩu). Trong đó, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 34.387 hộ (158.620 khẩu); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21,26%. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, các cấp, ngành của tỉnh Gia Lai đã đề ra nhiều giải pháp và huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Bản thân người nghèo đã nỗ lực khắc phục các khó khăn, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19 để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Mô hình sản xuất nấm sò và nấm linh chi của hộ gia đình ông bà Đặng Đình Tấn -
Nguyễn Thị Hoài Phương, Khu phố 3, thị trấn Phú Hòa, Chư Păh, Gia Lai
Kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo. Tính đến ngày 30/11/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay 8.929 lượt hộ nghèo; 7.277 lượt hộ cận nghèo; 2.490 hộ mới thoát nghèo; 12.400 lượt hộ vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 9.381 hộ vay vốn giải quyết việc làm, 5.341 lượt hộ vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn,... với doanh số cho vay hơn 1.697,9 tỷ đồng, tổng dư nợ vay trên 5.494,4 tỷ đồng. Các gia đình vay vốn đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, tổ chức sản xuất có hiệu quả, đời sống ngày càng cải thiện, trả nợ gốc và lãi đúng hạn cho ngân hàng.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã phối hợp cùng với các địa phương triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng: Người nghèo 65.244 thẻ bảo hiểm y tế; người cận nghèo 62.175 thẻ bảo hiểm y tế; người dân tộc thiểu số sinh sống vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn 288.672 thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế hộ nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình 83.927 thẻ bảo hiểm y tế với tổng số kinh phí hỗ trợ khoảng 334.681 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm được triển khai tích cực. Đã tổ chức tư vấn cho 38.655 lượt người, giới thiệu việc làm cho 3.425 lượt lao động, cung ứng 1.330 lao động cho các doanh nghiệp. Số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 26.260 lao động, đạt 100,23% kế hoạch, so với cùng kỳ năm 2021.
Toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 195 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn với tổng số tiền hơn 9,2 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp huyện và vận động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh. Các chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ giáo dục đều được triển khai tích cực, có hiệu quả.
Thời gian qua, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến được kịp thời phát hiện, nêu gương và khen thưởng góp phần quan trọng đẩy mạnh và nhân rộng phong trào thi đua ở từng cấp, từng ngành và toàn tỉnh.  Tiêu biểu là Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các mô hình “3 trong 1”, “3 biết 2 hỗ trợ”, “Nói không với rau 2 luống”, “Nói không với lợn 2 chuồng”, mô hình “Nhóm tín dụng tiết kiệm”, “Nông hội sản xuất cà phê sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh…
Mô hình trồng dong riềng, kết hợp phát triển nông nghiệp và du lịch của
Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Chư păh, Gia Lai
Trên địa bàn của các địa phương cũng đã triển khai các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện Chư Sê có các mô hình trồng chuối xuất khẩu, mít thái, bơ, cây dược liệu,... được người dân triển khai đã mang hiệu quả kinh tế cao và thu nhập ổn định. Huyện Mang Yang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện 3 mô hình: Mô hình trồng mít ghép Thái Lan da xanh tại xã Đak Trôi, với 7 hộ/0,91 ha; mô hình trồng cây đương quy bằng hệ thống tưới tiết kiệm tại xã Kon Thụp, với 2 hộ/0,11 ha; mô hình trồng cây sầu riêng ghép bằng hệ thống tưới tiết kiệm tại xã Lơ Pang, với 2 hộ/0,7 ha.
Với sự tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức và đông đảo quần chúng nhân dân, trong những năm vừa qua, công tác giảm nghèo của tỉnh đạt được những kết quả nhất định, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã góp phần giúp người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa,… Nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2022, kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo của Gia Lai là 2,03% đạt 101,53% so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,32 % đạt 143,95% so với kế hoạch. Số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 37.253 hộ (163.613 khẩu); trong đó, số hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 28.565 hộ (130.723 khẩu); tỷ lệ hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,66%.
Trên cơ sở các kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo, tỉnh đề ra mục tiêu năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% (phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 8,1%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Kông Chro giảm 5%./.
Hiền Minh
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa