Đổi thay từ vùng đất Út Tịch anh hùng
(LĐXH) - Từ một vùng đất nghèo của tỉnh Trà Vinh, đến nay, xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) quê hương của “Người mẹ cầm súng” đã thay da đổi thịt, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Hoà chung không khí kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), chúng tôi trở lại thăm xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) - quê hương của nữ anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Thị Út mà người dân quen gọi với cái tên thân thương chị Út Tịch.
Bức chân dung người mẹ cầm súng
Chị Út Tịch tên thật là Nguyễn Thị Út, sinh ngày 19/4/1931 tại ấp Ngãi Nhất, xã Tam Ngãi nổi tiếng với câu nói bất hủ "Còn cái lai quần cũng đánh! - nhân vật được khắc họa trong tác phẩm "Người mẹ cầm súng" của nhà văn Nguyễn Thi. "Út Tịch" là tên ghép của chị và chồng - Lâm Văn Tịch, người Khmer. Trong một trận máy bay B52 của Mỹ công kích vào tháng 11/1968, chị đã hy sinh cùng người con gái thứ ba.
Nhằm thể hiện lòng biết ơn với người nữ anh hùng đã ngã xuống vì bình yên của Tổ quốc, năm 2015, UBND tỉnh Trà Vinh khánh thành công trình Khu Tưởng niệm nữ liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út tại ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi trên diện tích 1,4 ha, kinh phí 36 tỉ đồng.
Khu tưởng niệm Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út gồm các hạng mục như: Cổng tam quan, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội thảo - chiếu phim, nhà quản lý, nhà dừng chân và bán hàng lưu niệm...
Nổi bật trong khuôn viên khu tưởng niệm là tượng Người mẹ cầm súng - Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út được đặt trang trọng giữa sảnh. Tượng “Người mẹ cầm súng” cao 06m (chất liệu bằng đồng), đặt trên bệ đá granit cao 1,5m được phác thảo qua “Bức chân dung Người mẹ cầm súng” thể hiện lời người mẹ dặn dò các con trước khi ra chiến trường.
Ông Trần Quốc Sâm (công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Cầu Kè), quản lý khu tưởng niệm, cho biết: Trung bình mỗi tháng, khu tưởng niệm đón 500-700 lượt khách, chủ yếu là các đoàn đến viếng và các hộ gia đình. Đặc biệt những dịp lễ như Ngày giải phóng miền Nam, Ngày Thương binh liệt sĩ, lượng khách đến thăm, viếng tăng lên rất nhiều.
"Mấy ngày nay, hôm nào chúng tôi cũng đón 5-6 đoàn khách đến thắp hương. Đến đây, khách sẽ được nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của chị Út Tịch và chiến công của các anh hùng - liệt sĩ vùng đất Cầu Kè trong quá trình đấu tranh vì độc lập dân tộc". ông Sâm nói.
Ông Trần Quốc Sâm thông tin thêm, Khu tưởng niệm chị Út Tịch là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các điểm đến trên địa bàn huyện Cầu Kè và nằm trong đề án phát triển du lịch của địa phương. Vừa qua, lãnh đạo địa phương đã đưa vào sử dụng khu trưng bày các sản phẩm OCOP và một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ để phục vụ khách du lịch.
Sự chuyển mình ngoạn mục
Theo báo cáo của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cầu Kè, toàn huyện có 2.086 liệt sĩ , 996 Thương binh (418 còn sống), 09 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (01 người còn sống), 369 mẹ Việt Nam anh hùng (09 mẹ còn sống) và 6.199 đối tượng chính sách người có công với cách mạng. Với những hy sinh mất mát đó, huyện Cầu Kè có 8/11 xã, thị trấn được công nhận anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đảng bộ và nhân dân huyện Cầu Kè được Chủ tịch nước công nhận danh hiệu“Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào ngày 20/8/1995.
Trong đó, vùng đất Tam Ngãi là mảnh đất chịu nhiều đau thương mất mát trong hai cuộc chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nay đã chuyển mình thành mảnh đất xanh mướt cây trái suốt bốn mùa. Ngày nay, trở lại quê hương của chị Út Tịch, chúng tôi chứng kiến rất nhiều sự đổi thay rõ nét.
Trong riêng 6 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất của xã Tam Ngãi đạt 883,65 tỉ đồng. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 566,06 tỉ đồng, công nghiệp - xây dựng 47,96 tỉ đồng, dịch vụ ước 269,63 tỉ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 131,5 tỉ đồng.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp chủ lực của Tam Ngãi là trồng các loại cây ăn trái như xoài, mít, dừa… với diện tích 1.456 ha. HTX nông nghiệp Tam Ngãi đang triển khai kế hoạch hỗ trợ xã viên trồng chuối Tá quạ. Đăng ký thực hiện quy trình công nhận sản phẩm VietGap cho sản phẩm Chuối Tá quạ với diện tích 04 ha, có 04 xã viên tham gia. Đồng thời, sản phẩm này được công nhận OCOP đạt chuẩn 3 sao, nâng tổng số trên địa bàn xã có 02 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao.
Bên cạnh đó, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được giữ vững tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đến nay toàn xã có 370 cơ sở, các cơ sở đã tạo việc làm cho 740 lao động. Phát triển mới 14 cơ sở thương mại dịch vụ, nâng tổng số đến nay có 682 cơ sở, giải quyết việc làm cho 1.943 lao động... Đường từ trung tâm huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh về đến khu tưởng niệm khoảng 5km nay đã được mở rộng rất khang trang. Đặc biệt, từ khi Đường huyện 32 được tráng nhựa và mở rộng, giúp giao thông thuận lợi, cuộc sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Đặc biệt mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh vừa ký Quyết định số 1235/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2023 công nhận Khu tưởng niệm nữ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (Út Tịch), xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè là điểm du lịch cấp tỉnh.
Theo đó, du khách đến đây có thể thắp hương viếng nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, tham quan nhà trưng bày tìm hiểu về hoàn cảnh xuất thân, quá trình tham gia kháng chiến và nhất là quyết tâm đánh giặc bảo vệ xóm làng không gì lay chuyển được của một người phụ nữ bình dị, sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo khó, trước một kẻ thù mạnh hơn gấp bội.
Cùng với nhà cổ Huỳnh Kỳ, cù lao Tân Qui, Vạn Niên Phong Cung (Chùa Ổng Bổn), di tích kiến trúc nghệ thuật Minh Đức Cung, khu tưởng niệm vừa được công nhận cũng góp phần tạo nên điểm nhấn quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, du lịch văn hóa trên địa bàn được mệnh danh là “vương quốc dừa sáp” – Cầu Kè.
Khánh Quyên
TAG:
Út tịch