Doanh nghiệp
Trang chủ / Kinh tế / Doanh nghiệp
Diễn đàn doanh nghiệp Ngành Nhôm Việt Nam 2023: Thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Ngành Nhôm
03:35 PM 18/05/2023
(LĐXH)- Ngày 17/5/2023, tại Hà Nội, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam và Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Ngành Nhôm Việt Nam năm 2023.
Diễn đàn được tổ chức nhằm kết nối các nhà sản xuất nhôm trên cả nước, mang đến cái nhìn tổng thể về Ngành Nhôm hiện nay, nhận diện cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp, tham khảo khuyến nghị từ các chuyên gia, từ đó thảo luận, đưa ra giải pháp để hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp và ngành nhôm Việt Nam trong thời gian tới.
Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu gồm các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong hệ sinh thái ngành nhôm cả nước và các cơ quan thông tấn báo chí.
Khó khăn, thách thức của Ngành Nhôm Việt Nam
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam, cho biết, hiện nay ngành nhôm Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Nhu cầu thị trường gần đây đã giảm mạnh khiến các nhà máy phải giảm công suất. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất nhôm chỉ đang hoạt động ở mức xấp xỉ 30% công suất, dòng tiền cạn kiệt. Một số doanh nghiệp trong nước đang bán phá giá gây nhiễu loạn thị trường, khiến các doanh nghiệp ngành nhôm lại càng khó khăn.
Chính vì vậy, rất cần có biện pháp giúp lành mạnh thị trường, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nhôm Việt Nam để tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Hiệp hội tiếp tục kiến nghị giảm thuế xuất khẩu nhôm dạng thanh, que và hình. Đây là nhóm sản phẩm thế mạnh của nhôm Việt Nam hiện nay.
Diễn đàn Doanh nghiệp Ngành Nhôm Việt Nam 2023
Khó khăn thứ hai được Chủ tịch Hội Nhôm thanh định hình nêu lên là việc quyết định áp thuế chống bán phá giá sẽ hết hiệu lực từ tháng 10/2024, thời hạn nộp hồ sơ rà soát cuối kỳ đến tháng 9/2023. Các nhà sản xuất cần nhìn nhận vai trò của thuế chống bán phá giá đối với thị trường trong nước những năm qua. Các năm 2019-2020, việc áp thuế chống bán phá giá nhôm định hình xuất xứ từ Trung Quốc đã từng là sự cứu cánh cho các doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam trước bờ vực phá sản. Do đó, các nhà sản xuất cần xem xét lại tình hình hiện nay và thống nhất quan điểm với Hiệp hội để đề nghị Bộ Công Thương gia hạn quyết định thêm 5 năm.
Thách thức thứ ba là xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang ngành nhôm Việt Nam những năm gần đây rất rõ nét, chủ yếu là dòng vốn đến từ các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc (điển hình là vụ việc Công ty Xingfa Quảng Đông) đang chuyển hướng đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Giai đoạn 2016-2018, nhôm Trung Quốc dư thừa sản lượng, tràn vào bán phá giá khiến doanh nghiệp nhôm Việt Nam lâm vào cảnh ngừng hoạt động, công nhân mất việc. Năm 2019, khi Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chống buôn lậu và gian lận thương mại, đã ngăn chặn được nhôm Trung Quốc bán phá giá vào Việt Nam.
Vấn đề là sau khi bị áp thuế, các nhà sản xuất Trung Quốc đã tìm cách chuyển hướng đầu tư trực tiếp sang Việt Nam để tránh bị áp thuế. Đồng thời, việc chuyển cứ điểm sản xuất có thể giúp nhôm Trung Quốc tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà nhôm Việt Nam đang được hưởng, nhằm tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước như Mỹ, EU, Anh… Điều này, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu của các nhà máy nhôm Việt Nam. Các đơn vị lại thêm lần nữa đối mặt với nguy cơ mất đi thị trường trong nước lần 2 như những năm 2018-2019 trước khi áp thuế chống bán phá giá; đồng thời đối mặt với rủi ro bị điều tra/áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại khi nhôm Việt xuất khẩu sang EU, Mỹ…
Ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp trong ngành về tình trạng dư thừa công suất. Hiện nay, tính tổng thể trong lĩnh vực nhôm, có khoảng 100 nhà máy, chủ yếu là sản xuất nhôm định hình. Năng lực sản xuất nhôm tăng mạnh, khoảng trên 1,2 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là trong vài năm gần đây, công suất của ngành nhôm đã bắt đầu có dấu hiệu dư thừa. Theo đó, sản lượng của phần lớn các nhà máy chỉ đạt 70% công suất thiết kế, sản phẩm thành phẩm nhôm sản xuất ra đã vượt quá nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến quý 1 năm nay, doanh nghiệp nhôm hầu hết đều lao đao.
Phần lớn các nhà máy sản xuất nhôm chỉ hoạt động ở mức 30 - 40% công suất. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp nhôm gặp rất nhiều khó khăn, hầu như không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, dòng tiền khó khăn, chủ yếu chỉ cố gắng duy trì sản xuất để giữ việc làm cho người lao động.
Những kiến nghị, đề xuất để Ngành Nhôm Việt Nam vượt khó, phát triển bền vững
Để khắc phục tình trạng này và tái cơ cấu ngành nhôm theo hướng phát triển bền vững, ông Vũ Văn Phụ kiến nghị cần xem xét quy hoạch tổng thể ngành nhôm, sản xuất nhôm nguyên chất và tăng cường tái chế nhôm, tiếp cận nguyên liệu “xanh”. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng sớm nghiên cứu xây dựng quy hoạch chính sách phát triển ngành; duy trì có hiệu quả biện pháp phòng vệ thương mại trong nước. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xem xét cẩn trọng việc cấp phép cho các dự án đầu tư có vốn FDI vào lĩnh vực nhôm tại Việt Nam, đồng thời xem xét có các chính sách giảm thuế xuất khẩu nhôm, hỗ trợ các doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu để vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cũng tại Diễn đàn, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đều thống nhất trong bối cảnh kinh tế đa suy thoái, ngành nhôm Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề khó khăn, thách thức lớn cần được giải quyết, do đó rất cần có các giải pháp mang tính tổng thể để khắc phục các vấn đề tồn tại, cơ cấu lại ngành và có chiến lược phát triển bền vững trong thời gian tới.
Theo bà Phạm Châu Giang - Chuyên gia cao cấp Quỹ VinaCapital, ngành nhôm Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển. Thực tế không phải bây giờ ngành mới gặp khó khăn, mà giai đoạn trước đây đã từng có thời điểm còn khó khăn hơn rất nhiều nhưng các doanh nghiệp vẫn vượt qua được. Hiện nay, Ngành Nhôm có lợi thế là hầu như vẫn chỉ có các doanh nghiệp trong nước sản xuất, hầu như chưa phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, vì các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này còn hạn chế.
Do đó, theo bà Giang, các doanh nghiệp nhôm cần tận dụng phát huy tối đa lợi thế này, để liên kết cùng nhau sản xuất cung ứng cho thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xem xét, nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu và cùng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển ngành vững mạnh trong giai đoạn 10 năm tới.
Điểm hạn chế của ngành nhôm Việt Nam hiện nay là sản phẩm khá giống nhau và tập trung chủ yếu vào sản phẩm nhôm thanh định hình. Vì vậy, các doanh nghiệp Ngành Nhôm cần đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với các nhu cầu sử dụng khác nhau, để có thể tăng khả năng cung ứng cho thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, hạ giá thành.
Việt Nam là thị trường xây dựng tăng trưởng thứ 4 của khu vực châu Á. Với các mục tiêu lớn về cơ sở hạ tầng, nhà ở thì đây chính là động lực phát triển của ngành trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu. Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự đồng hành, hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng thì vai trò của doanh nghiệp trong việc chọn sân chơi, lối chơi và nguồn lực của chính doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ủy viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ Quốc gia: "Doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang yếu, hiệp lực với nhau là vấn đề sống còn, ngành nhôm Việt Nam cũng vậy",
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương lưu ý, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết để tận dụng lợi thế của chuỗi sản xuất nhằm tăng năng lực sản xuất cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm, từ đó tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đối với các kiến nghị của Hiệp hội và các doanh nghiệp nhôm về duy trì biện pháp phòng vệ thương mại trong nước, ông Trung khẳng định không thể quyết định tuỳ tiện mà cần căn cứ vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng và thông tin từ các doanh nghiệp ngành nhôm cung cấp. Do đó, các doanh nghiệp cần theo dõi và nắm bắt thông tin thực tế một cách chặt chẽ, để cùng phối hợp với cơ quan chức năng một cách hiệu quả./.
Thảo Lan
 

 

 

TAG: Diễn đàn doanh nghiệp Ngành Nhôm Việt Nam 2023 Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam
Tin khác
Chuyển đổi công nghiệp để phát triển bền vững
Chiêm tinh tài chính - Lối rẽ từ khác biệt đến thành công của Mr Phú Hưng
Địa phương và doanh nghiệp phối hợp tái sinh rừng, hấp thụ Carbon hướng đến Net Zero
Nhiều hoạt động ý nghĩa tại Hội chợ Làng nghề thành phố Hà Nội lần thứ 20- năm 2024
VSMCamp & CSMOSummit 2024 định hướng xây dựng chiến lược  sales và marketing trong xu hướng phát triển bền vững
Activax triển khai chiến dịch Mở khoản đầu tư Mở rộng yêu thương
Sự kiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường
Chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt”: Nestlé Việt Nam tri ân người nông dân trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên
Đột phá công nghệ và giải pháp chất lượng của Intech Group tại triển lãm giao thương quốc tế ngành chế tạo Hà Nội 2024