Đồng Tháp chú trọng bảo vệ, chăm sóc trẻ em
(LĐXH)-Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của tỉnh Đồng Tháp luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Năm 2021, ngân sách dành cho công tác này là hơn 3 tỷ 523 triệu đồng, trong đó ngân sách của tỉnh, huyện, xã là hơn 783 triệu đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động được nguồn cho trẻ em là hơn 1,4 tỷ đồng và Unicef hỗ trợ cho trẻ em là hơn 1,3 tỷ đồng.
Nhằm giải quyết các vấn đề về trẻ em, đặc biệt bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ngay từ đầu năm 2021, thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và xã hội đã ban hành các Văn bản số 176/SLĐTBXH-TEBĐG ngày 09/02/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho trẻ em và đảm bảo an toàn cho trẻ em trong đại dịch và Văn bản số 982/SLĐTBXH-TEBĐG ngày 16/6/2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 và phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.
Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Văn bản số 198/UBND-THVX, ngày 10/5/2021 chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em và ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021 với chủ đề “Chung tay đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai dịch bệnh”, chỉ đạo các Sở, ngành, đoàn thể và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ liên quan, xây dựng kế hoạch triển khai hoặc lồng ghép nội dung thực hiện Tháng hành động vì trẻ em vào chương trình, kế hoạch công tác năm của đơn vị để thực hiện, đảm bảo hiệu quả, thiết thực, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo vê, chăm sóc, giáo dục trẻ em; cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; tăng cường vận động nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch số 28/KH-SLĐTBXH ngày 11/3/2021 về thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng năm 2021; kế hoạch số 34/KH-SLĐTBXH ngày 29/3/2021 về thực hiện Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng và thực hiện quy trình trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS năm 2021; Kế hoạch số 67/KH-SLĐTBXH ngày 20/7/2021 về thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2022.
Để nâng cao năng lực quản lý, thực hiện quyền trẻ em, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã tổ chức 11 lớp tập huấn kiến thức về tai nạn thương tích, lao động trẻ em cho cán bộ cấp Tỉnh, huyện, xã, cộng tác viên, giáo viên, có 384 người tham dự; giám sát huyện, thành phố tổ chức 12 lớp tập huấn (mỗi huyện tổ chức 01 lớp) cho 300 người là cha mẹ, người nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em từ 0-8 tuổi các kiến thức, kỹ năng, chăm sóc đề phòng nguy cơ tai nạn thương tích trẻ em và phòng, tránh xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động Ban Điều hành bảo vệ trẻ em và Nhóm công tác liên ngành cấp tỉnh; Ban Điều hành bảo vệ trẻ em 12/12 huyện, thị, thành phố và hoạt động của 143 Ban bảo vệ trẻ em xã, phường, thị trấn.
Theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra 20 vụ (tăng 05 vụ) có 20 trẻ bị xâm hại (tăng 05 em) so với cùng kỳ năm 2020. Người chưa thành niên vi phạm pháp luật xảy ra 33 vụ (tăng 04 vụ) có 49 em vi phạm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 04 trẻ em. Thực hiện công tác bảo vệ trẻ em, tỉnh phát huy dịch vụ kết nối can thiệp hỗ trợ khẩn cấp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, nguy cơ vi phạm pháp luật, trẻ bị xao nhãng, trẻ có nguy cơ nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn … từ Văn phòng Tư vấn bảo vệ trẻ em thành phố Hồng Ngự, huyện Cao Lãnh, huyện Lấp Vò và Phòng Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp. Kết quả có 111 em được tư vấn, kết nối, hỗ trợ kịp thời tại cộng đồng, trong đó có 58 trẻ em bị xao nhãng có nguy cơ rơi vào HCĐB được lập hồ sơ quản lý và hỗ trợ đột xuất từ nguồn kinh phí Unicef (mỗi trường hợp 1 triệu đồng). Hoạt động phòng ngừa tai nạn, thương tích trẻ em được quan tâm. Tỉnh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, ngừa tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp do UBND Tỉnh chủ trì. Tính đến ngày 15/5/2021 đã xảy ra 11 em tử vong do bị đuối nước, tăng 04 em với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em” do Unicef hỗ trợ tại huyện Cao Lãnh, thành phố Hồng Ngự, thành phố Cao Lãnh và mới nhân rộng sang 08 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Tháp Mười và thành phố Sa Đéc; hỗ trợ Văn phòng Tư vấn bảo vệ trẻ em thành phố Hồng Ngự và huyện Cao Lãnh; dự án “Hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng” tại 33 xã, phường, thị trấn thuộc huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh, thông qua đó đã phát hiện, lập hồ sơ can thiệp 37 trường hợp gồm: 12 trường hợp vi phạm và 25 trường hợp nguy cơ vi phạm pháp luật. Trong 37 trường hợp quản lý có 15 trường hợp tiến triển tốt, 22 trường hợp tiến triển chậm và mới phát sinh.
Đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em tại 15 xã của 04 huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông. Tổ chức Lễ phát động phong trào phòng, chống đuối nước trẻ em tại 02 điểm trường THCS Long Hưng A và THCS Mỹ An Hưng B huyện Lấp Vò có 800 học sinh và giáo viên tham dự. Tổ chức 90 lớp dạy bơi cho 1.800 em, tổ chức 60 lớp tập huấn kiến thức về phòng, chống đuối nước cho 1.500 em học sinh và 1.500 hộ gia đình có trẻ em dưới 6 tuổi. Tổ chức các hoạt động truyền thông như phát thanh trên Trạm truyền thanh, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, nhân bản và cấp phát 20.000 tờ rơi.
Về công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, trong 6 tháng đầu năm 2021, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển đạt 55% (kế hoạch năm 2021 là trên 93%). Bên cạnh đó, chỉ đạo huyện, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch.
Về công tác giáo dục cho trẻ em, ngành Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép công tác trẻ em vào các kế hoạch, văn bản triển khai của ngành; thực hiện tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trong trường học. Chỉ đạo giáo viên thực hiện tích hợp, lồng ghép các nội dung có sự tham gia của trẻ em vào các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo và năng lực, sự phát triển của trẻ em; tích hợp việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử tích cực cho học sinh vào chương trình giáo dục nhà trường.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid -19, các địa phương trong tỉnh cũng không tạo được nhiều điều kiện vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thông tin, truyền thông cho trẻ em, chẳng hạn như không tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán, thi đấu thể dục thể thao, hội thi văn nghệ, tặng học bổng,... Tỉnh cũng không tổ chức được các hoạt động để trẻ em tham gia vào các vấn đề về trẻ em..
Trong những tháng cuối năm 2021, tỉnh Đồng Tháp sẽ tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở và tăng cường truyền thông trực tiếp nhóm đối tượng, gia đình tại cộng đồng bảo vệ an toàn cho trẻ em phòng tránh dịch bệnh Covid-19, không bị tai nạn do đuối nước, giao thông, bạo lực, xâm hại và giảm thiểu các trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật. Tiếp tục Triển khai Dự án hỗ trợ các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng chống, đuối nước trẻ em tại tỉnh Đồng Tháp do Quỹ từ thiện Blommberg, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu hỗ trợ và Dự án Thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em do Unicef hỗ trợ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo vệ trẻ em các huyện, thị, thành phố, các hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em cần sự giúp đặc biệt./.
Mỹ Hạnh
TAG: