An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Ghi nhận những kết quả trong công tác giảm nghèo ở huyện Yên Dũng
03:40 PM 03/06/2024
(LĐXH) - Thời gian qua, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang) đã triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và đạt được nhiều kết quả. Chương trình đã góp phần tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện.
Thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp hộ nghèo trong huyện nâng cao năng lực, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập
Huyện Yên Dũng đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025; thành lập Tổ công tác về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Ban Quản lý cấp xã thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, huyện đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, trong đó hàng năm đều ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; quyết định về việc phân bổ vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; chỉ đạo các thành viên Tổ công tác về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tích cực tham mưu Ban Chỉ đạo huyện chỉ đạo các cơ quan, ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo trên địa bàn như: Các chương trình, dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo, chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin, pháp lý; các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất… Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng công tác rà soát, phân loại hộ nghèo, cận nghèo để xác định rõ nguyên nhân, từ đó xây dựng kế hoạch và có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.
Trong năm 2023, huyện Yên Dũng được phân bổ vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 3,99 tỷ đồng, bao gồm: Ngân sách Trung ương 3,91 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 81 triệu đồng. Huyện đã kịp thời phân bổ cho ban, ngành, địa phương thực hiện các Dự án của Chương trình. Theo đó, đối với Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, với tổng số vốn được giao năm 2022-2023 là 2,16 tỷ đồng, huyện đã triển khai các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo. Toàn huyện có 11/18 xã, thị trấn tham gia với 11 dự án; các tổ, nhóm cộng đồng đã xây dựng dự án, phương án, kế hoạch sản xuất và đã được Hội đồng thẩm định huyện họp, phê duyệt. Tính đến cuối năm 2023, đã giải ngân được 2,1 tỷ đồng, đạt 99,4%, còn lại chuyển nguồn sang năm 2024.
Thực hiện Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, trong đó đối với Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện được giao kinh phí năm 2022-2023 là 951 triệu đồng. Kết quả, đã giải ngân được 945 triệu đồng, đạt 99,4%, với 02 xã đăng ký tham gia 03 dự án là Tiến Dũng, Đồng Việt. Nội dung thực hiện là hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao năng lực cho người dân trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập; gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa.
Tiếp đó, huyện Yên Dũng cũng tập trung thực hiện Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, với tổng vốn được giao 1,8 tỷ đồng. Trong đó, Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, khó khăn, với kinh phí 1,1 tỷ đồng, huyện đã triển khai tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và UBND các xã, thị trấn thực hiện việc phối hợp tuyển sinh đào tạo đối với người lao động trên địa bàn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đủ 180 học viên và tổ chức đào tạo theo kế hoạch. Về Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững, tổng số vốn được giao năm 2022-2023 là 681 triệu đồng, huyện đã xây dựng Kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ về lĩnh vực việc làm thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023; thực hiện xây dựng danh mục tuyên truyền và đang trong quá trình thực hiện theo quy định.
Đối với Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, trong đó có Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin, tổng số vốn được giao năm 2022-2023 là 103 triệu đồng. Phòng Văn hóa và Thông tin đã hợp đồng với Trung tâm Văn hoá - Thông tin huyện nghiên cứu xây dựng nội dung tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng của huyện về thực hiện Tiểu dự án giảm nghèo về thông tin phù với tình hình thực tế của huyện. Kết quả đã giải ngân 103 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao. Về Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều, huyện được phân bổ 82 triệu đồng, đã chỉ đạo phòng chuyên môn trong việc xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Kết quả đã giải ngân 82 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch vốn giao.
Cùng với đó, huyện Yên Dũng còn tập trung nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Với nguồn vốn được giao là 476 triệu đồng (trong đó năm 2023: nguồn vốn được phân bổ 296 triệu đồng; năm 2022: nguồn kinh phí thực hiện dự án 180 triệu đồng), huyện đã tổ chức 04 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 849 cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở và tổ chức giám sát, đánh giá tại địa phương, cơ sở.
Nhìn chung, việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Yên Dũng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ và nhân dân được tăng cường. Các dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương và tỉnh được triển khai thực hiện kịp thời, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của người dân. Chương trình giảm nghèo đã được lồng ghép chặt chẽ với Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác vận động xã hội hóa giúp đỡ hộ nghèo được quan tâm thực hiện; nhiều giải pháp, chính sách, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo một cách thiết thực, tạo điều kiện cho nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận hộ nghèo chưa có ý thức tự vươn lên thoát nghèo, còn có tâm lý chông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội. Nhận thức của người dân thuộc hộ nghèo còn hạn chế nên gặp khó khăn trong việc tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong sản xuất. Hiện nay, do tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 1,97%, hộ cận nghèo còn 2,02% là rất thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu là những hộ thuộc chính sách bảo trợ xã hội, không có khả năng lao động nên rất khó thành lập được một tổ sản xuất cộng đồng thực hiện Dự án 2, Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 3 hoặc khó khăn trong việc tuyển dụng học viên tham gia học nghề ngắn hạn thuộc Dự án 4. Nhận thức của một bộ phận người nghèo còn hạn chế nên việc vận động người dân tham gia các dự án còn gặp nhiều khó khăn.
Trong năm 2024, huyện Yên Dũng xác định Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm gắn với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm của các cơ quan, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến các xã, thị trấn. Tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, đặc biệt là cán bộ cơ sở. Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai Chương trình. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chuyên môn và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình MTQG ở các cấp, các ngành; kịp thời khen thưởng, biểu dương những tổ chức, cá nhân làm tốt công tác giảm nghèo./.
Minh Hương
 
TAG:
Tin khác
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật