Theo đó, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử. Trong dự thảo, cơ quan này nêu ra hàng loạt bất cập trong hoạt động TMĐT về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, khó khăn trong việc truy vết và xử lý vi phạm.
“Việc chưa có quy định chặt chẽ về việc xác minh và lưu trữ thông tin người bán làm cho công tác điều tra và xử lý vi phạm trong giao dịch TMĐT trở nên phức tạp. Các cơ quan chức năng khó truy vết kho hàng hoặc đối tượng bán hàng khi có vi phạm. Ngoài ra còn có rủi ro về gian lận và trốn thuế, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng”, Bộ Công Thương cho hay.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Bộ Công Thương đề xuất một số quy định mới. Cơ quan này cho rằng cần quy định cụ thể trách nhiệm của các nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian trong việc tự vận hành cơ chế giám sát, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng của họ.
Trong đó có quy định các hình thức hoạt động TMĐT, các chủ thể tham gia vào hoạt động TMĐT, quyền và nghĩa vụ liên quan như: sàn TMĐT, các nền tảng mạng xã hội và các nền tảng số đa dịch vụ, các chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới và người bán nước ngoài trên các nền tảng số, người bán trên các nền tảng số TMĐT…
Chủ sàn TMĐT phải có trách nhiệm cụ thể về chính sách, quy định, thông tin hàng hóa, dịch vụ và phân loại hàng hóa trong nước hay nước ngoài bán trên nền tảng.
Quy định về cung cấp thông tin định kỳ, báo cáo về tình hình kinh doanh trên nền tảng. Với người thực hiện livestream hoặc những người tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng được quy định cụ thể.
Đối với người bán trên nền tảng số trung gian thương mại điện tử phải thực hiện định danh theo quy định về định danh và xác thực điện tử trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Cung cấp thông tin cho nền tảng trung gian về tên, địa chỉ, mã số định danh và mã số thuế thu nhập cá nhân.
Đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới phải xin cấp phép với Bộ Công Thương và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam. Đồng thời phải có trách nhiệm xác thực người bán nước ngoài và bồi thường người mua khi có vi phạm trên nền tảng.
Thời gian qua, ngành thuế đã đẩy mạnh rà soát việc thu thuế của người nổi tiếng kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử. Điển hình, Cục thuế TP HCM lập tổ khai thác danh sách cá nhân là người nổi tiếng, sáng tạo nội dung bán hàng, livestream trên nền tảng xã hội để đưa vào diện kiểm tra thuế năm nay. Trong đợt rà soát đầu tiên, cơ quan thuế xác định 35 nghệ sĩ, người nổi tiếng kinh doanh trên các nền tảng số, sàn thương mại điện tử thuộc diện phải kê khai, nộp thuế.
Ngọc Anh