Đề xuất nâng mức trợ cấp và mở rộng đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội
(LĐXH)- Bộ Lao động – TBXH vừa có Tờ trình trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định một số chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Trong đó, đề xuất nâng mức trợ cấp và mở rộng một số nhóm đối tượng nghèo kinh niên, không còn khả năng lao động được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Trên 3 triệu đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
Theo đánh giá của Bộ Lao động – TBXH, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Nghị định 136/2013/NĐ-CP được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao, coi đó là một chính sách hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với một bộ phận dân cư, những người có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nhất hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trước những tác động bất lợi của suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 136/2013/NĐ-CP, Bộ Lao động - TBXH dự kiến mở rộng đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội sẽ nâng tổng số đối tượng được hưởng chính sách năm 2021 theo quy định mới lên khoảng 3,69 triệu đối tượng.
Cụ thể, đối tượng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP là 3,14 triệu người; đối tượng dự kiến tăng thêm là khoảng 550 nghìn người, gồm: khoảng 204 nghìn người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, xã bãi ngang và khoảng 210 nghìn trẻ em dưới 36 tháng tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc sống tại địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang.
Mức chuẩn trợ cấp xã hội chưa tương xứng với lương cơ bản
Theo Bộ Lao động – TBXH, trong quá trình thực hiện các quy định về chính sách trợ giúp xã hội đã phát sinh một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới. Cụ thể là chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng còn thấp mới chỉ bảo đảm hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu, chưa tương đồng với chính sách khác. Trợ cấp xã hội chỉ bằng khoảng 7% thu nhập bình quân, 38% chuẩn nghèo nông thôn. Giai đoạn 2013 - 2019, tiền lương và trợ cấp người có công với cách mạng đã được điều chỉnh tăng 5 lần, trong khi đó mức chuẩn trợ cấp xã hội không được điều chỉnh tăng.
Năm 2007, mức lương cơ sở là 450 nghìn đồng (Nghị định số 94/2006/NĐ-CP) thì mức chuẩn trợ cấp xã hội (120 nghìn đồng) bằng 26,6%; năm 2010, mức lương cơ sở là 730 nghìn đồng (Nghị định số 28/2010/NĐ-CP) thì mức chuẩn trợ cấp xã hội (180 nghìn đồng) bằng 24,6%; năm 2013, mức lương cơ sở là 1.150 nghìn đồng (Nghị định số 66/2013/NĐ-CP) thì mức chuẩn trợ cấp xã hội (270 nghìn đồng) bằng 23,47%. Năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490 nghìn đồng (Nghị định số 70/2018/NĐ-CP) thì mức chuẩn trợ cấp xã hội bằng 18,12%.
Tiếp đến, mức độ bao phủ chính sách thấp, đặc biệt vẫn còn một bộ phận dân cư thật sự khó khăn chưa được hưởng trợ cấp như người nghèo kinh niên, không có khả năng lao động, không thể thoát nghèo; người mắc bệnh hiểm nghèo, nan y phải điều trị bệnh dài ngày (bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, tim bẩm sinh), đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, trẻ em nghèo. Để bảo đảm các đối tượng yếu thế được trợ giúp cần rà soát tiêu chí xác định đối tượng nhằm bao phủ số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, việc tổ chức bộ máy chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, cơ chế phối hợp liên ngành trong lập kế hoạch, phân bổ ngân sách và chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc bảo đảm và huy động nguồn lực. Trình tự thủ tục, quy trình quyết định chính sách phức tạp...
Một số chính sách chưa thật hợp lý, công bằng; công tác thống kê, rà soát nắm đối tượng ở các địa phương, cơ sở chưa thường xuyên, chặt chẽ, còn bỏ sót đối tượng; việc cứu trợ khẩn cấp, khắc phục rủi ro, thiên tai chưa huy động xã hội hóa cao, còn hạn chế về chủng loại và chất lượng hàng hóa...
Tại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 136/2013/NĐ-CP, Bộ Lao động - TBXH đề xuất 10 nhóm đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, có 6 nhóm đối tượng như theo quy định hiện hành tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP và được đề xuất sửa đổi cho phù hợp.
Kinh phí chi cho đối tượng tăng thêm theo Nghị định mới khoảng 2.734 tỷ đồng/năm, trong đó: Trợ cấp xã hội, nuôi dưỡng hàng tháng: 2.353 tỷ đồng/năm; kinh phí mua thẻ BHYT 381 tỷ đồng/năm.
Như vậy, ngân sách dự kiến chi trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, mai táng phí cho đối tượng khoảng 25.675 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, hiện nay đã có 11 tỉnh, thành phố chủ động tăng mức chuẩn trợ cấp, tính bình quân khoảng 360.000 đồng/tháng, cho gần 700.000 đối tượng với kinh phí 3.514 tỷ đồng/năm. Do đó, thực hiện nghị định mới thì ngân sách cần bố trí khoảng 22.161 tỷ đồng/năm, tăng so với năm 2019 khoảng 4.911 tỷ đồng.
Đối với các chính sách miễn giảm một số dịch vụ thì ngân sách nhà nước không cấp; các cơ quan, tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện, không làm tăng chi ngân sách Nhà nước.
Từ ngày 01/01/2023, ngân sách sẽ tăng thêm 9.612 nghìn tỷ đồng/năm do tăng mức chuẩn trợ cấp từ 360 lên 500 nghìn đồng/tháng.
Chính vì vậy, để xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện hưởng chính sách trợ giúp xã hội và khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ Lao động - TBXH đề xuất cần xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.
Chí Tâm
TAG: