Đồng Tháp xây dựng kế hoạch trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ
(LĐXH)Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2024, Đồng Tháp sẽ tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống; sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ tự kỷ bị tâm thần nặng.
Đồng thời, Sở đẩy mạnh thực hiện huy động sự tham gia của toàn xã hội nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí nhằm thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho đối tượng.
Quá trình phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần đòi hỏi sự chăm sóc toàn diện, bao gồm cả chăm sóc y tế, hỗ trợ xã hội và tâm lý
Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng năm 2024 được Đồng Tháp hướng tới các mục tiêu cụ thể như sau:
Ít nhất 80% người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật dạng tự kỷ và được can thiệp sớm.
Ít nhất 80% trẻ khuyết tật dạng tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.
Ít nhất có 100 người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội; ít nhất 50 hộ gia đình có người rối nhiễu tâm trí có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
80% người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí có khó khăn về tài chính được cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.
Hằng năm, ít nhất 80% người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình và cộng đồng và 100% người tâm thần lang thang được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng luân phiên tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có câu lạc bộ thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ của người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; thu hút ít nhất 20% người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 20% người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tham gia văn hóa, văn nghệ và biểu diễn văn nghệ tại cơ sở trợ giúp xã hội.
Ít nhất 60% số người trầm cảm, trẻ em tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí khác có nguy cơ cao bị tâm thần và người tâm thần được tư vấn, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác tại cộng đồng và cơ sở chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, cơ sở y tế.
Ít nhất 40% gia đình có người tâm thần, 40% gia đình có trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng chăm sóc, trợ giúp và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
Ít nhất 70% cán bộ, nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cơ sở và cộng đồng được nâng cao năng lực thông qua tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo đó, để thực hiện được các mục tiêu này, trong năm 2024, Đồng Tháp sẽ phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Thực hiện quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí. Trong đó, chú trọng nâng cấp, mở rộng và phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí nặng; chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ.
Tỉnh cũng tập trung nâng cao năng lực đội ngũ công chức viên chức và cộng tác viên: Tập huấn cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên và gia đình đối tượng về kỹ năng, phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí.
Đồng thời, tỉnh thực hiện đẩy mạnh giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí hệ thống trợ giúp xã hội; kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần; chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ và đối tượng khác./.
Mỹ Hạnh