Thị trường - Tiêu dùng
Trang chủ / Kinh tế / Thị trường - Tiêu dùng
Dự báo 6 xu hướng phát triển bền vững của thương mại điện tử
07:50 PM 21/03/2023
(LĐXH)-Báo cáo “Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số” nhận định, TMĐT Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, tập trung cho phát triển bền vững dựa trên sự kết hợp giữa thị trường và công nghệ thông qua việc đầu tư có chọn lọc và tối ưu chi phí để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế.

Ngày 21/3/2023, Lazada Việt Nam phối hợp với Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sự kiện công bố Báo cáo ngành Thương mại điện tử (TMĐT) năm 2023 với chủ đề: “TMĐT phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số”

Đại diện Lazada và các chuyên gia tại sự kiện công bố Báo cáo ngành Thương mại điện tử năm 2023

Báo cáo có sự tham gia cố vấn của các chuyên gia kinh tế và thương hiệu: PGS.TS. Phạm Công Hiệp, Chủ nhiệm nhóm bộ môn Kinh doanh sáng tạo, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam; Bà Lê Hoàng Uyên Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Do Ventures; Ông Nguyễn Thanh Sơn – Chuyên gia tư vấn chiến lược cao cấp, Chủ tịch MVV Group.
Tại sự kiện, với vai trò là cơ quan đồng hành phát triển và công bố Báo cáo ngành, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch VCCI đánh giá cao nỗ lực và vai trò tiên phong của Lazada Việt Nam trong việc chủ động phân tích tổng quan sự phát triển của ngành TMĐT, nắm bắt xu hướng phát triển bền vững phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy làn sóng Chuyển đổi số quốc gia theo chủ trương của Chính phủ Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch VCCI

Báo cáo “TMĐT phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số” được thực hiện nhằm cung cấp cho doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT và cộng đồng TMĐT góc nhìn tổng quan về tiềm năng, tầm quan trọng, hiệu quả của phát triển bền vững trên TMĐT; vai trò của TMĐT phát triển bền vững với nền kinh tế số; các thông tin, xu hướng hữu ích để phát triển bền vững trên TMĐT.
Báo cáo đưa ra những nhận định chuyên môn về ngành, phân tích rõ 4 khía cạnh chính của TMĐT phát triển bền vững, bao gồm: Phát triển kinh doanh bền vững; Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững; Phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao; Phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng; từ đó cho thấy vai trò quan trọng của TMĐT bền vững trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số nói riêng và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Về Phát triển kinh doanh bền vững, Báo cáo chỉ ra các yếu tố tạo nên kinh doanh bền vững của TMĐT. Trong đó, việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững trên cả 3 phương diện môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định được tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển trong thời kì kỹ thuật số. Đồng thời, phát triển kinh doanh bền vững cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần tiếp tục gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ một cách bền vững trên TMĐT thông qua ứng dụng công nghệ để thấu hiểu sâu sắc người tiêu dùng trên nền tảng; Phát triển hệ sinh thái TMĐT bền vững để nâng cao năng lực phục vụ cốt lõi của mình, cho phép mở rộng các lĩnh vực then chốt như chuỗi cung ứng và thanh toán kỹ thuật số; và Quản lý tài chính bền vững để quản lý, tối ưu hoá, bảo vệ tài sản, thu nhập, chi phí và nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.
Về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, Báo cáo mang đến cái nhìn tổng quát về thực trạng đầu tư hạ tầng công nghệ TMĐT tại Việt Nam, cho thấy đầu tư về CNTT và TMĐT hiện nay được các doanh nghiệp chú trọng, điển hình là các hạng mục đầu tư vào hệ thống phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu; các công nghệ tự động hoá, đám mây, trí tuệ nhân tạo và kết nối cơ sở hạ tầng tối ưu hoá mọi quy trinh quản trị, vận hành và gia tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng.
Về phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, Báo cáo cho biết mấu chốt của ngành TMĐT Việt Nam là sự chênh lệch và thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng của nhân lực số so với nhu cầu từ thị trường. Để đáp ứng được tính cấp thiết trong việc đào tạo nhân lực, việc xây dựng mô hình quản lý và phát triển nguồn nhân lực bền vững đảm bảo ba yếu tố: đa dạng, công bằng và hoà nhập, đối với các doanh nghiệp TMĐT là vô cùng quan trọng. Chứng minh cho hiệu quả của mô hình này, Lazada là một trong những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhân sự khá đáng kể, đạt mức tăng trưởng 18% vào năm 2022. Lazada đồng thời tiếp tục duy trì mô hình này, kết hợp với việc tăng cường đầu tư phát triển nguồn lực nhân sự thông qua các chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ, TMĐT, kỹ năng lãnh đạo, hợp tác, sáng tạo trong giải quyết vấn đề.
Về phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng, tỷ lệ người sử dụng TMĐT tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đạt 52 triệu người vào năm 2022, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó những đặc điểm nổi trội của thế hệ người tiêu dùng mới – thế hệ Z – được thể hiện rõ nét cũng dẫn đến những thay đổi trong hành trình mua sắm. Người tiêu dùng cũng có xu hướng mua sắm thông minh hơn, tìm kiếm thêm nhiều trải nghiệm tinh tế hơn và mong chờ nhận được thêm nhiều giá trị hơn thay vì chỉ tìm kiếm các ưu đãi giảm giá đơn thuần; họ cũng tìm kiếm các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Số liệu trong báo cáo đã chứng minh điều này, ghi nhận từ Lazada Việt Nam cho thấy số lượng ngành hàng trung bình một người mua sắm trên Lazada đã tăng từ 6 ngành hàng trong năm 2021 lên 7 ngành hàng trong năm 2022; có đến 57% người Việt Nam ngừng mua một số sản phẩm hoặc dịch vụ vì tác động của chúng đối với môi trường.
Từ việc phân tích và đánh giá sâu sắc các khía cạnh của TMĐT phát triển bền vững, Báo cáo “TMĐT phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số” nhận định TMĐT Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, tập trung cho phát triển bền vững dựa trên sự kết hợp giữa thị trường và công nghệ thông qua việc đầu tư có chọn lọc và tối ưu chi phí để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế. Trong đó, với vai trò là cầu nối doanh nghiệp, người tiêu dùng với TMĐT bền vững, Lazada Việt Nam và VCCI đã đưa ra dự báo 6 xu hướng phát triển bền vững của ngành TMĐT:
Thứ nhất, về đầu tư, TMĐT bền vững sẽ tiếp tục hướng đến các đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng, công nghệ, logistics, con người…
Thứ hai, về kinh doanh, TMĐT bền vững tạo ra nhiều giá trị hơn cho các bên liên quan thông qua việc xây dựng cộng đồng với các giá trị được cộng hưởng từ đối tác (thanh toán, vận hành, logistics…), doanh nghiệp (nhà bán hàng và thương hiệu) và người tiêu dùng.
Thứ ba, về công nghệ, TMĐT bền vững ưu tiên đầu tư cho các công nghệ hỗ trợ độ mở của sàn, sử dụng API (Application Programming Interface – Giao diện lập trình ứng dụng) ở mọi điểm tiếp xúc của TMĐT với đối tác, kết nối và tận dụng triệt để nhiều dịch vụ của đối tác trên nền tảng TMĐT
Thứ tư, về trải nghiệm khách hàng, TMĐT bền vững kết nối các hành vi mua sắm riêng lẻ của người tiêu dùng, hướng đến xu hướng mua sắm toàn diện và lâu dài từ giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn, mua hàng, thanh toán, đổi trả.
Thứ năm, về thanh toán, Thanh toán trên TMĐT sẽ ngày càng mở rộng kết nối với đa dạng đối tác tài chính và chuyển hướng “buy now, pay later” (Mua trước, trả sau), đáp ứng nhu cầu chi trả của người tiêu dùng và giúp cho việc mua sắm trên TMĐT trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn
Thứ sáu, về xã hội, TMĐT bền vững trở thành cầu nối thúc đẩy phổ cập hiểu biết về TMĐT đến với doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn quốc, góp phần thực hiện chủ trương phổ cập TMĐT đến các địa phương trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025.
Ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada chia sẻ tại sự kiện
Chia sẻ về Báo cáo ngành TMĐT năm 2023, ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Lazada Việt Nam cho biết: “Chúng tôi kết hợp với VCCI cùng các chuyên gia để xây dựng báo cáo ngành TMĐT năm 2023 với mong muốn Báo cáo sẽ trở thành nguồn tham khảo hữu ích và thiết thực cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân quan tâm tìm hiểu về ngành TMĐT, giúp họ kịp thời nắm bắt xu hướng phát triển bền vững của ngành và áp dụng hiệu quả cho định hướng phát triển của mình trong thời gian tới. Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến VCCI và các chuyên gia đã đồng hành cùng Lazada phát triển báo cáo này và hi vọng vào sự hợp tác chặt chẽ trong tương lai.”
Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động quảng bá cho Báo cáo ngành TMĐT năm 2023, Lazada Việt Nam tiếp tục phối hợp với VCCI, cùng các chuyên gia ban hành Báo cáo đến hàng chục ngàn doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời tham gia chuỗi toạ đàm chia sẻ về Báo cáo tại các trường đại học và các sự kiện chuyên đề Phát triển bền vững trong thời gian tới./.
MH
 
TAG: Thương mại điện tử bền vững xu hướng thương mại điện tử
Tin khác
Hà Nội công bố bảng giá đất, cao nhất hơn 695 triệu đồng/m2
Techfest Vĩnh Phúc 2024: Kết nối sâu rộng giữa các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp
VRG đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 26.300 tỷ đồng
Prudential Việt Nam và HSBC Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác lấy trải nghiệm khách hàng làm trọng tâm
Prudential bế giảng khóa “Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp”, hoàn thiện hình mẫu nhà lãnh đạo đa  năng
Grab tung ưu đãi “khủng” để kết nối người dân với tuyến Metro số 1
TPHCM: 14 nhà ga của tuyến Metro số 1 đồng loạt mở cửa và sẵn sàng đón khách từ 10g ngày 22/12
Mất cân bằng tài chính từ trào lưu đốt tiền ‘xé túi mù’
'Cuộc chơi' của Temu tại VN: Từ rầm rộ đến dừng hoạt động