Du lịch Quảng Nam sau đại dịch có gì hấp dẫn?
Ngay sau Lễ khai mạc “Năm Du lịch quốc gia 2022”, tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch độc, lạ, tạo sức hút mạnh mẽ để thu hút du khách bốn phương.
Đẩy mạnh phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại tỉnh Quảng Nam đang chủ động mở rộng không gian du lịch ở khu vực miền núi phía Tây và khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Ngay sau Lễ khai mạc “Năm Du lịch quốc gia 2022”, tỉnh Quảng Nam đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch độc, lạ, tạo sức hút mạnh mẽ để thu hút du khách bốn phương.
Hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thành phố Hội An có đủ thời gian để “dọn nhà đón khách”, chuẩn bị cho sự trở lại của các hoạt động du lịch. Trong dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua, hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú dài ngày tại Hội An.
Ngoài những điểm đến quen thuộc trong khu phố cổ, đa số du khách dành nhiều thời gian để khám phá các sản phẩm du lịch mới ở khu vực vùng đệm. Nhiều điểm “check-in” xinh đẹp trên cánh đồng lúa với không gian yên bình, không khí trong lành rất hút khách thời gian qua.
Đã nhiều lần đến với Hội An, nhưng chị Nguyễn Thị Mai vẫn khá bất ngờ với những sản phẩm mới về du lịch xanh tại đây: “Tôi thích theo phong trào, phải có không gian rộng, có những góc chụp ảnh đẹp, có những không gian sắc màu. Cảm giác như đang ngồi ở một số điểm như khu du lịch bảy sắc cầu vồng mà ở nhiều nước trong khu vực đã áp dụng từ lâu rồi".
Trong định hướng phát triển, thành phố Hội An hướng đến mở rộng không gian du lịch, gắn với khai thác các tiềm năng, lợi thế riêng của địa phương. Theo ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến du lịch Hội An, đây là thời điểm du lịch Hội An phải làm mới mình ngoài việc khai thác những giá trị cũ. Theo ông Nguyễn Sự, khi thói quen và xu hướng tham quan, trải nghiệm của du khách đã có nhiều thay đổi thì Hội An cần mở rộng không gian vùng đệm, xây dựng những sản phẩm du lịch xanh.
"Du khách đến không chỉ ở khách sạn, không chỉ ở đô thị mà du khách đến còn muốn tìm hiểu các giá trị tài nguyên của vùng đất đó, tìm lại các giá trị của làng, sinh hoạt của cộng đồng làng, nếp sống của làng. Hãy giữ cho được nếp sống đó, tức là sự thân thiện, cộng đồng trách nhiệm”, ông cho biết.
Ngoài 2 di sản Văn hóa thế giới, tỉnh Quảng Nam đang tập trung khôi phục các hoạt động tại những điểm du lịch sinh thái, mở rộng và khai thác không gian du lịch ở phía Tây và phía Nam Quảng Nam. Đặc biệt, khu vực miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam, với tài nguyên thiên nhiên đa dạng nhưng chưa được phát huy hiệu quả.
Hiện, tại huyện miền núi Đông Giang, Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang đang trong quá trình hoàn thiện. Đây là dự án du lịch có quy mô lớn nhất được đầu tư tại miền núi tỉnh Quảng Nam, hứa hẹn khi đi vào hoạt động sẽ thu hút du khách về với vùng Tây Quảng Nam.
Tỉnh Quảng Nam hiện có nhiều khu du lịch quyến rũ, nhiều làng du lịch cộng đồng đặc sắc đã và đang hình thành dọc chiều dài hơn 100km bãi biển. Ngoài ra, những dòng sông thơ mộng hay vùng trung du, miền núi gắn với văn hóa bản địa đồng bào dân tộc thiểu số giữa đại ngàn rừng xanh của Trường Sơn hùng vĩ, được xem là không gian lý tưởng để khai thác tiềm năng du lịch.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã linh hoạt thích ứng, không ngừng làm mới sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo lại nhân lực, sẵn sàng đón nhận và khai thác các cơ hội mới: “Quảng Nam vô cùng khao khát phục hồi và phát triển mạnh mẽ hoạt động du lịch, bởi đó không chỉ đơn thuần là một ngành kinh tế, mà hơn thế nữa, du lịch còn đem lại ý nghĩa xã hội vô cùng to lớn khi khơi dậy, lan tỏa và truyền tải đến bạn bè năm châu những giá trị của lịch sử, văn hóa và thiên nhiên vô cùng đặc sắc. Chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng năm 2022 sẽ là năm khởi đầu thắng lợi cho một giai đoạn phục hồi và phát triển mạnh mẽ".
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN
TAG: