Điểm tựa của trẻ bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại Thái Nguyên
(LĐXH)-Trong thời gian qua, Trung tâm CTXH Thái Nguyên đã triển khai hoạt động can thiệp hỗ trợ cho 20 trẻ bị nhiễm và trên 200 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Theo thống kê, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 118 trẻ nhiễm HIV/AIDS; 812 trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV; 157 em mồ côi do bố và mẹ hoặc bố hoặc mẹ chết vì lý do liên quan đến HIV/AIDS và có 655 trẻ em sống với bố, mẹ hoặc người nuôi dưỡng nhiễm HIV; đồng thời có 1.230 trẻ em có nguy cơ cao nhiễm HIV; 740 trẻ em bị ảnh hưởng HIV thuộc hộ nghèo; số trẻ em bị ảnh hưởng HIV thuộc hộ cận nghèo là 312.
Đặc biệt tại những địa bàn vùng sâu vùng xa kinh tế khó khăn, mặc dù các em nhiễm HIV đều được đến trường nhưng vẫn còn phải chịu sự kì thị bởi lẽ hệ thống giáo dục chỉ có thể quan tâm đến việc trẻ có được đến trường và trong quá trình học tập tại nhà trường tránh được những tai nạn thương tích cho mình chứ chưa thể sâu sát được hết các mối quan hệ của trẻ.
Gia đình cháu P.M.P tại xóm Đồng Đau, xã Định Biên, huyện Định Hóa là một trong những điển hình như thế. Gia đình từ bao đời nay làm nông kinh tế vô cùng khó khăn. Cuộc sống của em cũng sẽ như bao nhiêu trẻ khác nếu gia đình em không vướng phải nghịch cảnh cả bố và mẹ trẻ đều nhiễm HIV giai đoạn cuối. Không may mắn, bản thân P cũng nhiễm HIV.
Trẻ nhiễm HIV vẫn còn bị kỳ thị tại cộng đồng (ảnh có tính chất minh họa)
Không bằng lòng với số phận, em P vẫn mong muốn được đi học và thành tích học tập của em luôn nằm trong top đầu của lớp. Những thực tại qua khó khăn, bố mẹ luôn đau ốm, nhà thì nghèo em không biết phải bước tiếp như thế nào. May mắn cho em và gia đình khi biết tới hoàn cảnh của P Trung tâm CTXH tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ để trẻ được tham gia Mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2016.
Em cũng được tham gia các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng sống. Ngoài ra các cán bộ của Trung tâm đã tư vấn tâm lý, hỗ trợ trẻ được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, cuộc sống của trẻ được đảm bảo. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương để trẻ nhận được chế độ hỗ trợ theo đúng quy định giúp em không còn mặc cảm về bản thân và hòa nhập với cộng đồng.
Với chức năng nhiệm vụ can thiệp hỗ trợ, điều phối, kết nối các dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng yếu thế khó khăn trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trẻ bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Trong thời gian qua, Trung tâm CTXH đã triển khai hoạt động can thiệp hỗ trợ cho 20 trẻ bị nhiễm và trên 200 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Những hoạt động can thiệp hỗ trợ đó không chỉ tác động tích cực đến trẻ mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến gia đình, cộng đồng dân cư nơi trẻ đang sinh sống.
Bà Trần Bảo Khánh – Phó trưởng phòng Can thiệp – Hỗ trợ cho biết: “Một trong những hoạt động đem lại hiệu quả trong việc hỗ trợ trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS là mô hình “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng”. Trong quá trình triển khai mô hình trong ba năm 2015- 2017 thực hiện mô hình Trung tâm đã hỗ trợ 5 trẻ bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS (trong đó có 2 trẻ bị nhiễm HIV; 3 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS) tại huyện Định Hóa và Đồng Hỷ.
Các hoạt động hỗ trợ cho trẻ và gia đình trong mô hình được triển khai bằng các hình thức. Hỗ trợ mỗi gia đình nhận nuôi trẻ là 900.000đ/tháng và mỗi năm trẻ nhận được 900.000đ nhằm hỗ trợ chi phí sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ. Hàng tháng, cán bộ Trung tâm xuống giám sát và tư vấn cho trẻ nhằm trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh lây nhiễm, cách chơi an toàn. Qua đó trẻ dần thoát được sự mặc cảm tự tin, củng cố niềm tin vào bản thân và tiếp tục học tập, hòa nhập cộng đồng”.
Những gia đình nhận nuôi trẻ còn được Trung tâm hỗ trợ kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ và định hướng cho gia đình sử dụng số tiền trợ cấp cho trẻ sao cho đảm bảo lợi ích tối đa cho trẻ. Không chỉ hỗ trợ trẻ tại cộng đồng nơi trẻ đang sinh sống các hoạt động của Trung tâm còn hướng đến các trường học nhằm tổ chức các hoạt động tuyên truyền trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh thì còn lồng ghép rất nhiều nội dung về các kiến thức kỹ năng phòng chống HIV/AIDS. Qua đó đã nâng cao nhận thức và từng bước giảm kỳ thị.
Ngoài ra, để có thể hỗ trợ tốt nhất và để trẻ có thể nhận được sự chăm sóc, hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, Trung tâm còn tổ chức 10 lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở, CTV Bảo vệ chăm sóc trẻ em, gia đình và người chăm sóc thay thế trẻ bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS về kỹ năng chăm sóc trợ giúp tại những địa bàn có nhiều người nhiễm HIV.
Có thể nói, những hoạt động của Trung tâm tuy chưa nhiều nhưng với phương châm là can thiệp sâu, đồng bộ và có sự chung tay góp sức của các ban nghành, đoàn thể có liên quan đã tạo ra những thay đối tích cực, đáng ghi nhận cho những trẻ bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Để có thể trợ giúp nhóm trẻ này tốt hơn nữa rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng, các ban ngành đoàn thể có liên quan bởi lẽ thực sự những rào cản về tâm lý, về sự kỳ thị là những nhân tố cản trở sự phát triển cũng như hòa nhập cộng đồng của các em./.
Minh Thu
TAG: