Đến với nghề công tác xã hội phải từ cái tâm
“Hương điên”, “Hương tâm thần” là những cái tên mà người thân hay bạn bè vẫn thường dùng để gọi chị hay thậm chí là lưu vào danh bạ số điện thoại để cho dễ nhớ, dễ phân biệt. Đối với bản thân chị, cách gọi này từ lâu đã trở nên quen thuộc vì nó phần nào nói lên cái nghề mà những người như chị đã chọn, đang làm và mãi sẽ gắn bó với nghề dẫu mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn.
Phải có lòng yêu nghề mới gắn bó với nghề
Gặp chị trong một cuộc hội thảo mới đây về Báo chí và truyền thông về phát triển nghề CTXH do Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức tại Đồ Sơn - Hải Phòng, được nghe chị tâm sự về cơ duyên gắn bó với nghề CTXH và những khó khăn trong công việc, chúng tôi mới thấu hiểu hết được những khó khăn, vất vả trong công việc các chị đang làm.
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Y Hải Dương, năm 1997, chị Nguyễn Thị Minh Hương về công tác tại một trạm y tế xã trên địa bàn huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Năm 2006, do hoàn cảnh gia đình, chồng chuyển công tác về thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, chị đã phải xin chuyển công việc theo chồng. Lúc đầu, có người giới thiệu thấy xin vào Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần NCC và Xã hội Hải Dương không mất tiền thế là mình nộp hồ sơ và được nhận vào làm việc ngay. Nhưng ngay khi vào làm, chị đã thấy sợ, bởi ở đây đối tượng toàn là những người tâm thần, tính khí thất thường hay bị khích động. Sợ hãi đến mức hôm trước đi làm hôm sau nghỉ luôn và nghỉ luôn ở nhà đến nửa năm liền, mặc dù đã có quyết định chuyển công tác.
Sau đó, được sự động viên kích lệ của một số cán bộ trong Trung tâm, chị đã mạnh dạn quay trở lại công việc, dần dần tìm hiểu, thích ứng với môi trường làm việc mới. Đến nay, sau hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị cho biết có cho chuyển mình công việc mới thì cũng không đi, vì nơi đây đã thực sự trở thành ngôi nhà thứ 2 của chị. Hiện nay, chị Nguyễn Thị Minh Hương đang giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần NCC và Xã hội Hải Dương, phụ trách mảng y tế, điều trị cho bệnh nhân. “Gần 400 đối tượng tâm thần ở đây, mỗi người một dạng bệnh song chị đều nắm rõ, thuộc lòng bệnh án từng người. Thậm chí nếu có đi công tác vài ngày, chỉ cần cuộc gọi từ Trung tâm thông báo đối tượng nào phát bệnh, lên cơn kích động ra sao là chị có thể chỉ đạo từ xa về đơn thuốc và liều dùng đúng phác đồ”, chị Hương tâm sự.
Chia sẻ những khó khăn trong công việc, chị Hương cho biết thêm: Đối với những người làm công việc như chị thì không có khái niệm nghỉ lễ hay nghỉ tết bao giờ. Do đặc thù công việc của đơn vị là nuôi dưỡng trực tiếp đối tượng, nên ngày nghỉ cũng như ngày thường. Hàng ngày, cán bộ các khoa hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục buổi sáng, cách sắp xếp phòng ở gọn gàng; tổ chức cho bệnh nhân tắm, giặt, vệ sinh cá nhân như: cắt tóc, gội đầu, bấm móng tay, cạo râu… Với những bệnh nhân nặng không tự chăm sóc được bản thân, thì còn được hỗ trợ chăm sóc từ việc ăn, ở, đến tắm giặt, làm vệ sinh cá nhân. Trong ca trực, cán bộ Trung tâm thường xuyên đi kiểm tra, theo dõi giấc ngủ của bệnh nhân nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp bệnh nhân mất ngủ, kích động, có hành vi tự sát. Ngoài ra, các khoa quản lý của Trung tâm còn thường xuyên liên hệ, quan tâm, trao đổi tình hình bệnh nhân đến gia đình, đồng thời qua đó hiểu hơn về nội tâm, tính cách, hoàn cảnh các bệnh nhân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác quản lý bệnh nhân. Bên cạnh hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị, Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần NCC và xã hội Hải Dương cũng chú trọng các hoạt động tâm lý trị liệu, lao động trị liệu và phục hồi chức năng cho bệnh nhân nhằm giúp đối tượng có thể thực hiện những công việc đơn giản như: lau quét nhà và ngoại cảnh, sắp xếp dọn dẹp phòng ở, tự phục vụ sinh hoạt cá nhân; đồng thời tập trung chú ý, bắt buộc trí óc tư duy để hình thành nên sản phẩm, thích ứng với xã hội.
Nghề CTXH đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành
Công việc khó khăn, vất vả là vậy nhưng với chị tình yêu nghề, gắn bó cảm thông với những số phận kém may mắn sẽ luôn là động lực tiếp thêm sức mạnh để các chị vượt qua. Chị cũng bày tỏ niềm vui mừng khi được các cấp, các ngành và đặc biệt là Bộ Lao động - TBXH quan tâm đến chế độ lương, phụ cấp của những người làm nghề CTXH. Hiện nay, triển khai Quyết định số 32/2010/QĐ- TTg phê duyệt Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 -2020, ngày 6/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2016/NĐ-CP quy định các chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập.
Theo đó, mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội được quy định cụ thể như sau: Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; người khuyết tật đặc biệt nặng; Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp cho người cao tuổi không tự phục vụ được, trẻ em dưới 4 tuổi; Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp người khuyết tật nặng; Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp trẻ em từ 4 tuổi trở lên, đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp, người cao tuổi; Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với công chức, viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp đối với người nhiễm HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; người cao tuổi không tự phục vụ được, trẻ em dưới 4 tuổi.
Hy vọng rằng, với sự quan tâm của các cấp, các ngành sẽ phần nào giúp những người làm công việc như chị thêm yên tâm gắn bó với nghề, tiếp tục thực hiện tốt công việc mang niềm vui, hạnh phúc đến với những mảnh đời bất hạnh.
Nguyễn Thu Hương
TAG: