Đô Lương phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”
(LĐXH) - Trong các cuộc kháng chiến, huyện Đô Lương (Nghệ An) có gần 40 ngàn người phục vụ chiến đấu thì có 4.036 liệt sỹ, 3.448 thương binh, 1.414 bệnh binh, 262 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 08 Anh hùng lực lượng vũ trang và hơn 1.200 người nhiễm chất độc hóa học,… Hiện có 18 xã, 1 thị trấn trên địa bàn huyện được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo báo cáo của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đô Lương, toàn huyện có hơn 5.568 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công bao gồm: 2.376 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 1.018 bệnh binh; 05 đối tượng tiền khởi nghĩa; 54 bệnh binh; 936 đối tượng hưởng tiền tuất hàng tháng; 24 thân nhân hưởng tuất cán bộ tiền khởi nghĩa; 710 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; 331 thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 40 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy; 05 Bà mẹ Việt Nam anh hùng...và hàng trăm đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng với số kinh phí chi trả trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2022, huyện đã tiếp nhận và giải quyết trên 500 trường hợp hưởng trợ cấp một lần bao gồm người có công, thân nhân người có công và các đối tượng chính sách khác với kinh phí trên 5 tỷ đồng…
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhiều năm qua, Đô Lương luôn chú trọng thực hiện tốt công tác tri ân “Đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương, bệnh binh và người có công với cách mạng bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, thể hiện trách nhiệm và tình cảm tri ân sâu sắc. Đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện đã được xã hội hóa sâu rộng, huy động được sức mạnh của toàn xã hội để thực hiện những việc làm cụ thể và thiết thực như: xây dựng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc, giúp đỡ thương, bệnh binh, bố mẹ liệt sỹ già yếu, cô đơn, con liệt sỹ mồ côi. Qua đó, kịp thời động viên, tạo điều kiện để họ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, trong các dịp Tết Cổ truyền dân tộc và Kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), cùng với việc chuyển quà tặng của Chủ tịch nước đến tận tay các đối tượng người có công kịp thời, UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ huyện và các địa phương còn tổ chức các thăm hỏi, tặng quà bằng tiền mặt cho tất cả người có công trên địa bàn. Chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các địa phương đã chuyển quà tặng của Chủ tịch nước đến tận tay 7.469 đối tượng người có công và thân nhân của họ, gia đình thờ cúng liệt sĩ với tổng kinh phí hơn 2,28 tỷ đồng; các đoàn lãnh đạo của huyện trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và tặng 99 suất quà cho người có công gặp hoàn cảnh khó khăn, ốm đau với số tiền 128,7 triệu đồng. Phối hợp UBND tỉnh tặng 02 suất quà, trị giá 5.000.000 đồng; UBND các xã, thị trấn phối hợp UBMTTQ trao 4.196 suất quà trị giá trên 836,2 triệu đồng...
Tiếp đến, công tác điều dưỡng người có công với cách mạng và thân nhân người có công cũng được Đô Lương thực hiện đảm bảo đúng chế độ đầy đủ, kịp thời theo quy định. Theo kế hoạch năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định điều dưỡng cho 2.120 đối tượng người có công và thân nhân đồng thời UBND huyện phối hợp với Trung tâm điều dưỡng Người có công tổ chức đưa 304 đối tượng đi điều dưỡng tập trung tại Cửa Lò.
Được biết, Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, Đô Lương đã có kế hoạch cụ thể với nhiều hoạt động thiết thực, huy động đông đảo lực lượng tham gia điển hình là thăm và tặng quà các đối tượng người có công là Mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; thương binh, bệnh binh từ 81% trở lên hoặc thân nhân liệt sĩ già yếu, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn trên địa bàn, hỗ trợ nhà ở, phương tiện sản xuất, động viên gia đình người có công chủ động vươn lên trong sản xuất, luôn là tấm gương cho con cháu noi theo... Đặc biệt địa phương sẽ tiếp nhận kinh phí từ Trung ương và trao quà cho trên 7.400 đối tượng với tổng tiền trên 2,25 tỷ đồng, bên cạnh đó UBND huyện sẽ trích ngân sách địa phương tặng quà cho 50 đối tượng người có công với tổng trị giá 15 triệu đồng. Đặc biệt,nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, UBND huyện sẽ tổ chức trao quà từ Quỹ Thiện Tâm cho 76 đối tượng là thương binh, bệnh binh hạng ¼ trên địa bàn (15 triệu đồng/trường hợp)…
Tiếp đó, các cấp các ngành trong huyện tổ chức “Lễ thắp nến tri ân” tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện đồng thời có kế hoạch dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ ở tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sỹ Việt Lào, Khu di tích lịch sử Truông Bồn... tạo một điểm nhấn trong Tháng 7 hào hùng của dân tộc – đây cũng là hoạt động mang tính giáo dục hệ trẻ với thông điệp tri ân người có công với cách mạng là nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm và nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền các cấp và người dân các dân tộc trên địa bàn huyện Đô Lương…
Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, Đô Lương vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, điển hình là hiện nay trên địa bàn vẫn còn nhiều đối tượng tham gia hoạt động kháng chiến nhưng không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, nên chưa đủ căn cứ để xác nhận thời gian tham gia kháng chiến… hoặc hồ sơ xét duyệt không bảo đảm những yếu tố về pháp lý theo quy định của pháp luật để giải quyết chế độ. Bên cạnh đó, một số đối tượng là người tham gia hoạt động kháng chiến ở vùng bị nhiễm chất độc hóa học mà chưa được giải quyết chế độ do thiếu thủ tục giấy tờ và các quy định hiện hành… Ví dụ như không có đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh tham gia tại chiến trường vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học. Hoặc trong hồ sơ, giấy tờ chỉ ghi phiên hiệu đơn vị mà không ghi rõ địa điểm vùng, miền đơn vị đóng quân, chiến đấu nên không đủ căn cứ để làm cơ sở xét duyệt hồ sơ giải quyết chế độ ưu đãi... Đặc biệt, trên địa bàn huyện còn hơn 60 liệt sỹ chưa giải quyết được trợ cấp thờ cúng theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP từ năm 2013 đến nay. Lý do, không có hồ sơ liệt sỹ quản lý tại Sở và chưa được Chính phủ tặng bằng Tổ quốc ghi công. Vì theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP thì người còn sống phải có lý lịch mới được xác nhận, trong khi người đã từ trần thì được sử dụng những căn cứ khác để công nhận như: lịch sử Đảng bộ địa phương, các giấy tờ, tài liệu lưu trữ...
Để khắc phục những khó khăn trên, Đô Lương đã chủ động đề ra những giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo các phong, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Đôn đốc kiểm tra việc tổ chức thực hiện phong trào xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ người có công, nhất là đánh giá lại hiệu quả thực hiện các tiêu chí để đảm bảo phong trào đạt kết quả thực chất, hiệu quả thiết thực. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong giải quyết chế độ ưu đãi, chú trọng việc công khai, minh bạch hóa tất cả các chế độ chính sách để nhân dân và các đối tượng người có công biết, thực hiện và giám sát, hạn chế sai sót trong quá trình thiết lập hồ sơ... Tiếp tục chú trọng công tác giáo dục truyền thống cách mạng giúp cho gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng nhận thức sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc trong huyện thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ những khó khăn của địa phương để từ đó nêu cao ý thức tự lực, tự cường, phát huy truyền thống cách mạng, chủ động khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, trong học tập và công tác…
Tiếp đó, huyện cũng kiến nghị đối với các cấp có thẩm quyền sớm có giải pháp giải quyết các chế độ, chính sách đối với những trường hợp đã từng tham gia hoạt động kháng chiến, cống hiến cho cách mạng nhưng không còn các giấy tờ chứng minh; giải quyết chế độ đối với những người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nhưng không đủ giấy tờ chứng minh đã tham gia ở chiến trường vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học. Đồng thời, bổ sung đối tượng là cựu chiến binh hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vào đối tượng người có công với cách mạng…
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Đô Lương – Phạm Thị Bích Thủy cho biết: “Trong những tháng cuối năm 2022, Đô Lương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách người có công theo đúng quy định; vận động các cơ quan, ban ngành, tập thể và cá nhân đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; Chủ động tạo điều kiện để người có công có cơ hội phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững và phấn đấu 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơm mức sống bình quân nơi cư trú…/.”
Lê Minh
TAG: