Dòng chảy vốn tại Việt Nam: Tắc ở hạ lưu, xoay ở thượng nguồn
Cuối tháng 10 vừa qua, một nhóm nghiên cứu chuyên ngành có mặt tại Ninh Bình, cùng nhìn lại diễn biến kinh tế vĩ mô 2017 và triển vọng 2018. Vốn đầu tư công và tín dụng là hai điểm được chú ý trong các tham luận.
là mức độ lớn chỉ trong hai tháng còn lại của năm theo chỉ tiêu Chính phủ đề ra.
Một thành viên tham gia nhóm nghiên cứu trên nêu dự đoán: có một vấn đề lớn của nền kinh tế sẽ có tháng thứ hai liên tiếp không còn được nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Đó là tăng trưởng tín dụng.
Đang vận hành tối đa
Quả thực, với các thông tin chuyển tải từ cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 cuối tuần qua, động lực tăng tín dụng đối với tăng trưởng GDP đã không thể hiện sức ép như tại các kỳ họp từ tháng 8 trở về trước. Tại kỳ họp tháng 9 vừa qua, điều này cũng đã thể hiện.
Nhưng điều này cũng không có nghĩa tăng trưởng tín dụng sẽ bớt đi áp lực trong hai tháng còn lại của năm.
Thông cáo về phiên họp Chính phủ tháng 10 cho biết, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,69% so với tháng 12/2016. Dù đây là mức cao so với những năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 11,81%), nhưng khoảng trống theo định hướng chỉ tiêu còn rất lớn.
Cả năm 2017, Chính phủ nhiều lần yêu cầu nâng tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 21%, như một động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng GDP cả năm hoàn thành chỉ tiêu 6,7%. Với tỷ lệ đã thực hiện 12,69% sau 10 tháng, 8-9% tăng trưởng tín dụng là mức độ lớn chỉ trong hai tháng còn lại.
Một tình huống VnEconomy đặt ra khi trao đổi với một lãnh đạo ngân hàng thương mại: liệu hai tháng còn lại đó các nhà băng sẽ gồng mình để mở rộng tín dụng, không hẳn chỉ theo định hướng trên mà còn vì nhu cầu nội tại, tạo một mẫu số cơ sở tổng dư nợ lớn hơn để số liệu tuyệt đối theo chỉ tiêu tăng trưởng năm tới được giao lớn hơn?
Câu trả lời tham khảo từ vị lãnh đạo ngân hàng trên rằng, với tỷ lệ đã thực hiện sau 10 tháng, chỉ tiêu tăng tín dụng 18% Ngân hàng Nhà nước đưa ra đầu năm nay khả dĩ hơn. Còn chủ quan ngân hàng muốn đẩy mạnh hơn nữa là có hạn, còn tùy vào cơ sở hấp thụ của nền kinh tế, cũng như các giới hạn an toàn phải cân đối.
"Nhìn số liệu cập nhật các tỷ lệ an toàn hoạt động thì thấy quy mô vốn điều lệ của hệ thống tăng hạn chế, tổng tài sản tăng nhanh vì đẩy mạnh cho vay, hệ số an toàn vốn một số nhóm đã ở sát giới hạn. Nếu rướn quá mức thì rủi ro. Nhiều tổ chức quốc tế đều đã có cảnh báo về tăng tín dụng thời gian qua rồi", vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.
Cũng theo góc nhìn người trong cuộc này, năm 2017, một cứu cánh quan trọng cho tăng trưởng tín dụng là cho vay tiêu dùng. Dòng chảy này đang thể hiện mạnh mẽ ở nhiều ngân hàng thương mại, cũng như trực tiếp góp phần thúc đẩy tiêu dùng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế năm nay.
Sao cứ loay hoay ở thượng nguồn?
Tại phiên họp thường kỳ cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu một thực tế: "Vì sao mà giải ngân đầu tư công chậm như vậy mà tăng trưởng GDP cao?".
Thủ tướng cũng trả lời luôn: "Chúng ta trả lời đầu tư công chậm nhưng đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài đã tăng mạnh, góp phần đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Nhiều công trình, dự án rất lớn, quan trọng là thông qua nguồn vốn xã hội".
Giải ngân vốn đầu tư công chậm không phải tình trạng của riêng năm nay, từ năm trước cũng đã thể hiện. Chính phủ đã sớm đặt yêu cầu thúc đẩy, song cập nhật đến tháng 10/2017 mức độ giải ngân mới chỉ đạt 72,5% kế hoạch năm, thấp hơn cả cùng kỳ năm ngoái (78,6%).
Như trên, tăng trưởng GDP cao thể hiện từ quý 3 vừa qua "may mà" có tốc độ lớn hơn của tăng trưởng tín dụng, trong đó có diễn biến mới và mạnh hơn của tín dụng tiêu dùng, cùng với vốn đầu tư nước ngoài mạnh, cùng đầu tư tư nhân.
Trước diễn biến tốc độ giải ngân đầu tư công, một chuyên gia tham gia nhóm nghiên cứu đề cập ở trên cho rằng hiện vẫn có một số cách hiểu chưa đầy đủ mà có phần "lạc quan".
"Giải ngân đầu tư công chậm và kéo dài. Có ý kiến nêu nhờ đó mà tiền gửi ngân sách đọng lượng lớn trong hệ thống ngân hàng, giúp tăng thanh khoản và bình ổn lãi suất. Nhưng đó không phải sự hồng hào của cơ thể. Máu phải lưu thông, lan tỏa thì mới phát huy giá trị. Vốn đầu tư công phải chảy được theo mạch máu, đến các điểm tiếp vốn thì giá trị của nó mới phát huy", chuyên gia trên phân tích.
Đó là chưa kể câu chuyện chi phí. Bộ Tài chính, qua Kho bạc Nhà nước đi huy động bằng trái phiếu trả lãi suất cao, vốn giải ngân chậm và kê đọng gửi ở ngân hàng thương mại nhận lãi suất thấp.
Thêm nữa, Ngân hàng Nhà nước lại phải liên tục phát hành tín phiếu, cũng phải trả chi phí qua lãi suất tín phiếu, để hút bớt tiền về, điều hòa lượng vốn khê đọng này. Theo đó, vốn đầu tư công không chỉ có vấn đề về tốc độ giải ngân, mà còn các chi phí liên quan.
"Đó là những vấn đề then chốt, đang tắc và cần tập trung khơi dòng ở hạ lưu. Thế nhưng đọc báo và theo dõi diễn đàn Quốc hội, tôi thấy chúng ta cứ xoay xở ở thượng nguồn để tìm và tạo nguồn, đi vay nguồn với vấn đề tranh luận suốt thời gian qua là quy ba bộ về một mối quản lý đầu tư công hay không, rồi đâu là đầu mối nhận quyền đàm phán, quản lý…", chuyên gia trên nêu góc nhìn.
Còn tại phiên họp thường kỳ cuối tuần qua, Chính phủ đã kết luận: yêu cầu đặt ra là giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017; kiên quyết cắt giảm các công trình giải ngân chậm để bố trí cho các công trình quan trọng, cấp bách khác.
Theo vneconomy
TAG: