An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Điện Biên: Hiệu quả của tín dụng chính sách trong giảm nghèo bền vững
07:04 PM 28/06/2021
Nhờ thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi, nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, là một trong những tỉnh thuộc diện khó khăn nhất cả nước, với tỷ lệ hộ đói nghèo cao gấp nhiều lần mặt bằng chung của cả nước. Theo quy định phân loại huyện nghèo của Chính phủ, Điện Biên có 7 huyện nghèo (trong đó, có 5 huyện nghèo nhóm 1 gồm các huyện thuộc Chương trình 30a và 2 huyện nghèo nhóm 2). Toàn tỉnh có 103/129 xã, phường, thị trấn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Đời sống của đại bộ phận người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Chà... vẫn còn hết sức khó khăn.
Ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên cho biết: Những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên quan tâm chỉ đạo, với mục tiêu thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hoạt động tín dụng chính sách đã thực sự góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định an sinh xã hội tại địa phương. Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững tại địa phương có đóng góp một phần không nhỏ từ các Chương trình TDCSXH do Chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên thực hiện, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn Tỉnh giảm từ 48,14% đầu năm 2016 ước xuống còn 29,93% năm 2020, bình quân hàng năm giảm 3,62 %; riêng các huyện nghèo (huyện 30a) bình quân giảm 4,83 %/năm.
Cán bộ NHCSXH huyện Điện Biên kiểm tra hoạt động nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách
trên địa bàn xã Thanh Luông
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, NHCSXH tỉnh Điện Biên đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức CT-XH nhận ủy thác triển khai thực hiện tốt các Chương trình TDCSXH trên địa bàn, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội. UBND tỉnh Điện Biên đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các chương trình mới, các chính sách mới liên quan đến TDCSXH.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, Tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, NHCSXH Việt Nam liên quan đến công tác TDCSXH. Xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, góp phần thực hiện tốt Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, XDNTM, bảo đảm chính sách an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác TDCSXH; đồng thời phát động phong trào cuộc vận động vì người nghèo để vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân gửi tiết kiệm tại NHCSXH, góp phần bổ sung nguồn vốn cho TDCSXH.
Ông Trần Ngọc Nam cho biết thêm: Những năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Điện Biên đã tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các Chương trình TDCSXH trên địa bàn; chủ động phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, xác định nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương để bổ sung nguồn vốn và giải ngân kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Thường xuyên duy trì và nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, phường thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố; chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát người vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc thu hồi nợ đúng hạn, hạn chế nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng TDCSXH trên địa bàn.
Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu về vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, hàng năm bên cạnh nguồn vốn cân đối từ Trương ương chuyển về, cấp ủy, chính quyền các cấp đã dành một phần ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đặc biệt, nhờ có Chỉ thị số 40- CT/TW của Ban Bí thư TW, hiệu lực lãnh đạo, chỉ đạo đối với TDCSXH của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở được nâng lên rõ rệt; cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường nguồn ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách. Ngoài ra, NHCSXH cũng đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư và cùng với nguồn vốn được bổ sung hàng năm, tích cực thu hồi nợ để cho vay quay vòng nhằm cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. 
Năm 2020, tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh Điện Biên đạt 3.267 tỷ đồng; tỷ lệ tăng trưởng nguồn vốn bình quân 9,8%, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn hàng năm đạt trên 99%. Hiện nay, NHCSXH cho vay theo 20 chương trình và được thực hiện tại 129 điểm xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh với phương châm “cho vay tại xã thu lại tại nhà”. Tổng dư nợ thực hiện tính đến 31/12/2020 là 3.258 tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2019; với 67.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Theo đó, đã xây dựng được 3.150 ngôi nhà cho hộ nghèo, thụ hưởng theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng 5.750 công trình nước sạch và VSMTNT; giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho 2.450 lao động; 100% học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được giải quyết vay vốn kịp thời theo quy định…
Từ thực tiễn cho thấy, TDCSXH đã góp phần quan trọng giúp hàng chục nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh, xã hội trên địa bàn. NHCSXH đã thực sự khẳng định được vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, là địa chỉ tin cậy cung cấp tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.
                                                                                               Minh Hà
 
 
 
TAG:
Tin khác
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI