Gần 205.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp
(LĐXH)- Trong 5 tháng đầu năm 2018, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 240.444 người, trong đó có 204.954 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; 397.823 người được tư vấn giới thiệu việc làm và 10.887 người được hỗ trợ học nghề.
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH, cho biết: Cùng với các kết quả trên thị trường lao động được cải thiện như chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động tăng lên nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động. Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là, lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi kết cấu, năng suất thấp, về cơ bản Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng cung lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý và khả năng di chuyển còn bị hạn chế; cầu lao động thấp về số lượng và vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thụât, khu vực làm công ăn lương phát triển chậm; tỷ lệ thiếu việc làm vẫn còn khá cao; hệ thống luật pháp về thị trường lao động chưa đầy đủ; cơ sở hạ tầng của thị trường lao động chưa phát triển đồng bộ dẫn đến khả năng kết nối cung cầu lao động kém; có sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, mặc dù thiếu việc làm chiếm tỷ lệ lớn, nhưng một số ngành nghề, địa phương.. không tuyển được lao động; hệ thống giáo dục, hướng nghiệp và đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là đối với lao động yêu cầu kỹ năng cao; một bộ phận lớn người lao động chưa được bảo vệ trong thị trường...
Cũng trong năm 2017, các Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tiếp nhận 680.310 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 14,8% so với năm 2016 (592.440 người). Trong đó, Đông Nam Bộ là vùng có số người nộp hồ sơ lớn nhất với 300.106 người, chiếm 44,1% trên cả nước; vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có số người nộp hồ sơ lớn thứ hai với 113.233 người, chiếm 16,6%; vùng Đồng bằng Sông Hồng có số người nộp hồ sơ lớn thứ ba với 110.449 người, chiếm 16,2%.
Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội những địa phương có số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao nhất (306.398 người, chiếm tới 45,0% số người nộp hồ sơ trong cả nước). Tổng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2017 là 671.789 người, tăng 14,6% so với năm 2016 (586.254 người) và chiếm 98,7% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, tỉ lệ lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp dưới 24 tuổi là: 14,9%; từ 24-40 tuổi là: 68,1%; trên 40 tuổi là: 17,0%. Tỉ lệ lao động nữ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm 56,1%. Con số trên cho thấy, người lao động ở độ tuổi 24 - 40 hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao, đây là nhóm lao động đã có kinh nghiệm làm việc, có sức khỏe, năng động. Do đó, xu hướng chuyển đổi công việc của nhóm này cao hơn các nhóm khác, dẫn tới tỉ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp của nhóm tuổi này cao hơn các nhóm tuổi khác.
Bên cạnh việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, công tác đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp cũng được Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương quan tâm, quán triệt từ khâu tiếp nhận hồ sơ, tư vấn nghề, đến khâu đào tạo đều được chú trọng cả về số lượng lẫn chất lượng, đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động. Đây là một trong những Trung tâm có sự đầu tư cho công tác đào tạo nghề và đạt hiệu quả nhất trên cả nước. Thống kê cho thấy, số lượng người thất nghiệp có quyết định hỗ trợ học nghề tại Trung tâm tăng dần qua các năm: năm 2014 là 1.302 người, năm 2015 là 1.411 người, năm 2016 là 2.327 người (tăng 164.9 % so với cùng kỳ năm trước). Để đảm bảo chất lượng học viên học nghề, Trung tâm đã đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho các tiết thực hành nghề tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại. Khi tham gia các khóa học nghề, học viên sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản, được tiếp xúc với đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, kinh nghiệm, được thực hành lên đến 70% thời gian học. Sau khóa học, học viên yên tâm với tay nghề vững chắc, được đào tạo bởi các trường nghề uy tín, hoc viên lại tiếp tục được Trung tâm hỗ trợ tìm việc làm phù hợp với năng lực và tay nghề.
Để giúp người lao động cũng như người sử dụng lao động hiểu rõ được quyền lợi cũng như nghĩa vụ khi tham gia BHTN, hay những lợi ích của dịch vụ việc làm công, hiện nay, hệ thống các Trung tâm Dịch vụ việc làm cả nước đã chú trọng nâng cao công tác truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tư vấn trực tiếp cho người lao động tại Trung tâm, tại các sàn giao dịch việc làm; tuyên truyền bằng các tài liệu in như sổ tay, tờ rơi, áp - phích tại các điểm tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp; tuyên truyền qua website… Đồng thời, trang bị hệ thống máy tra cứu thông tin đa năng phục vụ cho người lao động cũng như doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin cần thiết trước khi giao dịch, điều này đã góp phần giảm tải thời gian hướng dẫn giải đáp thắc mắc cho cho người lao động về chính sách và quy trình tư vấn giới thiệu việc làm, giải quyết hưởng BHTN và hỗ trợ học nghề.
Chí Tâm
TAG: