Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Diễn Châu chú trọng thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
02:37 PM 08/09/2022
(LĐXH)- Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”của dân tộc, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, nhân dân huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) luôn chú trọng thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng.
Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, toàn huyện Diễn Châu có hơn 4.400 nghìn liệt sĩ; 328 bà mẹ Việt Nam anh hùng; 390 cán bộ lão thành cách mạng, 228 cán bộ tiền khởi nghĩa; 4.500 thương binh, 2.300 bệnh binh; 1.950 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học... 
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Diễn Châu, cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng, nhiều năm qua, Diễn Châu đã huy động sức mạnh của toàn dân, các lực lượng xã hội và thành phần kinh tế để tri ân sâu sắc, hiệu quả người có công với cách mạng bằng cả tấm lòng, trách nhiệm với những việc làm thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao đời sống của người có công, gia đình chính sách. Nhiều phong trào tình nghĩa được duy trì và nhân rộng như: chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, xây dựng nhà tình nghĩa, tu sửa nghĩa trang, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách.
Các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ở Diễn Châu ngày càng hiệu quả và thiết thực
“Ngoài các chế độ chính sách của Nhà nước, hàng năm, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Diễn Châu còn chủ động tham mưu UBND huyện vận động các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp các nhà hảo tâm nhận phụng dưỡng thường xuyên tất cả các mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn đang còn sống; chăm sóc, trợ giúp cho các gia đình một cách kịp thời và hiệu quả” - Trưởng phòng Nguyễn Thị Hồng Nhung, chia sẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại, 7 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị, tổ chức trong tỉnh Nghệ An nhận đỡ đầu, phụng dưỡng suốt đời, thì tại các địa phương, phong trào giúp đỡ, đỡ đầu các gia đình chính sách cũng đang lan tỏa khắp nơi ở tất cả 37 xã, thị trấn trong huyện.
Con trai bà Lê Thị Trường, ở thôn Ngọc Mỹ, xã Diễn Hùng (huyện Diễn Châu), phấn khởi cho biết: mẹ tôi là vợ liệt sỹ Phạm Văn Bảo hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Do không có đủ điều kiện để làm nhà, đầu năm 2022, gia đình tôi được hỗ trợ 65 triệu đồng từ Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Nghệ An, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” huyện Diễn Châu và xã Diễn Hùng để xây dựng ngôi nhà tình nghĩa mới.
Được biết, Diễn Hùng là một trong những xã có số lượng người có công lớn của huyện Diễn Châu, với 121 người có công và thân nhân người có công. Bằng nhiều nguồn xã hội hóa, hằng năm, xã xây dựng nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa’ được hơn 20 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ và nguồn huy động, xã đã tổ chức tặng quà, thăm hỏi và giúp đỡ các thương binh, gia đình thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn… Ngoài ra, năm 2022 xã đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để nâng cấp Đài tưởng niệm liệt sỹ, làm ấm lòng thân nhân gia đình liệt sỹ trên địa bàn.
Ông Trần Thông, Chủ tịch UBND xã Diễn Hùng, cho biết: Cùng với việc thực hiện nghiêm túc các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước với các đối tượng người có công, hằng năm, địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch kêu gọi các tổ chức trên địa bàn con xa quê, mạnh thường quân, toàn thể anh em có tinh thần ủng hộ vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của xã, từ đó có thêm nguồn lực để hỗ trợ người có công khó khan đột xuất.
Không chỉ ở xã Diễn Hùng, đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Diễn Châu đều phát động và xây dựng được quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với kinh phí từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng/năm để tạo nguồn hỗ trợ xây mới, sửa chữa nâng cấp nhà ở cho các gia đình chính sách; tu sửa nghĩa trang liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách khi ốm đau, hoạn nạn; tặng quà nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 và các dịp lễ tết; tặng sổ tiết kiệm, trao học bổng cho con thương binh, liệt sỹ học giỏi.
Bên cạnh đó, các tổ chức, đoàn thể ở Diễn Châu còn phân công hội viên, đoàn viên giúp đỡ các gia đình chính sách kỹ thuật, ngày công lao động; thường xuyên thăm hỏi động viên các đối tượng người có công tham gia các phong trào hoạt động xã hội, nhất là phong trào thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc.
Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hồng Nhung, cho biết thêm: Đến nay, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân trên địa bàn. Bình quân mỗi năm, Diễn Châu vận động đóng góp, ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"được trên 1,8 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ này kết hợp với các nguồn xã hội hóa khác, trong 5 năm qua, huyện đã hỗ trợ xây dựng mới gần 200 nhà tình nghĩa, sửa chữa và nâng cấp trên 150 nhà; tặng trên 50 sổ tiết kiệm cho các đối tượng người có công.
Có thể nói, các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc người có công ở Diễn Châu đã trở thành một phong trào rộng khắp, tạo thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội. Hiện tại, tất cả 37 xã, thị trấn trên địa bàn đều được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. 

Chí Tâm

 

TAG:
Tin khác
Phát triển năng lực trẻ em - Hành động vì tương lai
Thị xã Hồng Lĩnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Hỗ trợ 60 triệu đồng cho hộ người có công khi xây mới nhà ở
Hiệu quả từ Kỳ họp giả định Hội đồng nhân dân trẻ em tỉnh Yên Bái
Vĩnh Long thực hiện hiệu quả các dự án giảm nghèo
Bắc Giang: Chung tay chăm lo đời sống người có công
Quảng Ninh: Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế
Yên Bái đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát
Phụ nữ Nam Định với phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa'